(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 30/10, một tòa án ở Ba Lan đã phản bác yêu cầu dẫn độ nhà làm phim Roman Polanski (82 tuổi) về Mỹ, với tội danh cưỡng bức tình dục một bé gái 13 tuổi ở Hollywood hồi năm 1977.
Thẩm phán Dariusz Mazur tuyên bố, “không thể thừa nhận” yêu cầu đó. Tuy nhiên, các công tố viên vẫn có thể kháng án.
Sau phiên tòa, Polanski bày tỏ ông thấy hạnh phúc khi vụ việc đã khép lại. “Tôi cảm thấy bớt căng thẳng, song thấy mệt mỏi vô cùng. Vụ việc này khiến tôi tốn rất nhiều sinh lực và thời gian” – Polanski nói với các nhà báo ở Krakow.
Có thể nói, giống như những bộ phim của Polanski, cuộc đời ông bị ám ảnh bởi những nỗi rùng rợn, bạo lực, bê bối. Ông đã trở thành một trong những kẻ phạm tội dễ nhận biết nhất thế giới.
Hồi năm 1977, Polanski đã nhận tội quan hệ tình dục trái phép với bé gái 13 tuổi Samantha Gailey ở Hollywood, tuy nhiên sau đó ông đã trốn khỏi Mỹ trước khi bị kết án.
Các bộ phim của Polanski đã nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình và khán giả, đã “rinh” 8 giải trong số 27 đề cử Oscar.
Nhà làm phim Roman Polanski
Thế nhưng, Polanski đã bị chỉ trích thậm tệ sau khi thừa nhận quan hệ tình dục trái phép với cô bé Gailey sau khi ép cô bé uống rượu và thuốc tránh thai, cùng những cuộc lẩn trốn pháp luật.
Cũng từ đó, Polanski như trong trò chơi “đuổi mèo bắt chuột” với giới chức Mỹ, họ luôn muốn dẫn độ ông về xét xử, trong khi khán giả toàn cầu thể hiện rõ 2 luồng phản ứng, nửa thì tiếp tục trút giận lên ông, còn nửa thì tha thứ cho những hành động của ông.
Ba Lan thời phát xít chiếm đóng và bi kịch ở Los Angeles
Polanski sinh năm 1933 ở Paris (Pháp), trong một gia đình có cha mẹ là người Ba Lan gốc Do Thái. Sau đó, gia đình ông trở về Ba Lan. Năm Polanski 8 tuổi, cha mẹ ông bị Phát xít Đức bắt tại khu người Do Thái ở Krakow rồi họ bị đưa tới các trại tập trung. Từ đó, mẹ Polanski không bao giờ trở về nhà nữa, và cậu bé Polanski đã buộc phải sống lang thang cùng nhiều đứa trẻ khác.
Trải nghiệm đó đã được ông đưa vào bộ phim mang tính tự truyện, vô cùng hấp dẫn, Nghệ sĩ dương cầm (The Pianist – 2002). Phim kể về một chàng trai Do Thái cố gắng lẩn tránh phát xít Đức khi Warsaw bị chiếm đóng.
Những quan sát của Polanski từ khi còn trẻ, về tính độc ác của con người đã định hình nên tâm lý làm việc của ông ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp.
Knife In The Water, bộ phim đầu tay của ông ra mắt ở Ba Lan hồi năm 1962, là phim gay cấn đa dâm, kể về một cặp đôi mời một người xin đi quá giang lên du thuyền của mình. Tác phẩm điện ảnh này đã bị giới phê bình Ba Lan “đập” tơi bời, song nó lại được ca ngợi ở phương Tây và được đề cử giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất.
Cách nhìn nhận của người phương Tây về khả năng làm phim của Polanski đã tạo cú hích cho ông chuyển tới Anh, nơi ông cho ra đời các tác phẩm điện ảnh Repulsion (1965), Cul-de-Sac (1966) và The Fearless Vampire Killers (1967).
Được quyến rũ tới Hollywood vào năm 1968, Polanski đã tung ra bộ phim ăn khách quốc tế đầu tiên của mình, Đứa con của Rosemary (Rosemary's Baby). Phim do Mia Farrow thủ diễn chính, một người vợ trở nên hoang tưởng khi mang thai.
Chưa kịp thỏa sức vui hưởng thành công của bộ phim này, thì bi kịch lại ập đến cuộc đời Polanski. Người vợ đang mang thai của ông, người mẫu kiêm diễn viên Sharon Tate, cùng 4 người bạn, đã bị nhạc sĩ Charles Manson và những kẻ đi theo hắn giết hại tại nhà riêng của Polanski. Manson là một kẻ bị ảo giác, cho rằng mình là hiện thân của những tranh chấp tôn giáo.
Quá đau khổ, Polanski rời khỏi châu Âu, song năm 1974 ông trở lại với bộ phim được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của mình, Chinatown. Do tài tử Hollywood Jack Nicholson thủ diễn chính, phim đã được 11 đề cử Oscar và hiện vẫn được coi là một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Hollywood.
Trốn chạy pháp luật
Năm 1977, Polanski bị bắt giữ khi Gailey tố cáo ông ép cô bé quan hệ tình dục sau khi đã cho cô uống rượu và thuốc tránh thai. Ban đầu, tội danh này được giảm xuống thành tội quan hệ tình dục bất hợp pháp, coi đây như một tình tiết giảm án vì Polanski đã nhận tội. Sau đó, Polanski bị giam giữ 42 ngày và trải qua quá trình giám định tâm thần.
Năm 1978, được tin thẩm phán sắp khép án mới, phạt tù giam nhiều năm, Polanski đã trốn tới Pháp, bắt đầu cuộc đời của một kẻ lánh nạn. Mặc dù tránh không trở về Mỹ, thậm chí không tới nhận giải Oscar cho phim Nghệ sĩ dương cầm, song nhiều năm sau này Polanski vẫn trong cuộc “cưỡi ngựa đấu thương” với giới chức của Bộ Tư pháp Mỹ.
Năm 2009, theo yêu cầu của Mỹ, ông đã bị giới chức Thụy Sĩ bắt khi đang trên đường từ sân bay tới LHP Quốc tế Zurich để nhận giải Thành tựu trọn đời. Sau 10 tháng quản chế ông, Thụy Sĩ đã quyết định không theo lệnh của giới chức Mỹ.
Việc này đã gây nên một cuộc tranh cãi quốc tế, rằng ông là nạn nhân của các nhà chức trách Mỹ không khoan dung hay là một tội phạm cũng cố gắng lẩn trốn pháp luật như bất cứ ai khác.
Cách đây nhiều năm, chính Gailey cũng từng lên tiếng kêu gọi hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Polanski, cho rằng vụ việc này đã đeo bám nhà làm phim quá lâu và cô muốn bỏ lại quá khứ đằng sau.
Mặc dù Gailey đã bày tỏ quan điểm như vậy, song hồi tháng 1, giới chức Mỹ vẫn yêu cầu Ba Lan dẫn độ Polanski khi ông đang quay phim ở nước này.
Việt Lâm (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa