Văn hóa ăn chay - không nhạt nhẽo như cái tên
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa những bộ bề cuộc sống, ít người biết rằng ẩm thực cũng là một trong những yếu tố giúp chúng ta bình tâm trở lại.
- Bộ ảnh 'ngon khó cưỡng' và câu chuyện quảng bá văn hóa bằng ẩm thực
- Đường sách đang 'vươn mình' thành không gian văn hóa
Nhiều người sẽ không tin vào điều này và cho rằng ăn uống là hoạt động thường ngày mà ai cũng phải thực hiện, không thể coi đó là một giải pháp giúp chúng ta giải tỏa áp lực.
Nhất là trong xã hội bây giờ khi nền văn hóa văn hóa ẩm thực đang ngày càng phát triển, để phục vụ nhu cầu của con người.
Đa phần chúng ta chỉ thích sự phong phú và ngon miệng của món ăn, nên không thể biết hết được tác dụng của ẩm thực mang lại.
Nhưng nếu tìm hiểu kĩ hơn thì mọi người sẽ phải ngạc nhiên, về lợi ích từ việc ăn uống, đặc biệt là văn hóa ăn chay.
Trong những năm gần đây ăn chay không còn là cụm từ xa lạ với mọi người trên thế giới. Nhiều người còn cho rằng khi ăn chay là đã làm được một việc tốt, bên cạnh đó ăn chay thanh đạm còn giúp chúng ta tĩnh tâm và cảm thấy an nhiên.
Nhưng cũng không ít ý kiến phản đối ăn chay là hết sức nhạt nhẽo và không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Liệu rằng điều đó có đúng?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra ăn chay có lẽ bắt nguồn từ Phật giáo, nơi mà đức Phật đã dạy con người không được sát sinh phạm giới.
Về sau các nhà tâm linh và khoa học tiếp tục đưa ra những ý kiến về việc ăn chay. Họ cho rằng, thượng đế đã chỉ định thức ăn của con người là rau, củ, quả,... chứ không phải là thịt.
Bên cạnh đó cấu tạo bộ răng cũng như hệ tiêu hóa của con người phù hợp hơn với việc ăn chay.
Khi xã hội phát triển văn hóa ăn chay cũng đã biến đổi theo, người ta không chỉ gói gọn ăn chay bằng rau,củ,quả,... mà có rất nhiều cách ăn chay khác nhau như: ăn chay theo Phật giáo, ăn chay có trứng, ăn chay có sữa, ăn chay theo Kỳ na giáo,...
Ngay cả cách thức ăn chay đã cho chúng ta thấy được mức độ đa dạng của nét văn hóa này.
Nếu ngày trước mọi người bó buộc các món ăn chỉ được phép thuần chay, thì ngày nay khi đi tới nhiều quốc gia, giới hạn này cũng đã nới lỏng hơn một chút. Chính điều đó đã làm cho ẩm thực chay trên thế giới trở nên vô cùng phong phú.
Nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc tại sao có người bảo ăn chay mà vẫn thấy họ ăn thịt, thật ra đó là đồ ăn chay được chế biến cho giống với món ăn mặn của chúng ta.
Nhìn thì có vẻ giống thịt quay nhưng thật ra lớp vỏ ngoài của thịt được làm bằng bột mì, lớp mỡ làm từ bột cốt dừa, và phần thịt nạc được làm từ chả chay. Nếu chỉ nhìn qua thì không thể phân biệt được.
Nem là món ăn mà hầu như ai cũng yêu thích, thế nhưng nem thì phải có thịt mới ngon, tuy nhiên đối với những người ăn chay sẽ chọn đậu hũ thay thịt, mà hương vị của món ăn cũng không thay đổi.
Nếu là người thích ăn đậu phụ thì chắc chắn bạn rất phù hợp với việc ăn chay rồi, những cách chế biến đậu phụ trong ẩm thực chay rất phong phú. Từ việc làm giò chả, chả lá lốt, cho tới nấu canh măng mọc, hay khổ qua nhồi thịt,...
Tất cả nguyên liệu bằng thịt đã được chuyển hóa thành đậu hũ, với một điều kiện là đậu phải được ngâm lâu và kĩ.
Còn rất nhiều món ăn chay nữa mà không thể kể hết, điều đó đã phần nào khẳng định món chay không nhạt nhẽo như cái tên của nó.
Ngày nay rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện phương pháp ăn chay, đây cũng là một trong những cách giúp con người kéo dài tuổi thọ và khiến chúng ta tĩnh tâm hơn.
Ấn Độ là nước dẫn đầu về số người ăn chay, khoảng 450 đến 500 triệu người không sử dụng thịt.
Đứng thứ hai trong danh sách này là Israel, tiếp theo đó là các quốc gia Đài Loan (Trung Quốc), Anh, Đức, Áo.
Ẩm thực chay mang lại cho con người rất nhiều lợi ích, nên không có lí do gì mà chúng ta lại không tích cực thực hiện và phổ biến nét đẹp này.
Khổng Giang