U23 Việt Nam và 'cơn khát tiền đạo' tại SEA Games 31
Trong 5 năm cầm quân tại Việt Nam, nếu có một khía cạnh có thể gọi là “thất bại” của HLV Park Hang Seo thì đó là việc ông không thể tìm đâu ra một tiền đạo thứ 2 ngoài Nguyễn Tiến Linh.
Đỏ mắt tìm trung phong
HLV Park Hang Seo khởi đầu công việc của mình tại Việt Nam bằng giải U23 châu Á và thành công từ chiến tích ở Thường Châu cũng vô tình hình thành luôn lối chơi ưa thích của nhà cầm quân người Hàn Quốc, thiên về phòng ngự - phản công. Trong lối chơi này, luôn cần một trung phong cắm ở trên cao nhất để khiến cho đội hình đối phương không dâng cao và làm cầu nối cho các đợt lên bóng tiếp cận cầu môn đối phương nhanh nhất có thể khi phản công.
Ông Park đã có may mắn nhất định khi “lão tướng” Nguyễn Anh Đức thời điểm đó bỗng “hồi sinh” dù đã qua tuổi 30 trong bối cảnh mà “học trò cưng” của ông ở U23 là Hà Đức Chinh hầu như không tiến bộ kể từ sau giải U23 châu Á.
Ông Park cần Anh Đức đến mức cầu thủ này tuyên bố giải nghệ sau AFF Cup 2018 vẫn được triệu tập trong năm 2019, mãi cho đến khi đàn em Nguyễn Tiến Linh cứng cáp để dần thay thế với điểm khởi đầu từ SEA Games 30.
Vấn đề là sau hơn 2 năm kể từ đó và gần 5 năm nếu tính từ U23 châu Á, thì cho đến nay HLV Park Hang Seo vẫn chưa phát hiện ra thêm trung phong trẻ tuổi nào, buộc phải dùng Tiến Linh để giải quyết khâu ghi bàn dù chính ngôi sao của Bình Dương này có một quãng thời gian khó khăn trong màu áo đội tuyển quốc gia.
Công bằng mà nói, so với những tiền đạo đàn anh trước đó, thì Tiến Linh cũng không nằm trong tốp những chân sút khiến ai cũng phải ghi nhớ.
Nhiều người nói về sự vắng mặt đáng tiếc của cầu thủ to cao, tì đè tốt, chơi đơn giản Võ Nguyên Hoàng (Phố Hiến), vốn để lại dấu ấn tại U23 Đông Nam Á. Nhưng một tiền đạo đang chơi ở giải hạng Nhất, thì dù tạo ấn tượng vài ba trận đấu, cũng chỉ nên xem ở dạng tiềm năng mà thôi. Trong danh sách 38 cầu thủ sẽ phục vụ SEA Games 31, có 8 cái tên nằm ở vị trí tiền đạo, nhưng chỉ mỗi Tiến Linh là thường xuyên đá ở V-League và quen thuộc với vị trí trung phong.
Nếu chúng ta biết rằng, các cầu thủ tấn công luôn cần được thường xuyên ra sân để duy trì cảm giác cầu môn, thì việc các chân sút của U23 đều thiếu kinh nghiệm rõ ràng là thực sự đáng lo ngại. Chỉ riêng một câu hỏi “Nếu Tiến Linh không thể ra sân thì ai sẽ thay thế” cũng đủ đau đầu.
Bài học từ AFF Cup 2020
U23 Việt Nam đang rơi vào trạng thái của đội tuyển tại AFF Cup 2020, đó là phải chơi bóng ở thế “cửa trên”. Không thể khác được. Là đội chủ nhà, mục tiêu bảo vệ HCV, sử dụng đến 3 cầu thủ trên tuổi 23 được xem là xuất sắc nhất trong hoàn cảnh vắng Nguyễn Quang Hải, đội bóng trẻ của HLV Park Hang Seo chắc chắn sẽ nhận trọn vẹn sự tôn trọng của các đối thủ. Các trận đấu sắp tới tại SEA Games rất dễ đoán: Các đối thủ phòng ngự chiều sâu còn U23 Việt Nam phải tấn công liên tục, tìm cách khoan phá “bê tông”. Thành hay bại ở SEA Games nằm ở chỗ HLV Park Hang Seo giải bài toán ghi bàn ra sao, khi chính ông đã từng bế tắc ở AFF Cup 2020 trước những đối phương “biết rõ phải làm gì” như Indonesia chẳng hạn.
5 trận giao hữu chất lượng gần nhất, U23 Việt Nam chỉ ghi được 2 bàn, trong đó hết 1 bàn là đá phạt đền. Trước đó, ở giải U23 Đông Nam Á, ngoài trận thắng Singapore 7-0, thì 3 trận còn lại cũng chỉ ghi được 2 bàn. Trước đó nữa, ở vòng loại U23 châu Á, đá 3 trận thì chúng ta cũng chỉ có 2 bàn. Từ năm 2020 đến nay, dù đã trực tiếp huấn luyện ở ít nhất 13 lần tập trung đội U23 nhưng chưa có ghi nhận nào của giới chuyên môn về vị trí trung phong yêu thích của HLV Park Hang Seo. Không một cái tên, cũng chẳng có niềm hy vọng nào để tiến cử cho ông Park.
“Cơn khát” tiền đạo của bóng đá Việt Nam hầu như không có một lời giải thích thỏa đáng nào ngoài việc đổ hết cho các ngoại binh và trách nhiệm của các CLB V-League khi không trao cơ hội cho cầu thủ nội. Nhưng một khi, đến các đội bóng trẻ mà cũng không “bói” ra các chân sút tốt nhất, thì đó là một căn bệnh trầm kha mất rồi. Vấn đề này cần được xem xét từ những giải bóng đá trẻ hàng năm, nhất là lứa U19 và U21. Tại giải U21 năm ngoái, có đến 7 trận đấu kết thúc với tỷ số 1-0, bao gồm 2 trận đấu ở bán kết và chung kết. Nếu bản thân các giải đấu trẻ mà còn không thể có được bầu không khí của bóng đá tấn công, quá nặng tính ăn thua, thì thật khó tìm ra được những cầu thủ được nuôi dưỡng phẩm chất ghi bàn một cách đều đặn, bền bỉ.
Cho đến thời điểm này, khi không còn cơ hội để phát hiện ra nhân tố mới, thì mọi hy vọng về ghi bàn ở SEA Games đều đặt vào 3 cầu thủ quá tuổi mà HLV Park Hang Seo chọn lựa chủ yếu để phục vụ mặt trận tấn công.
Tất nhiên, nói như vậy thì cũng đồng nghĩa chiến dịch bảo vệ HCV của U23 Việt Nam đang có quá nhiều rủi ro, khiến cho HLV Park Hang Seo phải tránh né những câu hỏi liên quan đến thành tích. Áp lực phải chơi thứ bóng đá hấp dẫn, cống hiến mà vẫn phải đạt hiệu quả tối đa để phục vụ khán giả đang đè nặng lên đôi vai của HLV Park Hang Seo. Và nhìn xa hơn, là mối lo nghiêm trọng khi phải “đi săn không súng” tại VCK U23 châu Á.
Long Khang