Uẩn khúc đằng sau những lá đơn xin nghỉ
(Thethaovanhoa.vn) - Sau tay đập Đoàn Thị Xuân, đến lượt Đinh Thị Thúy và Bùi Vũ Thanh Tuyền viết đơn xin chấm dứt hợp đồng với đội bóng chuyền Ngân hàng Công thương. Trong một thời gian rất ngắn, 3 tuyển thủ quốc gia thể hiện nguyện vọng muốn được rời đội nhưng mới chỉ 1 trong số 3 tay đập này được giải quyết chuyện hợp đồng. Câu chuyện "đến và đi" tưởng như đơn thuần trong thể thao chuyên nghiệp, nhưng theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, có khá nhiều uẩn khúc đằng sau các lá đơn xin nghỉ này.
Xin nghỉ vì khúc mắc với Ban huấn luyện
Người đầu tiên rời đội bóng là Đoàn Thị Xuân. Tay đập sinh năm 1997 mắc bệnh Hội chứng Marfan (một căn bệnh liên quan đến mắt và rất khó để chữa khỏi hoàn toàn) đã được giải quyết chấm dứt hợp đồng sau gần 1 năm không thể tập luyện và thi đấu thường xuyên.
Điều đáng nói là trước khi Đoàn Thị Xuân chấm dứt hợp đồng, tay đập này đã tiến hành một số các thủ tục xin đội bóng hỗ trợ trong việc đưa sang Hàn Quốc điều trị và phẫu thuật. Sau gần 2 tháng chờ đợi không được đáp ứng nguyện vọng cá nhân, Đoàn Thị Xuân xin chấm dứt hợp đồng và đã được giải quyết theo nguyện vọng.
Điều đáng nói là để được chấm dứt hợp đồng, Đoàn Thị Xuân đã phải ký một cam kết không thi đấu cho bất cứ đội bóng nào khác. Theo lời của Xuân, việc phải ký cam kết này đã khiến tay đập này không còn cơ hội để chữa bệnh. “Trước đó, có 1 đội bóng đề nghị chữa trị cho em. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro là em có thể không bình phục, không thi đấu được, song với cam kết không được chơi cho đội bóng khác, em coi như hết cơ hội được chữa bệnh do hoàn cảnh của em rất khó khăn và không thể tự trả chi phí”.
Hiện tại, Đoàn Thị Xuân đã đi làm ở một công ty chuyển phát nhanh và chỉ đủ tiền để mua thuốc, đi khám định kỳ nhằm giữ cho căn bệnh không phát tác.
Sau trường hợp của Đoàn Thị Xuân, đến lượt Bùi Vũ Thanh Tuyền và Đinh Thị Thúy cũng xin được chấm dứt hợp đồng và nguyên nhân không nằm ngoài việc có những khúc mắc với Ban huấn luyện mà không được giải quyết trong quá trình sinh hoạt cùng với đội.
Ví dụ như việc Thanh Tuyền từng xin được vào TP.HCM phẫu thuật chấn thương gối nhưng được yêu cầu chỉ phẫu thuật tại Hà Nội. Đinh Thị Thúy cũng có những khúc mắc với Ban huấn luyện mà không được giải quyết triệt để khiến cho tâm lý không thoải mái và mong muốn được ra đi.
“Có nhiều vấn đề nảy sinh giữa Ban huấn luyện với chúng em trong thời gian qua và có những điều em không muốn nói ra. Thực tế điều kiện tập luyện và mọi thứ ở đội bóng rất tốt, tình cảm của lãnh đạo đội bóng với các VĐV cũng rất tốt. Tuy nhiên, theo cảm nhận của em, có những vấn đề mà Ban huấn luyện không đáp ứng hoặc không đấu tranh cho quyền lợi của VĐV. Vì thế, em cảm thấy thực sự không thoải mái và muốn ra đi”, Bùi Vũ Thanh Tuyền chia sẻ.
Trong khi đó, Đinh Thị Thúy cho biết, “Câu chuyện của chị Xuân khiến em suy nghĩ rất nhiều. Nếu không may một ngày nào đó em bị chấn thương hoặc rơi vào hoàn cảnh tương tự thì em không biết phải làm thế nào và em muốn tránh trường hợp như vậy”.
Mong muốn sớm được giải quyết chuyện hợp đồng
Đem những vấn đề nêu trên trao đổi cùng với HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, vị HLV này xác nhận về việc Bùi Vũ Thanh Tuyền và Đinh Thị Thúy đã nộp đơn xin nghỉ. Trong thẩm quyền của mình, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cũng đã chuyển các lá đơn này lên các bộ phận chức năng, báo cáo và chờ đợi cấp trên xử lý theo quy định. Ngoài ra, theo lời của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, việc các VĐV thấy không phù hợp với môi trường hiện tại và có mong muốn ra đi cũng là việc hết sức bình thường trong thể thao.
“Tuy nhiên, việc xin chấm dứt hợp đồng cần phải căn cứ theo quy định và quy trình xử lý của đơn vị vì đội bóng hiện đang nằm dưới sự quản lý của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Các bạn ấy thể hiện nguyện vọng muốn ra đi nhưng xử lý mọi việc thì phải theo quy định và các bộ phận chức năng của cơ quan chủ quản sẽ giải quyết vấn đề này”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết.
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, việc giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn không phải là vấn đề quá khó khăn hay rắc rối, bởi đây là quan hệ dân sự và việc giải quyết thường căn cứ theo nguyện vọng của 2 bên. Tuy nhiên, đối với trường hợp cụ thể của Bùi Vũ Thanh Tuyền và Đinh Thị Thúy là VĐV bóng chuyền, nên việc chấm dứt hợp đồng còn chịu sự điều chỉnh theo một số điều khoản trong Quy chế chuyển nhượng VĐV do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ban hành vào năm 2010.
Trong trường hợp các VĐV này nghỉ thi đấu để làm công việc khác thì việc chấm dứt hợp đồng không quá phức tạp. Còn nếu họ chấm dứt hợp đồng với Ngân hàng Công thương để chuyển sang một đội bóng khác thi đấu thì cần tuân thủ theo các quy định về chuyển nhượng VĐV.
Mấu chốt của vấn đề này chính là bản hợp đồng đào tạo trẻ, theo quy định nếu trong thời gian VĐV có hợp đồng đào tạo với CLB thì không được chuyển nhượng. VĐV sau khi ký hợp đồng lao động chính thức với câu lạc bộ đã đào tạo và phải thi đấu cho câu lạc bộ đó trong thời gian là 05 năm thì mới được quyền chuyển nhượng.
Hiện tại, mong muốn lớn nhất của Đinh Thị Thúy và Bùi Vũ Thanh Tuyền là mong đơn vị chủ quản sớm giải quyết dứt điểm vấn đề hợp đồng để ổn định cuộc sống, bởi sau khi nộp đơn xin nghỉ họ sẽ không có thu nhập và cũng không thể làm các công việc khác. Trong trường hợp không được giải quyết việc chấm dứt hợp đồng, các VĐV này rơi vào tình cảnh đi không được, ở không xong, làm ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp thi đấu.
Làm gì có hợp đồng mà thanh lý Liên quan đến việc thanh lý hợp đồng với CLB, trên một tờ báo, Đinh Thị Thúy cho biết sẵn sàng đền bù nhưng phải có hợp đồng. Trong khi đó phía Ngân hàng Công thương lại không đưa ra được bất cứ giấy tờ hợp lệ nào. "Tôi không ký bất cứ giấy tờ nào về việc đào tạo trẻ", Đinh Thị Thúy chia sẻ. "Khi lên đội một, tôi có ký hợp đồng một năm. Sau khi hết hạn vào tháng 5/2017, CLB không đưa giấy tờ cho tôi ký dù tôi vẫn thi đấu cho đội. Đến khi xảy ra vụ việc, họ chìa cho tôi hợp đồng, đề nghị tôi ký". Chủ công của tuyển Việt Nam cho biết khi chuyển từ Hà Nam lên năm 14 tuổi, chỉ duy nhất có giấy tờ bố mẹ cô ký đồng ý cho chuyển đội. |
Vũ Lê