U23 Việt Nam: Triết lý kiểm soát bóng vẫn là lý thuyết
Dù đã chính thức góp mặt tại VCK U23 châu Á 2024, nhưng U23 Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để triết lý của HLV Philippe Troussier đi vào thực tiễn thay vì vẫn là lý thuyết.
1. Màn trình diễn của U23 Việt Nam trong trận đấu với U23 Yemen đem lại nhiều lo lắng cho người hâm mộ và giới chuyên môn. Các học trò HLV Troussier trình diễn lối chơi rời rạc, thiếu tính kết dính và sự mạch lạc, cho dù vẫn sử dụng bộ khung không có nhiều thay đổi.
Một phần nguyên nhân khiến"những chiến binh trẻ" chơi thiếu sức sống có thể đến từ các yêu cầu về chiến thuật. Cụ thể, dưới thời HLV Troussier, tiền vệ cánh và tiền đạo phải thường xuyên đảo vị trí, thay nhau bó vào trong, còntiền đạo cắm như Văn Tùng lùi về làm bóng tạo khoảng không cho đồng đội băng lên…
Việc thay đổi, đảo nghịch vị trí ở đẳng cấp cao sẽ đem đến bất ngờ, sự đột biến cho đội bóng thực hiện nó. Tuy nhiên, ở U23 Việt Nam, sự hoán chuyển này lại đem đến sự hỗn loạn về mặt vị trí. Các cầu thủ phải "nhớ" quá nhiều, dẫn đến lúng túng khi đang đứng sai vị trí ở một số tình huống hoặc thời điểm củatrận đấu.
Hay nói cách khác, U23 Việt Nam dưới thời HLV Troussier hoán đổi nhưng thiếu đi hiệu quả. Sự thiếu hiệu quả này còn có thể được lý giải bằng việc ông thầy người Pháp có lẽ chưa đủ thời gian để cho học trò luyện tập những miếng đánh chiến thuật cụ thể ở từng tình huống bóng diễn ra trên sân.
Bên cạnh đó, tính đơn điệu trong lối chơi mà HLV Troussier đưa ra ở U23 Việt Nam đang được bộc lộ rõ ràng. Đoàn quân áo đỏ cầm bóng, chuyền bóng, luân chuyển nhiều nhưng hầu hết bóng sẽ đưa ra biên và kết thúc bằng các quả tạt căng ngang vào trong, chuyền điểm rơi theo đường chéo 1/3 sân.
Trước đối thủ Tây Á, vốn quen với bóng bổng và có chiều cao tốt, U23 Việt Nam khó để tạo ra đột biến. Tình trạng "bí ý tưởng" dẫn đến kiểu đá căng ngang, tạt bóng dưới thời HLV Troussier diễn ra từ đợt tập trung tháng 6 và SEA Games.
2. Màn trình diễn của U23 Việt Nam làm dấy lên câu hỏi về tính thực tế trong các bài tập mà HLV Troussier đưa ra. Trong nhiều tình huống trên sân, một số cầu thủ luôn đứng sai vị trí, lúng túng khi xử lý hoặc tìm kiếm đồng đội hỗ trợ. Hai hành lang cánh phải độc lập tác chiến khá nhiều lần.
Đoàn quân áo đỏ còn thiếu đi cả sự trực diện trong lối chơi. Pha bóng ở phút 45 hiệp 1 trận đấu của Văn Tùng là tình huống hiếm hoi cầu thủ U23 Việt Nam đâm thẳng trung lộ, dứt điểm. Chính cầu thủ người Đông Anh sau đó cũng đứng sai vị trí trong tình huống ở phút 48 hiệp 2 trận đấu.Nếu Văn Tùng di chuyển sớm vào khoảng trống giữa trung vệ và tiền vệ đối phương trước khu vực 16m50 để đón đường chuyền của Thanh Nhàn, U23 Việt Nam đã có pha bóng nguy hiểm hơn rất nhiều.
Một số đội bóng thường có tới 2 buổi tập tình huống trong tuần. Khi đó, các phương án bóng, vị trí cầu thủ sẽ được đưa ra để mô phỏng diễn biến trên sân. Bài tập này giúp cầu thủ làm quen với khối đội hình trong các tình huống nhất định, giúp họ không bị bất ngờ mỗi khi rơi vào tình huống này trên sân.
Có lẽ, HLV Troussier chưa đủ thời gian để tập cho các học trò theo những phương án cụ thể như vậy. Sau khi để U23 Việt Nam làm quen với việc luân chuyển, chuyền, kiểm soát bóng, ông thầy người Pháp cần tập thêm cho "những chiến binh sao vàng" nhiều hơn ở các tình huống giả định.