V-League 2014: 'Ai sạch, giơ tay lên'!
Liệu có một kịch bản nào như thế ở buổi tổng kết tới đây, khi mùa giải V-League 2014 đã hạ màn, nhưng chưa khép, sau khuyến cáo của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rằng còn nhiều ẩn khuất trong đó?
Chiến thuật “mỡ nó rán nó”
Vụ mua chức vô địch mùa 2000 – 2001 của Sông Lam Nghệ An (SLNA) cho đến lúc này vẫn được liệt thuộc hàng “kinh điển” với chiến thuật “mỡ nó rán nó”. Theo đó, cựu HLV trưởng SLNA, ông Nguyễn Thành Vinh, đã tạm ứng 65 triệu (trong số 360 triệu được cho là một phần số tiền thưởng cho chức vô địch) để học trò móc nối với các cầu thủ Cảng Sài Gòn.
Số tiền này, theo kết luận của cơ quan điều tra, được ông Hoàng Trọng Thanh, nguyên Trưởng đoàn đội bóng Công an TP.HCM trả lại cho phía Nghệ An tại Hà Nội sau đó. Hơn 10 nhân vật có liên đới trong vụ việc này đã phải chịu những trừng phạt đích đáng của pháp luật. Cùng với vụ đưa hối lộ (trọng tài), dàn xếp tỷ số ở Ngân hàng Đông Á (mùa giải 2005), HLV Nguyễn Thành Vinh cùng lúc dính án kép.
Nhưng, ông Vinh “Nghệ” không cô đơn, khi trước đó, cựu tuyển thủ ĐT Việt Nam, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, cũng từng hơn 1 lần bị cơ quan triệu tập, do các liên đới tiêu cực ở Hải Quan (mùa giải 1998) và Cảng Sài Gòn (2000 – 2001). Một cuộc thanh trừng hàng loạt trong năm 2005, bao gồm cả vụ U23 QG ở Bacolod.
Trong một chia sẻ với người viết cách đây không lâu, cựu trung vệ Lê Quang Trãi, cho biết: “Chúng tôi đã chưng hửng với câu trả lời của lãnh đạo, khi hỏi về số tiền thưởng cho các chức vô địch V-League. Họ nói rằng, số tiền đó đã dùng làm “lộ phí” hết rồi” ! Không rõ thực hư chuyện này thế nào, và cũng không biết còn những kiểu “lộ phí”, “lấy mỡ nó rán nó” nào khác chưa được biết đến ?
Và chuyện chỉ có ở Việt Nam ?
Sau scandal năm 2005, lãnh đạo Ngân hàng Đông Á quyết định bán suất chơi cho Sơn Đồng Tâm. Các cầu thủ ngôi sao (hoặc ở dạng tiềm năng) tán loạn tháo chạy khỏi Trung tâm Đạt Đức (Gò Vấp, TP.HCM) và phần lớn đều được B.Bình Dương thầu lại. Cũng không phải đợi lâu, kết thúc giải hạng Nhất 2006, Sơn Đồng Tâm tiếp tục được sang tay cho V.Ninh Bình, cuộc tháo chạy tập 2 bắt đầu.
Rất, rất nhiều những vụ mua bán, sang nhượng đội bóng và cả những biến mất bí ẩn như thế, trong lịch sử bóng đá Việt Nam lên chuyên ở tuổi 14, để lại nhiều điều tiếng.
Gần nhất, với bố cáo phá sản, giải thể, sau V-League 2013, cầu thủ K.Kiên Giang như gà con lạc mẹ. Tình huống tương tự diễn ra ở XMXT.Sài Gòn, rồi N.Sài Gòn, CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên hay HP.Hà Nội của bầu Tuấn, bầu Long… Các nghi án (tiêu cực) chồng án và thành án, khiến VFF và nhà tổ chức phải nhức đầu dẹp loạn.
Luật (Quy chế bóng đá chuyên nghiệp) không theo kịp diễn biến khó lường, sửa đổi liên tục và nói không ngoa, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Bóng đá Việt Nam nhảy điệu “hoang mang style” thực sự, chứ không đùa.
Một thuộc tính bất biến (như tình huống nợ lương, thưởng và lót tay đang diễn ra ở HV.An Giang – PV) của cung cách làm bóng đá kiểu Việt Nam là, sự “quy tiên” đồng nghĩa với không còn gì cả. Không ít trường hợp mất trắng, từ tiền tài, đến công việc, danh vọng, sau khi đội bóng bị (hay được) xoá sổ.
Ở chiều ngược lại, các ông chủ, lãnh đạo điều hành đội bóng, đến Ban huấn luyện, thậm chí cũng không kiểm soát được chính cầu thủ của họ, không biết họ bán mình và bán cả đội bóng cho quỷ dữ lúc nào. Bởi thế, khó thể nói là “đội bóng của tôi sạch” được.
Mặc dù đã “cảm nhận có điều gì đó không ổn” và thậm chí được cơ quan điều tra thông báo lệnh bắt với một số học trò của mình trước trận đấu với Than Quảng Ninh, nhưng HLV Trần Bình Sự vẫn thảng thốt vì quá bất ngờ?! Rồi gia đình, người thân, người hâm mộ và một bộ phận không nhỏ giới truyền thông cũng “không ngờ một người hiền lành như nó lại dám làm liều”.
Còn bao nhiêu sự “không ngờ” như thế, nếu cơ quan điều tra tiếp tục “bới và xới tung” các giải bóng đá chuyên nghiệp?! Trời biết, đất biết và chỉ người trong cuộc mới biết đích xác được.
Ở một khía cạnh khác, rất nhiều các quan chức, HLV được “dùng lại” ở các vai trò khác nhau, tại các đội bóng khác nhau, dù trước đó từng dính “phốt”. Một số đáng kể các cầu thủ từng nhúng chàm và được tha bổng cũng thế, khi người Việt Nam vẫn quen nếp nghĩ: “Đánh người chạy đi chứ ai chứ ai đánh kẻ chạy lại”.
Tức tự chúng ta, những người làm và điều hành nền bóng đá, chấp nhận thoả hiệp với ung nhọt và lẽ đương nhiên, họ phải sẵn sàng với những rủi ro. Đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam, với bóng đá chuyên nghiệp.
Hơn nửa thập niên sau ngày đăng quang, người của SLNA mới bị cơ quan điều tra “sờ gáy”. Thế nên, việc chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định, mùa giải 2014 có thể sẽ vẫn về đích, nhưng tấm màn nhung sẽ chưa khép lại, không phải không có lý do. Ông Dũng cho rằng, không chỉ có mỗi vài cầu thủ Đồng Nai tham gia dàn xếp tỷ số, mà còn có thể có thêm nhiều cái tên khác, nhiều đội bóng khác…, mà cơ quan điều tra đang rất tích cực làm án. Tiền bẩn chắc sẽ không dừng lại ở vài trăm triệu đồng. Từ nhiều năm qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ phục vụ các trò đỏ đen, tiêu cực bóng đá cũng “muôn hình vạn trạng”. Kết quả trận đấu có thể được làm sai lệch đi, chỉ bằng một cú nhắp chuột, mà không cần quan tâm đối thủ có muốn hay không. Một cầu thủ hôm nay còn là người hùng, mai đã là tội phạm, không một ai chắc được. Đội ngũ cầm cân nảy mực cũng bị đưa vào tầm ngắm. Vậy mới nói là... chẳng ai dám chắc mình sạch cả. |
Thể thao & Văn hóa cuối tuần