U23 Việt Nam: Ý tưởng hay nhưng còn đó lối mòn
Lần đầu tiên chúng ta thấy HLV Troussier thể hiện sự tức giận ngay trên sân bóng và điều đó diễn ra khi trận đấu giữa U23 Việt Nam và Guam chỉ trôi qua hơn 15 phút. Đó là khoảng thời gian mà U23 Việt Nam không tạo ra bất kỳ điều gì cả...
Đây không phải là trận đấu khó khăn, chiến thắng cũng như cách mà đội bạn sẽ chơi đều được dự báo, nhưng quả thật, xem U23 Việt Nam chơi bóng thấy… rất mệt. Họ chạy nhiều, di chuyển liên tục, phối hợp linh hoạt nhưng dường như các cầu thủ cứ cố làm cho một việc đơn giản trở nên phức tạp khiến người xem cảm thấy rối rắm, thiếu hiệu quả.
Tất cả những kỹ thuật chơi bóng tập thể đều được áp dụng, chồng biên, tạt cánh, chuyền vượt tuyến, sút xa, bật tường nhanh…, đủ cả. Chỉ có điều là phần kết thúc thì thường không chuẩn xác. Chạy chỗ tốt thì chuyền lại lạc nhịp, còn xuống biên căng vào chuẩn chỉnh thì người tiếp ứng lại không ở đúng vị trí. Cả hiệp 1, gần như chỉ một lần U23 Việt Nam làm mọi thứ đúng lúc, đúng chỗ và nó dẫn đến bàn thắng duy nhất.
Và đó chính là vấn đề, là thứ khiến HLV Troussier "nổi cơn điên" với cách chơi của các học trò. Đây đã là tháng 9, tức là đã hơn 6 tháng kể từ ngày ông Troussier chính thức làm việc ở Việt Nam, đa số cầu thủ cũng tập cùng ông từ thời điểm đó, trải qua một loạt đấu trường từ giao hữu quốc tế đến SEA Games… nhưng chẳng hiểu sao, cách nhập cuộc của U23 Việt Nam cứ như thể họ mới vừa đá chung với nhau.
Thời của HLV Troussier, chúng ta đang nói về lối chơi kiểm soát bóng và tấn công. Đây là cách tiếp cận để Việt Nam có thể chơi cân bằng với những đội bóng mạnh hơn, một sự khác biệt so với thời của HLV Park Hang Seo.
Cũng vì thế, khi đối đầu với các đội bóng yếu hơn, thì bắt buộc Việt Nam phải áp đặt thế trận, phải buộc đối thủ đá theo cách của mình. Guam chắc chắn là đội bóng yếu, đá với họ mà chúng ta tốn sức, phải chơi quá phức tạp để tìm bàn thắng, thì nghĩa là cái ý tưởng hay của HLV đã không thành công.
Đây là câu chuyện về lối mòn tư duy chơi bóng, dù đây là một đội bóng U23 và gần như được làm mới từ đầu cùng tư tưởng của ông Troussier. Họ có thể hiểu điều ông thầy người Pháp muốn, nhưng họ vẫn đá theo lối mòn với thứ bóng đá quen thuộc ở cấp CLB.
Nói dễ hiểu hơn, quá trình "làm mới tư duy" của ông Troussier vẫn đang diễn ra quá chậm, kể cả khi ông gần như "cầm tay chỉ việc". Điều này rõ ràng không ổn, bởi với đội tuyển quốc gia trong đợt trận giao hữu hồi tháng 6, giữa 2 trận đấu cách nhau mấy ngày nhưng đã có 2 cách tiếp cận khác nhau, cho thấy sự tiếp thu của các cầu thủ giàu kinh nghiệm nhanh hơn và điều đó khiến cho ý tưởng mới mẻ của ông Troussier khả thi hơn rất nhiều.
Thế nên, thắng tưng bừng Guam hay sau đó là đứng đầu bảng C để giành vé dự VCK U23 châu Á có thể không phải là chuyện đáng bàn, mà với tiến trình chuyển đổi tư duy chơi bóng chậm như thế này ở dàn cầu thủ U23 thì rất đáng lo ngại, rất tốn công của ông Troussier, người đang nhận một trách nhiệm quá lớn.
Thời ông Park cầm quân, do liên tục đá phòng thủ - phản công trước các đội mạnh nên về khu vực Đông Nam Á, gặp các đối thủ yếu hơn chúng ta chơi tấn công không trơn tru. Vì vậy mà thời ông Troussier mới đề cao cách chơi chứ không phải kết quả, tinh thần này đã được HLV Hoàng Anh Tuấn thể hiện ở giải U23 Đông Nam Á vừa qua. Thời gian trôi qua, và hiện chúng ta vẫn đang trong tiến trình chuyển đổi chứ chưa thành thói quen.
Chuyện chẳng có gì để nói nếu đây không phải là trận đấu trước Guam, ngay trên sân nhà, một cữ dợt đúng nghĩa…Chỉ có điều, các cầu thủ của chúng ta không thể tự mình tạo ra 90 phút nhẹ nhàng hơn cho mình.