U23 Việt Nam và câu chuyện về sự may mắn
Không ít người đã liên tưởng đến một cuộc hành trình may mắn của đội U23 Việt Nam tại giải lần này với kỳ tích Thường Châu 2018. Không chỉ là việc tái ngộ U23 Iraq ở tứ kết, mà còn bóng dáng của sự may mắn.
Trận thua Uzbekistan vốn dĩ được dự báo từ trước, vì mục tiêu của U23 Việt Nam vẫn chỉ là ngôi nhì bảng để vào tứ kết. Điều may mắn ở chỗ việc thua trận của thầy trì HLV Hoàng Anh Tuấn từ chỗ "trong dự kiến" thì trở thành "như kế hoạch" để trở thành đội nhì bảng và tránh gặp nhà đương kim vô địch U23 Saudi Arabia, đối thủ từng đánh bại chúng ta cách đây 2 năm cũng ở tứ kết.
U23 Việt Nam vốn đã may mắn ngay từ khi bốc thăm, với bảng đấu nhẹ và lịch thi đấu cũng thuận lợi để tính toán. Việc HLV Hoàng Anh Tuấn thoải mái cất hết các trụ cột trong trận đấu cuối cùng chính là một sự thuận lợi nằm ngoài dự tính, bởi lẽ cũng chẳng ai biết nếu Saudi Arabia đứng đầu bảng C thì ông Tuấn xử lý trận đấu vừa qua ra sao?!
Năm 2018, U23 Việt Nam có bảng đấu khá nặng với Hàn Quốc, Australia và Syria. Một pha chặn bóng ngay trên vạch cầu môn của Bùi Tiến Dũng, một trận hòa trong thế chịu trận với Syria để rồi đứng nhì bảng gặp U23 Iraq ở tứ kết, khởi đầu cho các pha ngược dòng quả cảm và các loạt sút luân lưu thần thánh. Bây giờ thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có thể tái lặp lại điều đó. Hoàn toàn có một kịch bản là chúng ta vượt qua Iraq để gặp U23 Qatar ở bán kết và thậm chí là trận chung kết với U23 Uzbekistan ở chung kết. Ai mà biết được chứ!.
Nhưng hãy trở lại vấn đề chính. Sự may mắn có thể tương đồng nhưng khác biệt giữa 2 đội U23 thì không như vậy. Năm 2018, đội bóng của HLV Park Hang Seo có sự may mắn hỗ trợ nhưng họ đã "giành" lấy nó bằng một thứ bóng đá chất lượng và lòng quả cảm hiếm có vốn cũng được xây dựng trên chất lượng của các cầu thủ. Hay nói cách khác, may mắn là một chuyện nhưng có thể biến điều đó thành chiến thắng hay không thì phải đủ lòng tin và khả năng.
Đặt vấn đề đó với đội U23 hiện tại thì gần như không thể. Tấm vé vào vòng tứ kết của chúng ta chưa thuyết phục. Trận thua Uzbekistan dù được che dấu dưới lý do "trận cầu thủ tục" thì vẫn cho thấy U23 Việt Nam không có gì khác 2 trận đấu trước với Kuwait và Malaysia. Năng lực của chúng ta chỉ có vậy, tung đội hình mạnh nhất ra thì cũng chưa chắc là không thua. Giờ đây, trước trận tứ kết với Iraq, chúng ta lại cần đến sự may mắn hơn bao giờ hết bởi cán cân sức mạnh đang nghiêng hẳn về đối thủ Tây Á.
Công bằng mà nói, các đội bóng như Việt Nam đều cần đến may mắn trong các cuộc chơi ở tầm vóc như thế này. Những chiến tích có trong quá khứ của bóng đá Việt Nam, nhiều hay ít, đều gắn liền với vận may. Hay nói đúng hơn, khi đối đầu với các đội mạnh hơn, thì chúng ta hay nhắc đến yếu tố tinh thần, tức là một "vũ khí" không gắn liền với chuyên môn. Một trong các lý do, đó là vì chúng ta thường phải sử dụng lối chơi phòng ngự - phản công trước các đối thủ lớn. Chiến thuật đúng, triển khai tốt là một chuyện, nhưng cần thêm sự may mắn để không bị thủng lưới trước và cũng cần vận may để ghi bàn với các cơ hội thường ít ỏi.
Phân tích như vậy để thấy việc chọn lối chơi như thế nào cho phù hợp là rất quan trọng. Khi ông Troussier đến, chúng ta chuyển sang đá bóng có kiểm soát, tức là muốn chủ động cầm bóng, tấn công đối thủ kiểu như không cần đến những yếu tố may mắn, tinh thần. Thất bại của HLV Troussier buộc chúng ta phải quay về với cách chơi biết người, biết mình.
Chưa thể biết thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có làm được như năm 2018 hay không, nhưng có một điều chắc chắn là nếu không có may mắn thì họ cũng khó mà đi được xa đến lúc này.
Sau hơn 5 năm tìm kiếm đẳng cấp, rốt cục thì bóng đá Việt Nam vẫn phải quay về với những yếu tố phụ. Thế nên kể cả khi nhờ đó mà U23 Việt Nam tiến sâu hơn thì hy vọng là những người làm bóng đá cũng đừng quên những gì ở phía sau tấm vé vào tứ kết hiện nay.