V-League và cơ hội cho tuyển thủ U22 Việt Nam
Vòng 8 Night Wolf V-League 2023 đã có những cầu thủ U22 Việt Nam trở về từ SEA Games 32 được ra sân thi đấu. Rõ ràng đó là tín hiệu vui, phần nào giải tỏa những âu lo trước đó.
V-League 2023 trở lại trong sự ngóng chờ của người hâm mộ rằng sau những thông điệp được phát đi, các cầu thủ vừa dự SEA Games trở về có được CLB "ưu tiên" cho ra sân hay không? Bởi hơn lúc nào hết, nhìn từ "lát cắt" SEA Games 32 đã cho thấy những "đứt gãy" về lực lượng bóng đá nước nhà. Hơn thế, từ sự trưởng thành của U22 Thái Lan, Indonesia, bóng đá Việt Nam cần tạo mọi điều kiện để các cầu thủ trẻ được thi đấu, cọ xát nhiều hơn ở giải nội địa.
HLV Philippe Troussier đã từng phải gửi "thỉnh cầu" đến các CLB: "Các cầu thủ Việt Nam thật sự không được thi đấu nhiều trong 6 tháng đã qua. Họ chưa có được trạng thái tốt nhất, phong độ cao nhất khi tập trung U22 Việt Nam. Tôi mong trong quãng thời gian giải chuyên nghiệp diễn ra, họ sẽ được ra sân thi đấu một cách thường xuyên. Từ đó họ sẽ duy trì được phong độ, thể lực, cảm giác bóng".
Rất vui, V-League trong ngày trở lại, những cầu thủ trẻ đã được CLB cho ra sân để họ thể hiện mình. Thực tế, thời gian nghỉ ngơi từ khi trở về từ SEA Games 32 đến lúc bóng lăn trở lại ở V-League không nhiều, nên mỗi HLV cũng đều có những tính toán hợp lý để sử dụng những cầu thủ U22. Trên sân Pleiku ở trận đấu sớm nhất của vòng đấu, Nguyễn Thái Sơn (Thanh Hóa) ra sân từ đầu hiệp 2, khi đội nhà bị dẫn trước với tỷ số 0-1. Chính Nguyễn Thái Sơn ở phút 58 đã có đường chuyền tinh tế để Paulo Conrado ghi bàn gỡ hòa 1-1. Rõ ràng, khi Thanh Hóa vùng lên mạnh mẽ ở hiệp 2 có đóng góp không nhỏ của Thái Sơn. Vốn được biết như một tiền vệ có nền tảng thể lực sung mãn, sau thời gian rèn giũa trên đội tuyển U22 Việt Nam, Thái Sơn đã được HLV Troussier nâng cấp về khả năng kiểm soát, điều phối bóng, tạo mối liên kết với các đồng đội trong lối chơi của Thanh Hóa. Phía bên kia, Nguyễn Quốc Việt (HAGL) chỉ vào sân ở phút 84, khi tỷ số trận đấu là 2-2.
Cũng ở vòng 8 này, trên sân Vinh, Hồ Văn Cường (SLNA) được tung ra sân ngay từ đầu. Trong vai trò của hậu vệ cánh phải, Hồ Văn Cường đã phát huy khả năng tấn công biên, có nhiều pha bóng tấn công hay cho SLNA. Trong khi đó, tiền vệ Đinh Xuân Tiến được vào sân thay người ở phút 69. Ở đội tuyển U22 Việt Nam, Đinh Xuân Tiến ít được sử dụng nhưng khi về SLNA, cầu thủ này luôn phát huy được khả năng của mình với vai trò của một tiền vệ con thoi. HLV Nguyễn Thành Công cũng đã cho trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng vào sân thay người ở phút thứ 75. Ở trận Viettel gặp Bình Định, Phan Tuấn Tài đá chính còn Khuất Văn Khang vào sân phút thứ 58.
Từ đó, sẽ thấy đã có những nhân tố U22 được các CLB sử dụng khi trở về từ SEA Games 32. Tuy nhiên, không phải cầu thủ nào cũng may mắn có được điều đó. Ví dụ như chiều nay, rất khó để những Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Tùng, Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long được ra sân khi Hà Nội FC tiếp đón SHB Đà Nẵng. Đó cũng chính là nỗi lo của HLV Troussier khi các nhân tố chủ lực ở đội tuyển U22 Việt Nam sẽ phải cạnh tranh suất đá chính với các đàn anh cùng ngoại binh cho một vị trí trên hàng tấn công.
Điều gì giúp bóng đá Việt Nam đoạt ngôi á quân U23 châu Á năm 2018, vô địch AFF Cup 2018, giành 2 tấm HCV SEA Games 2019, 2022, là đội Đông Nam Á duy nhất lọt đến tận vòng loại thứ 3 World Cup 2022? Câu trả lời rất dễ, bởi bóng đá Việt Nam giai đoạn này sở hữu một lứa cầu thủ quá đẳng cấp. Các cầu thủ trẻ được cọ xát quá nhiều cấp độ, thường xuyên đá chính, là những trụ cột của các CLB trong thời gian dài.
Còn thời điểm hiện tại, phải nói trình độ của U22 Việt Nam có phần kém hơn đồng lứa Thái Lan và Indonesia. Nhiều khán giả còn chưa kịp nhận mặt, biết tên của các tuyển thủ, đơn giản bởi họ quá ít xuất hiện.
Do đó, các CLB cần tiếp tục tin tưởng những cầu thủ trẻ vì tương lai của chính họ lẫn nền bóng đá nước nhà đang đặt lên vai thế hệ kế cận.