Vấn đề đai đẳng trong võ cổ truyền: Bài toán khó chưa có lời giải
Trong thời gian gần đây, vấn đề đai đẳng trong võ cổ truyền lại thêm lần nữa được giới võ thuật nhắc đến, đặc biệt là sau khi Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam có tân chủ tịch.
Từ cũ đến mới
Trước đây, hệ thống màu đai trong võ cổ truyền Việt Nam được chia thành 5 màu (đen – xanh - vàng – đỏ trắng), và hệ thống này tồn tại khá lâu trong võ cổ truyền, từ trước thời kỳ Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam được thành lập năm 1991 cho đến năm 2007.
Năm 2007, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có sự điều chỉnh lại khi áp dụng nguyên lý âm dương ngũ hành vào hệ thống đai đẳng và thay đổi vị trí đai đỏ với đai vàng (đen – xanh – đỏ- vàng – trắng).
Mọi "lùm xùm" về hệ thống đai đẳng bắt đầu vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ IV (2013-2017) khi Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam khi ấy là cố GS.TS Hoàng Vĩnh Giang cho thay đổi toàn bộ hệ thống đai đẳng cũ và bắt đầu triển khai áp dụng một hệ thống hoàn toàn mới vào cuối năm 2016.
Theo đó, hệ thống 5 màu đai đen – xanh – đỏ- vàng- trắng với 18 cấp được chuyển sang hệ đai mới (trắng – nâu – lam – xanh – đỏ - tía) gồm 10 đẳng. Đáng chú ý, hệ thống phân chia đẳng cấp này đi kèm với nhiều danh xưng mới trên cấp võ sư (cấp 18 cao nhất trước đây) như: Võ sư cao cấp, Đại võ sư, chuẩn Đại võ sư quốc tế, Đại võ sư quốc tế.
Theo Phụ lục trong quy chế quản lý chuyên môn của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam được ban hành tháng 9/2016, phần ý nghĩa màu đai mới được giải thích áp dụng màu của trang phục triều Trần làm nền tảng cho màu đai mới nhằm ghi nhận những "điểm sáng lịch sử" của triều đại này cũng như làm tăng "tính hội nhập" cho võ cổ truyền.
Lời giải thích này không được các võ sư, HLV võ cổ truyền đồng tình khi hệ thống đai đẳng cũ đã được áp dụng xuyên suốt hàng chục năm, trải qua nhiều thế hệ và ăn sâu vào tiềm thức những người tập võ cổ truyền.
Nhiều võ sư, HLV võ cổ truyền Việt Nam trên cả nước đã lên tiếng phản đối quyết liệt, tuy nhiên điều này không làm thay đổi quyết định của ông Hoàng Vĩnh Giang.
Theo một số võ sư cho biết, việc thay đổi hệ thống đai đẳng trong võ cổ truyền Việt Nam có dấu hiệu chưa tuân thủ quy định hoạt động của Liên đoàn khi không lấy ý kiến từ các thành viên Ban chấp hành, các hội/hiệp hội/liên đoàn địa phương và các võ sư trên cả nước. Đồng thời, việc thực hiện cũng được diễn ra hết sức gấp rút.
Mới đây, Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam trên Facebook cá nhân cho hay, việc thay đổi màu đai và hệ thống đẳng cấp mới này là do Chủ tịch Liên đoàn khi ấy (cố GS.TS Hoàng Vĩnh Giang) cùng Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban chuyên môn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và Văn phòng Liên đoàn hội ý, quyết định sau cùng.
Đồng thời, Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo cho biết, ông chỉ được cố GS.TS Hoàng Vĩnh Giang hỏi về quan điểm màu đai, và đã trả lời ủng hộ, chọn triết lý âm dương ngũ hành trong võ cổ truyền.
Tuy vậy, theo một thông tin khác mà PV có được, trong việc gấp rút thay đổi hệ thống đai, đẳng võ cổ truyền nói trên, ngay cả Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hoà, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban chuyên môn của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cũng không hề được lấy ý kiến.
Những hệ lụy
Với việc chỉ một vài cá nhân có vai trò quan trọng trong Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khi ấy đứng ra "tự quyết" chuyện đổi đai đẳng, diễu này đã dẫn đến không ít hệ luỵ về sau đối với võ cổ truyền.
Tại kỳ thi nâng đai, đổi đai võ cổ truyền diễn ra vào tháng 3/2017 tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, đây là kỳ thi đầu tiên được diễn ra sau khi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thay đổi hệ thống màu đai. Đã có rất đông các võ sư, HLV trên cả nước về tham dự kỳ thi này (bất chấp lệ phí thi đã nâng cao gấp 3-4 lần so với trước đây).
Đáng chú ý, với việc bổ sung thêm những chức danh mới như: Võ sư cao cấp, Đại võ sư, chuẩn Đại võ sư quốc tế, Đại võ sư quốc tế, có rất nhiều võ sư, lão võ sư (trong đó rất đông xuất thân từ các vùng đất võ nổi danh như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình – Trị - Thiên) đã sinh hoạt, cống hiến cho võ cổ truyền thâm niên gần cả một đời người cũng buộc phải gạt bỏ thể diện để tham gia kỳ thi như một thí sinh bình thường…nhằm có các bằng cấp, chứng chỉ phù hợp với hoàn cảnh mới.
Bàn về hệ thống đai đẳng trước đây, theo Võ sư Phạm Ngọc Hùng, môn phái Trung Sơn Võ Đạo (TP. HCM) cho rằng, trước đây, võ Việt không có đai và đai đẳng chỉ thiết lập từ khi tiếp xúc với các môn võ nước ngoài đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc như Judo, Aikido, Karatedo, Teakwondo…
Với các môn võ này vì mặc võ phục màu trắng nên cấp đai đầu tiên trùng với màu võ phục là màu trắng và có các màu sắc khác từ lạt tới đậm để ghi nhận sự tiến bộ của người tập qua các kỳ thi.
"Vào năm 1969, một tổ chức tư nhân do các võ sư tiền bối thời bấy giờ cùng nhau vận động và thành lập là Tổng hội Nghiên cứu và Phát triển Võ học Việt Nam gọi tắt là Tổng hội Võ học Việt nam để đối chọi lại với sự phát triển như vũ bão của các môn võ nước ngoài thời bấy giờ. Để phát triển võ thuật trong quần chúng một cách rộng rãi, các cụ đã phỏng theo mô hình hoạt động của họ.
Theo quy chế của Tổng hội bấy giờ, võ phục và hệ thống đai đẳng được thiết lập như sau: Võ phục màu đen tương ứng với cấp đai màu đen là cấp đầu tiên trùng với màu của võ phục tiếp đó là xanh - vàng - đỏ- trắng, mỗi đai có 3 vạch. Từ đai đỏ thì các vạch được coi là đẳng, các đai dưới thì vạch là cấp, tới trắng là võ sư.
Sau 1975, khi võ thuật được nhà nước cho hoạt động lại năm 1991, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam được thành lập đã kế thừa và phát triển thêm từ mô hình hoạt động của Tổng hội Võ học trước 1975 nên hệ thống đai, đẳng được ấn định như sau: Bậc học viên: Đen, xanh; bậc hướng dẫn viên: Vàng; bậc huấn luyện viên: Đỏ; bậc võ sư: Trằng…Đai trắng trơn là chuẩn võ sư, đai trắng có tua chỉ ở 2 đầu là võ sư. Đai chưởng môn thì có 2 viền đỏ dọc theo chiều dài của đai, các trưởng lão thì có thêm các chấm tròn màu đỏ hoặc các đốm hoa mai…", Võ sư Phạm Ngọc Hùng thông tin.
Cũng theo Võ sư Phạm Ngọc Hùng phân tích, đến thời chủ tịch Liên đoàn Hoàng Vĩnh Giang thì quy định gần như mới hoàn toàn với 12 cấp và 10 đẳng và thêm một loạt danh xưng như...nhưng lại chỉ bắt buộc sử dụng hệ thống đai mới này trong phạm vi hoạt động của liên đoàn quốc gia và liên đoàn quốc tế, còn các liên đoàn (hội/hiệp hội) địa phương thì tùy tiện, tùy ý, dùng hệ thống mới hay cũ gì cũng được.
Do vậy, có những điểm không hợp lý như sau: Số vạch trên đai và đẳng cấp thực sự không trùng nhau. Ví dụ, cấp 6 đẳng nhưng trên đai (đỏ) chỉ có 2 vạch (thông lệ là bao nhiêu đẳng là bấy nhiêu vạch). Thứ hai, danh xưng "trợ giáo" không phù hợp với cách gọi như cũ là hướng dẫn viên, huấn luyện viên. Cuối cùng, các chức danh võ sư, Đại võ sư, Đại võ sư quốc tế ...chỉ nói lên sự phân cấp của văn bằng, của thi cử theo điều lệ và không cho thấy thực chất tài năng hay đức hạnh của con nhà võ.
"Thầy võ hay võ sư (theo tiếng Hán Việt) là đủ, quan trọng là phẩm giá và tài năng của người được gọi là thầy là sư", Võ sư Phạm Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Về phần mình, Võ sư Trần Ngọc Vũ – môn phái Võ Kinh Vạn An tại Quảng Bình cho rằng, đai đẳng là để phân biệt người tập võ, quá trình cống hiến cho võ thuật. Do vậy, nếu đặt ý nghĩa âm dương ngũ hành lên hệ thống màu đai cũng là không hợp lý mà cần xem xét nó như một "di sản" mang giá trị văn hoá, lịch sử.
"Thực ra triết lý hay khoa học nó phức tạp hay không cũng do con người trình bày, diễn giải ra. Và thực tế, âm dương ngũ hành cũng chỉ là để phân tích lý luận các yếu tố trong võ thuật như thủ pháp, cước pháp, thân pháp, nhãn pháp, tấn pháp…chứ không thể tạo nên màu đai. Bởi xét theo lý thuyết âm dương ngũ hành, cung Thổ là trung tâm thì màu vàng mới là lớn nhất. Màu đai võ cổ truyền suy cho cùng là yếu tố mang tính kế thừa, là di sản, là yếu tố văn hoá lịch sử trong võ cổ truyền mà thế hệ cha ông đi trước đã tạo nên, do vậy chúng ta muốn phát triển võ cổ truyền thì phải kế thừa được những yếu tố nguyên bản này", Võ sư Vũ cho biết.
Thời gian gần đây, sau khi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam có lãnh đạo mới và ổn định được bộ máy tổ chức, vấn đề đai đẳng trong võ cổ truyền lại thêm lần nữa được nhắc đến. Trong số đó, có không ít ý kiến mong muốn lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam xem xét quay lại hệ thống đai đẳng trong võ cổ truyền như trước đây.
Trước nhiều ý kiến đề xuất về việc quay lại hệ thống đai đẵng cũ như trước đây, mới đây Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam – TS. Nguyễn Ngọc Anh cho biết, Liên đoàn hiện nay chưa có một dự định, thông báo, bài đăng hay từ ngữ nào liên quan đến việc thay đổi hệ thống đai trong võ cổ truyền.
"Hệ thống đai đẳng võ cổ truyền là một trong nhiều vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Trong thời gian tới, vấn đề đai đẳng sẽ cần được đưa ra bàn thảo một cách nghiêm túc trong tất cả hệ thống tổ chức từ liên đoàn quốc gia tới các liên đoàn thành viên trên khắp cả nước. Võ cổ truyền Việt Nam luôn rất cần những ý kiến xây dựng, nhưng cũng phải là những ý kiến được đông đảo tổ chức và cá nhân thành viên Liên đoàn ủng hộ, tránh mang tính chủ quan.
Do vậy nếu chúng ta có những thành ý, trước tiên cần đóng góp cho tổ chức võ cổ truyền mà chúng ta đang tham gia, làm sao để những tổ chức đó tiếp thu và đề đạt lên cấp cao hơn mới là đóng góp hiệu quả", TS. Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Cũng theo một lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho biết, việc thay đổi đai đẳng hiện nay cực kỳ phức tạp vì liên quan đến quy chế chuyên môn hiện hành của Liên đoàn.
Đồng thời, giới võ thuật cổ truyền cũng thừa nhận, việc quay trở lại hệ thống đai đẳng như cũ và bỏ đi các danh xưng "võ sư cao cấp, Đại võ sư…" mặc dù là điều hợp lý, nhưng cũng sẽ tạo ra một sự "không công bằng" ở một gốc độ nào đó với nhiều võ sư khác khi họ đã phải bỏ công, bỏ sức và chi phí không hề nhỏ để được công nhận là các "võ sư cao cấp", các "Đại võ sư".