U23 Việt Nam thắng lớn ở Rayong
Ngay trong hiệp 1, đội tuyển U23 Việt Nam đã ghi liền 3 bàn thắng vào lưới U23 Malaysia, trước khi khép lại bằng tỷ số 4-1 tại trận bán kết giải U23 Đông Nam Á đang diễn ra ở tỉnh Rayong, miền Trung Thái Lan. Một trận đấu không mấy khó khăn của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Lọt vào chung kết và cơ hội bảo vệ chức vô địch của đội tuyển U23 Việt Nam là rất lớn khi phía trước là U23 Indonesia.
Rayong là một tỉnh lẻ, về địa lý thuộc miền Trung Thái Lan, tiếp giáp với Vịnh Thái Lan, đang có một đội bóng chơi ở giải hạng Hai của Thái là Rayong FC và sức chứa của sân Rayong chỉ là 7.500 chỗ ngồi. Nhưng họ vẫn đủ năng lực để tổ chức một giải bóng đá tầm cỡ khu vực như U23 Đông Nam Á thì đấy chính là điều phải học hỏi.
Chúng ta hẳn còn nhớ SEA Games 1995, người Thái từng thuyết phục được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á để đưa các môn thi đấu chính kỳ Đại hội lần thứ 18 về với Chiang Mai, một tỉnh miền núi phía Bắc. Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games không diễn ra tại thủ đô của nước đăng cai.
SEA Games 24 năm 2007, lại một tỉnh lẻ khác của Thái Lan là Nakhon Ratchasima, với thủ phủ Korat, được chọn. Trước và sau đó, Chonburi, rồi Buriram..., cũng lần lượt đứng ra đăng cai các sự kiện bóng đá quốc tế lớn, bên cạnh Bangkok. Thái Lan nhân đó mà tạo dựng được hạ tầng thi đấu rất lý tưởng cho các địa phương.
Trở lại với chúng ta. Cho đến lúc này, Phú Thọ và Nam Định vẫn là những địa điểm hiếm hoi được chọn để tổ chức SEA Games 31, với ít nhất là môn bóng đá nam, bên ngoài sân Mỹ Đình. Ở Tiger Cup 98, thời điểm sân Mỹ Đình chưa ra đời, một bảng đấu diễn ra trên sân Thống Nhất, còn tại Asian Cup 2007, sân Quân khu 7 được chọn để tổ chức trận đấu cuối vòng bảng giữa Qatar và UAE.
Một số trận đấu quốc tế của bóng đá nữ cũng từng được tổ chức ở Lạch Tray hay Cẩm Phả, ví như SEA Games 31 trên sân nhà vừa rồi. Nhưng, chỉ là nhỏ giọt và không đáng kể.
Chúng ta đã có những cơ hội rất tốt để nâng cấp và phát triển hạ tầng tập luyện, thi đấu thể thao đỉnh cao, trong đó có bóng đá cho các địa phương, cũng như khẳng định năng lực tổ chức, thông qua các giải đấu tầm khu vực, nhưng lại hiếm khi dám rời "vùng an toàn" Mỹ Đình, Hà Nội. Ngay cả TP.HCM, người ta không còn nhớ một sự kiện bóng đá lớn lần cuối cùng được tổ chức ở Thống Nhất là khi nào nữa rồi.
Để có thể đáp ứng được những yêu cầu cơ bản cho một sự kiện thể thao, mà cụ thể là một giải bóng đá, thì địa phương đăng cai ngoài sở hữu sân thi đấu chính đạt chuẩn, kèm theo đó là hệ thống sân tập phục vụ các đội bóng cũng phải đạt chuẩn. Là cả hệ thống, chứ không phải 1-2 sân tập. Bên cạnh đó là nơi ăn chốn ở và đoạn đường di chuyển từ sân bay đến điểm thi đấu không quá xa...
Có 10 đội bóng U23 của các quốc gia Đông Nam Á đến Rayong thi đấu ở giải năm nay, nên ngoài 2 sân thi đấu chính là PTT (sức chứa 12.000 chỗ ngồi) và Rayong, thì hệ thống các sân tập đi kèm cũng là rất đa dạng và đủ tiêu chuẩn kích cỡ, lẫn chất lượng mặt cỏ. "Ấn tượng đầu tiên của tôi là mặt cỏ tuyệt vời", HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ khi mới đến Thái Lan.
Nói đâu xa, mới đây Campuchia đã chứng minh cho cả Đông Nam Á thấy hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu của họ tốt đến đâu ở SEA Games 32.
Việc cải tạo, nâng cấp và xây mới hạ tầng tập luyện, thi đấu thể thao, mà cụ thể là các sân vận động cỡ lớn, các đường chạy và đường đua đạt chuẩn..., là không đơn giản với các địa phương và cả tầm quốc gia. Phải có chiến lược cụ thể, bởi kinh phí xây dựng lớn. Khó nhưng không phải không thể, bởi đây là đòi hỏi của lịch sử phát triển.
Chúng ta vừa thắng lớn một trận bán kết U23 Đông Nam Á. Và dù U23 Thái Lan bất ngờ bị loại cũng ở vòng đấu này, thì Rayong vẫn cứ là thắng lớn. Thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng, vẫn phải theo học Thái Lan dài dài, từ mô hình - công thức phát triển, đến quy cách làm. Song hãy bắt đầu từ phát triển hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu trước đã.