Văn hóa chợ đen, phe vé
(Thethaovanhoa.vn) - Như một lẽ tất nhiên, mỗi khi có sự kiện giải trí, thể thao lớn thu hút đông đảo người hâm mộ thì dân phe vé lại xuất hiện. Ở Hà Nội, trước những đêm diễn lớn nhỏ ở Nhà Hát Lớn, Cung Hữu nghị... người ta quen cảnh phé vé chạy đi chạy lại chào mời như con thoi.
Nhưng vừa đỗ xe cạnh bàn bán vé, người viết đã lập tức được rất nhiều "phe" chào mời mua vé này ở dạng vòng đeo tay với mức giá 500 ngàn đồng, rẻ hơn cả giá vé BTC. Người bán vé "chính thống" của nhà tổ chức đều là sinh viên tình nguyện phục vụ chương trình. Các em chỉ biết im lặng, nhìn phe vé "rủ rê" khách mua liên tục. Hẳn phải có nguồn vé từ đâu đó tuồn ra?
Mấy ngày nay, chuyện phe vé lại nóng hơn bao giờ hết.
Khán giả tới Hoàng Thành Thăng Long để mua vé cho đêm nhạc Monsoon. Ảnh: Kênh14.vn
Việc mua vé xem trận bán kết bán kết lượt về AFF Cup giữa Đội tuyển Việt Nam và Indonesia, người viết và có lẽ nhiều người khác chỉ biết nhìn dân phe vé mà thèm thuồng, tức giận.
Nhiều người xếp hàng mua vé theo đường công văn từ sáng, vượt qua 20m đến được cổng thì... công cốc. Đứng lèn như cá hộp, nhịn vệ sinh ăn uống. Lại thêm mấy “bố” xưng là “thương binh” làm mất 2 tiếng giải quyết. Dân tình phải hô phản đối "đi về đi" thì họ mới ra bốt bảo vệ và được mua vé trước. Cầm vé xong ra ngoài bán ngay cho phe vé đợi sẵn.
Xếp hàng thì đông, vòng ngoài trung bình 1 tiếng nhích được 3 mét. Vòng trong xếp hàng thêm 2 lần nữa, mà lại có đúng 2 cô bán vé, mỗi lần vào 4 người. Phe vé thì cầm hàng xấp vé gạ bán ở ngoài. 9h sáng cặp 300 nghìn được rao 1 triệu, đến 13h hét 2 triệu. Một cái tích kê để mua 4 vé được rao giá 1 triệu.
Một bác thương binh xếp hàng mua vé đường công văn. Bác khoảng hơn 60 tuổi, trông nhanh nhẹn đậm người, áo da đen khoác ngoài tấm áo lính mầu xanh đã khá cũ. Xếp hàng từ 8h sáng, bác vui vẻ pha trò với mọi người. Bác rất kiên quyết với những người chen ngang mà “ai cũng biết là ai”, thường người chen ngang khá lì lợm và mặt mũi băm trợn. Ai trông thấy chỉ nói vài câu nhưng họ vẫn lì ra thì chịu. Riêng bác đến vỗ vai và mời ra bằng được. Thái độ của bác khiến việc chen ngang ít đi hẳn. Mấy anh bảo vệ cũng kiến quyết hơn dù trước đó họ gần như im lặng.
Đến 11h mấy người “mặc áo thương binh” quay lại lần thứ 2 vây cổng và đẩy đổ cả cổng thứ 2. Cổng thứ nhất thẳng tòa nhà có chữ Liên đoàn... và gần SVĐ hơn. Bác ít nói hẳn đi, chỉ bảo rằng lính trước đây đùm bọc nhau, điếu thuốc chia hơi ấm trà chia hớp, giúp dân mà không nề hà... Sau đó bác nhờ người giữ hộ chỗ và đi vào xem.
Lúc sau bác chạy ra nói, hóa ra có thẻ thương binh vào luôn không phải xếp hàng. Bác đi vào và lúc sau đi ra với 6 cái vé. Chỉ khác, tôi không thấy bác bán ngay và quay vào lần 2 như những người khác.
Bác thương binh tần ngần nhìn hàng “cá hộp” trước mặt, nhiều người bạn mới quen từ sáng vẫn kiên trì đứng. Nhiều nụ cười mệt mỏi nhưng họ vẫn vẫy tay chào, chúc mừng bác có vé. Chào tôi, bác ngập ngừng rồi quay người đi về với tiếng thở dài...
Phải kể lại việc này là chuyện cực chẳng đã. Bởi những người yêu đội tuyển, luôn sẵn sàng xếp hàng, thậm chí từ đêm bất chấp mưa, nắng để có được tấm vé. Nhưng mọi thứ đều cần phải được công khai đích đáng. Không quá khó khăn để mọi người bình tĩnh xếp hàng, nếu họ hiểu rằng, cứ xếp hàng thì sẽ đến lượt mình, và không có sự bất công, nhập nhèm, khuất tất ở xung quanh.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa