V-League 2024/25: Chưa thấy ai hoàn hảo
V-League 2024/25 mới qua chặng khởi động nhưng đã có sự xáo trộn không nhỏ ở hầu hết các CLB nên dự báo rất khó lường cho chặng đường phía trước.
Cho đến hết vòng 7, những cái tên được "quy hoạch" cho chức vô địch cứ như trêu ngươi, đá trận hay trận dở. Chính vì thế, ngôi đầu khi thì xuất hiện cái tên "lạ" kiểu HAGL, khi thì liên tục hoán đổi từ đội này sang đội khác. Cho đến lúc này, có thể thấy chẳng ai hoàn hảo trên đường đua vô địch.
Được kỳ vọng nhiều nhất và cũng tỏ ra tham vọng nhất khi bước vào mùa giải, nhưng ĐKVĐ Nam Định chưa cho thấy "quyền uy" của mình. Đội bóng thành Nam gây thất vọng với thất bại trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở ngày khai mạc, hòa HAGL rồi thua đậm đối thủ cạnh tranh lớn nhất CAHN. Có thể thông cảm khi thầy trò HLV Vũ Hồng Việt phải "phân thân" nhiều mặt trận. Tuy nhiên, họ có đến 8 ngoại binh để "chia lửa" ở AFC Champions League Two nên cũng khó nói là bị ảnh hưởng quá nhiều.
Vấn đề của Nam Định vẫn nằm ở câu chuyện của mùa giải cũ, đó là kết quả thi đấu phụ thuộc nhiều vào phong độ của Nguyễn Xuân Son và Hendrio. Mùa này, sau khi nhập tịch, Son bỗng nhiên mất "son" rồi gặp chấn thương trong khi Hendrio kém hiệu quả hơn khi mất "cạ cứng" quen thuộc này.
Mới nhất, Nam Định đã thắng đậm CLB TPHCM nhưng không phải vì thế để khẳng định họ đã trở lại được hình ảnh đáng sợ của nhà ĐKVĐ. Chưa kể, khi chen lên trí thứ 2 sau 7 vòng cũng được cho rằng nhờ vào các đối thủ cạnh tranh hụt hơi, điển hình là CAHN và Hà Nội FC.
Nói đâu xa, gần nhất ở vòng 7 dù được đánh giá cao hơn đối thủ nhưng cả CAHN và Hà Nội FC đều sảy chân, qua đó đội mất ngôi đầu, đội giậm chân ở giữa BXH. Rõ ràng, cựu vương CAHN cũng khiến CĐV của mình không an tâm, dù sở hữu binh hùng tướng mạnh. Phong độ trồi sụt đã khiến CAHN chưa thể lấy lại uy danh như đã từng có ở mùa đầu tiên lên chơi V-League rồi giành luôn chức vô địch.
CAHN chỉ thắng và hòa những ứng viên như B. Bình Dương, Nam Định và Hà Nội FC, nhưng lại để thua hoặc mất điểm trước những đối thủ bị đánh giá dưới cơ như HAGL và Hải Phòng. Quan sát sẽ thấy, thầy trò HLV Polking thường "đứng hình" khi đối thủ chủ động phá lối chơi rồi đổ bê-tông chất lượng trước khung thành. Nếu không sớm giải quyết bài toán này, CAHN sẽ khó để chứng tỏ vị thế ứng viên hàng đầu trên đường đua vô địch.
Trong bối cảnh cả Nam Định cùng CAHN thể hiện phong độ thất thường, những Thanh Hóa, Thể Công Viettel đã tận dụng cơ hội để tạm chiếm những vị trí thuận lợi. Thanh Hóa vẫn thế như nhiều mùa gần đây, họ vào sân là chơi hết mình, rực lửa hệt như cá tính đặc biệt của HLV Popov.
Có thể chiều sâu đội hình khiến Thanh Hóa hụt hơi ở chặng về đích nhưng ở một trận đấu cụ thể, đội bóng xứ Thanh không ngán ngại bất cứ đối thủ nào. Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuộc đua ngắn hạn, đơn cử như ở Cúp QG, Thanh Hóa thường chơi rất bốc. HLV Popov đang xây dựng đội bóng rất "ổn" cả công lẫn thủ nhưng nếu như tái diễn những hạn chế trong cuộc đua đường trường, Thanh Hóa cũng khó để duy trì kết quả tốt đến giai đoạn gần về cuối.
Thể Công Viettel và B. Bình Dương cũng gặp vấn đề tương tự về cả con người lẫn lối chơi. Nhìn cách chơi của Thể Công Viettel và B.Bình Dương ở nhiều trận đấu, có thể họ sẽ không thua nhưng cũng rất khó để chơi áp đặt và thắng áp đảo. Chất lượng con người của 2 đội không tồi với những tuyển thủ Việt Nam nhưng chừng đó chưa đủ.
Nếu muốn đua tranh sòng phẳng, ở kỳ chuyển nhượng, cả Thể Công Viettel cùng B.Bình Dương cần bổ sung những chân sút ngoại binh đủ sắc bén để chia sẻ nhiệm vụ ghi bàn với Khuất Văn Khang, Nhâm Mạnh Dũng, Bùi Vỹ Hào và cả Nguyễn Tiến Linh. Chưa kể, họ phải lường trước những biến số khó lường trên đường đua vô địch.
Các ứng viên vẫn dàn hàng ngang và tất cả đều phải hiệu chỉnh những hạn chế của mình trước khi V-League bước vào những "khúc cua" quan trọng.