U23 Việt Nam thua đậm thì chẳng ai vui
HLV Philippe Troussier không tỏ ra quá thất vọng dù đội U23 Việt Nam tiếp tục nhận trận thua còn đậm đà hơn tại Doha Cup. Ông có lý do của mình, đó là điều cần được tôn trọng. Nhưng rất khó để nói rằng, sau 2 trận thua đậm mà không ghi được bàn nào, lại không thể không thất vọng.
Khác với trận thua trước, lần này mọi thứ rõ ràng và dễ đưa ra nhận định hơn khi U23 Việt Nam chơi đủ người và thua nhiều hơn. Có một kết luận ngay trước mắt: Đây là một đội bóng không biết phòng ngự.
Cả 4 bàn thua đều có lỗi về hệ thống. Hoặc do hậu vệ đứng sai vị trí, hoặc họ không hề có sự hỗ trợ. Nói cách khác, chúng ta không thấy được tư duy về phòng thủ trong cách di chuyển và chọn vị trí của các cầu thủ U23 Việt Nam. Điều này đã giải thích vì sao chúng ta để thua ở trận đấu trước, ngoài lý do mất người.
Như vậy là HLV Troussier dẫn quân đi đá một giải giao hữu với các đối thủ có trình độ cao hơn mà dường như chưa cho cầu thủ luyện bài phòng thủ. Thực tế sân cỏ càng khẳng định chi tiết này.
Khi có đủ người, U23 Việt Nam thể hiện được những pha bóng tốt trong tấn công. Cả 4 tình huống nguy hiểm nhất mà U23 Việt Nam tạo ra trước khung thành U23 UAE đều là kết quả của các pha dàn xếp khéo, nhanh, nhuần nhuyễn được thực hiện với ít nhất là 4 đường chuyền ban bật với sự tham gia của 3-4 cầu thủ. Không có tình huống nào đưa được bóng vào lưới, nhưng sự chủ động trong từng pha bóng rất đáng xem.
Nhưng nếu khắt khe một chút, thì cách chơi của đội U23 giống như kiểu đá tập. Đẹp thì có đẹp, nhưng nó vô nghĩa nếu không ghi bàn và bị thủng lưới quá nhiều. Nó chỉ phù hợp với một trận giao hữu nội bộ, khi các HLV muốn thử nghiệm một phần nào đó trong cách vận hành đội hình.
Nhưng cần phải nhớ, Doha Cup là một giải đấu chất lượng tương đương giao hữu hạng A dành cho U23. Cách thiết kế lịch thi đấu cũng trùng hợp FIFA Days, đội nào có thành tích tốt sẽ được đá thêm với các đối thủ mạnh hơn. Không dễ dàng có một cơ hội quý để cọ xát, vừa giao hữu nhưng cũng giàu tính cạnh tranh như vậy.
Nhưng cách chúng ta chuẩn bị cho giải đấu này rõ ràng là không xứng tầm bởi vì ngoài việc tìm cách đánh bại các đối thủ mạnh hơn, ngoài tấn công cũng phải có sự chắc chắn của phòng thủ. Tập tấn công là một chuyện, tập phòng ngự trước đội mạnh cũng quan trọng đâu kém gì?!
Thế là U23 Việt Nam thủ không xong mà công cũng chẳng ấn tượng. Phong thái chơi bóng chủ động, lấy công bù thủ, đã từng xuất hiện ở đội U23 hồi năm ngoái dưới bàn tay của HLV Gong Oh Kyun, và hãy nhớ, đó là một giải đấu chính thức (U23 Asian Cup).
Thẳng thắn mà nói, những gì mà các học trò của HLV Troussier thể hiện chỉ là một phiên bản lỗi trong cách tiếp cận trận đấu mà U23 Việt Nam từng có hồi năm trước. Có chút sáng tạo hơn nhưng sự thiếu sót thì nhiều hơn vài lần.
Thế nên cho dù đây là giải đấu giao hữu, là thời gian đầu của HLV Troussier và cũng chỉ là những trận đầu tiên ở cấp độ đôi tuyển trẻ, nhưng rõ ràng là các trận thua đậm như vậy chẳng làm ai vui được cả. Câu hỏi đặt ra: Liệu chúng ta có lãng mạn quá không khi nghĩ đến chuyện tìm cách đánh bại các đội bóng hàng đầu châu Á bằng lối chơi tấn công chủ động, áp đặt thế trận?
Liệu chúng ta có "lý thuyết" quá không khi tìm cách thay đổi trạng thái chơi bóng của những cầu thủ đã quen với lối chơi phòng thủ phản công, chưa chuẩn bị về tâm lý và đẳng cấp để chơi thứ bóng đá vốn chỉ dành cho các đội nằm trong tốp 10 châu lục?
Hãy nhớ đến trường hợp của Quang Hải. Tài năng thì có, thực chiến và tinh thần dấn thân cũng có, nhưng khi bước ra một môi trường có đẳng cấp cao hơn thì cái gọi là "đẳng cấp cá nhân" của Quang Hải dường như chỉ ở mức bình thường, chứ không có khác biệt đáng kể nào để bù đắp cho những khiếm khuyết về thể hình, ngôn ngữ và tư duy chiến thuật. Để được chơi bóng theo đúng ý mình, thì trước mắt phải kiếm được chỗ trong đội hình ra sân. Hay nói cách khác, là phải thích ứng được với hoàn cảnh, không có, thì mọi thứ còn lại chỉ là lý thuyết, cảm tính, vô nghĩa.
Có lẽ đã đến lúc mà những người làm bóng đá và cả HLV Troussier phải được "thả lỏng" trước các áp lực từ "Giấc mơ World Cup". Ham muốn ấy thì không thể không kiên trì theo đuổi, nhưng để tạo ra được một bước ngoặt ở tầm vóc ấy thì cần phải có phương pháp, có thời gian, có sự toan tính chứ không thể hồn nhiên mang các cầu thủ trẻ ra đá sân chơi châu Á và sẵn sàng "đá đẹp rồi thua cũng được".