U23 VN: Nghịch lý nếu thắng, hợp lý nếu thua
(TT&VH) - Sau khi kết thúc buổi họp báo sau trận tranh HCĐ tại SEA Games 26 giữa U23 VN và U23 Myanmar, HLV Stefan Hansson của U23 Myanmar đã nán lại phòng họp báo với điều phối viên của BTC SEA Games chỉ để “khoe” rằng: “Tôi chỉ có 2 tháng làm việc cùng đội bóng”. Ở SEA Games 26 vừa qua, ngoại trừ U23 Malaysia vẫn rất “rắn mặt”, U23 Myanmar cũng được xem là một đối thủ khó chơi và phải vất vả lắm U23 Malaysia mới đánh bại được đối thủ này ở bán kết.
Nếu lấy quỹ thời gian chuẩn bị làm cơ sở đánh giá năng lực của HLV trưởng 2 đội U23 VN và U23 Myanmar thì rõ ràng HLV Hansson xứng đáng được đặt ở vị trí cao hơn HLV Falko Goetz, vì dù có xuất phát điểm ngang nhau, thậm chí HLV Goetz còn có nhiều hơn một tháng chuẩn bị so với HLV Hansson, nhưng kết quả thì hoàn toàn trái ngược, khi U23 Myanmar càng chơi càng hay, còn U23 VN thì không có nổi một trận xuất sắc trong 7 lần ra sân ở SEA Games 26.
Do chỉ có 2 đội bóng dự vòng bán kết bóng đá SEA Games 26 là U23 VN và U23 Myanmar sử dụng thầy ngoại, nên sự tương phản về khả năng chuyên môn giữa 2 HLV này càng trở nên rõ ràng hơn nữa. Nên nhớ rằng HLV Hansson chỉ được LĐBĐ Myanmar ký hợp đồng có thời hạn 2 tháng và thành tích của U23 Myanmar tại SEA Games có ý nghĩa quyết định với chiếc ghế của ông thầy người Thụy Điển này.
Trong khi đó, HLV Goetz tuy phải nhận chỉ tiêu đưa ĐT U23 VN giành HCV SEA Games 26, nhưng đồng thời ông thầy này cũng được trấn an rằng nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng không sao, và sau thất bại ở SEA Games 26 thì HLV Goetz được trao thêm cơ hội nữa ở AFF Cup 2012. Phải chăng vì rộng đường lựa chọn như thế nên HLV Goetz không phải chịu áp lực như HLV Hansson, và từ đó ông không có động lực đủ mạnh để giúp U23 VN cũng như bản thân ông vượt qua chính mình?
Có lẽ không phải như thế, vì trước khi được LĐBĐ Myanmar bổ nhiệm, HLV Hansson từng ghi dấu ấn ở giải VĐQG nước này cùng CLB Zeyar Shwe Myway, nên dù chỉ có 2 tháng làm việc ở ĐT U23 VN song ông cũng có thể gặt hái kết quả tích cực, vì ông đã có kiến thức và sự hiểu biết cần thiết về bóng đá Myanmar. Còn HLV Goetz dù trên lý thuyết có khoảng nửa năm làm việc cùng bóng đá VN và 3 tháng chuẩn bị với U23 VN, nhưng kinh nghiệm thực tế của ông tại giải VĐQG chỉ hơn con số 0 một chút, bởi ông chẳng xem được mấy trận đấu để mà tự tay tuyển chọn cầu thủ.
Vậy nên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ phần nào cũng có lý khi nói về HLV Goetz rằng: “Chúng tôi nhìn nhận ông ấy chỉ thiếu hiểu biết về bóng đá Đông Nam Á chứ không yếu về chuyên môn”. Tuy nhiên, chỉ có điều trong 6 tháng chuẩn bị vừa qua, không hiểu các bộ phận chuyên môn của VFF đã làm gì mà không cung cấp đầy đủ dữ liệu về bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá VN cho HLV Goetz, để đến khi lấm lưng trắng bụng ở Indonesia rồi VFF và HLV Goetz mới thừa nhận là thất bại vì thiếu thông tin.
Thậm chí, có cán bộ của VFF khi thầy trò HLV Goetz sang tới Indonesia rồi còn hỏi phóng viên TT&VH xem làm sao kiếm được băng ghi hình của ĐTVN tại AFF Cup 2008 để động viên khích lệ tinh thần các tuyển thủ U23 VN ở SEA Games 26. Đến bản thân chúng ta còn thiếu thông tin về chính bóng đá VN như thế thì trách gì một người nước ngoài mới chân ướt chân ráo tới VN như HLV Goetz?!
Suy cho cùng, với cách chuẩn bị thế này, U23 VN có thắng ở SEA Games 26 mới là chuyện lạ, còn thua là điều hết sức bình thường.
Nhật Huy