U23 Việt Nam dạt dào tự tin trong huyết quản
(Thethaovanhoa.vn) – Một cuối tuần tuyệt vời của bóng đá Đông Nam Á. Nó được khởi đầu bằng niềm tự hào với 2 đại diện ở tứ kết U23 châu Á, và kết thúc với những nụ cười hân hoan trên các con phố Hà Nội. Bài viết của ký giả John Duerden trên trang Fox Sport Asia.
- Xem trực tiếp U23 Việt Nam - U23 Qatar, bán kết giải U23 châu Á ở đâu?
- Trang chủ AFC nhầm lẫn, trận U23 Việt Nam - U23 Qatar sẽ đá vào 15h00
- Google không tin U23 Việt Nam thắng Iraq, nhiều cầu thủ xung phong đá luân lưu
U23 Malaysia đã dừng cuộc chơi ở giải đấu này sau thất bại 1-2 trước U23 Hàn Quốc bởi bàn thua ở phút 85, nhưng sự mộng mơ của bóng đá Đông Nam Á thì chưa chấm dứt. U23 Việt Nam đã loại ứng viên nặng ký U23 Iraq sau cuộc chiến cân não trên chấm 11 mét với tỷ số 5-3 (tỷ số sau 120 phút thi đấu chính thức là 3-3). “Những ngôi sao vàng” sẽ đụng U23 Qatar ở bán kết.
Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn giờ là lúc nhâm nhi những khoảnh khắc đáng nhớ. Với những màn trình diễn thuyết phục, bóng đá Đông Nam Á đang cựa mình để chứng tỏ cho phần còn lại của châu lục biết rằng họ không chỉ có xe tuk-tuk, những món mì ngon, và… nạn tắc đường. Đối với Đông Nam Á, khu vực bị coi là vùng trũng của thế giới thứ ba trong bóng đá, sự chuyển mình này thực sự là một điều thú vị. Ít nhất thì sau khi thức dậy vào sáng Chủ nhật, các fan bóng đá ở Tây Á và Đông Á sẽ phải có cái nhìn tôn trọng hơn với “người anh em” ở châu lục.
Chất thép của U23 Malaysia
Chúng ta đều có thể hiểu được tâm trạng của các fan Malaysia ở giây thứ 15 của trận gặp U23 Hàn Quốc. Sau khi đầy phấn khích với trận thắng Saudi Arabia 1-0 ở vòng bảng, bàn thua ở phút đầu tiên ấy như một gáo nước cực lạnh. Liệu họ sẽ thủng lưới thêm bao nhiêu bàn nữa? Trong thoáng chốc, cơn ác mộng về thảm bại 0-10 trước UAE ở vòng loại World Cup 2018 bỗng trở lại.
Nhưng không có một cuộc thảm sát nào nữa. Trái lại, đó sẽ là một ngày được ghi nhớ với niềm tự hào của bóng đá Malaysia. Họ gỡ hòa trong hiệp hai, trước khi thua sát nút với tỷ số 1-2. Nor Azam Azih tiếp tục có một trận đấu hay, trong khi Daniel Amier, Dominic Tan, Matt Davies và nhất là Safawi Rasid đã trở thành những người hùng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, người hâm mộ bóng đá Malaysia mới lại có cảm giác ấy.
Các CĐV có thể nghĩ đến kịch bản tồi tệ ngay từ phút đầu tiên, nhưng các cầu thủ thì không. Chất thép trong đội bóng này là một sự ngạc nhiên. Trong một thời gian rất ngắn, HLV Ong Kim Swee đã xây dựng được tính kỷ luật, sự linh hoạt, và cả niềm tin nữa. Họ miệt mài giành bóng, và giữ bóng tốt. Dù thua, nhưng đây là trận đấu Malaysia đã thể hiện tốt nhất từ đầu giải.
U23 Việt Nam: Sự tự tin dạt dào trong huyết quản
Ở trận đấu sau đó, U23 Việt Nam đã có một màn trình diễn tuyệt vời và xứng đáng là tâm điểm của giải. Đội bóng áo đỏ đã mang đến một tâm lý rất khác biệt. Họ muốn tạo dấu ấn đặc biệt ở giải đấu cấp châu lục và đã thể hiện rằng mình rất có tham vọng ở Asian Cup 2019. Họ đã chiến đấu theo cách của mình để vượt qua bảng đấu tử thần. Và dù nhiều người vẫn cho rằng Iraq sẽ là một thử thách quá lớn đối với thầy trò ông Park Hang Seo, thì có một sự tự tin và niềm tin cực lớn chảy trong huyết quản của mỗi cầu thủ.
U23 Việt Nam là đội dẫn trước, nhưng trận đấu đã phải bước vào hiệp phụ, và lần này đến lượt Iraq dẫn ngược. Song đội Việt Nam này đã tinh quái hơn nhiều so với trước đây. Sau khi gỡ hòa, họ nâng tỷ số lên 3-2, và dù Iraq kịp gỡ hòa thì họ vẫn rất chắc chắn trong loạt sút luân lưu và được tưởng thưởng xứng đáng.
Trong khi nhiều người Việt Nam đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng lịch sử, cả khu vực Đông Nam Á có thể tự cho phép mình nở một nụ cười. Những gì diễn ra thời gian qua không chỉ chứng tỏ rằng các cầu thủ Đông Nam Á có thể cạnh tranh với bất kỳ đối thủ châu Á nào, họ còn có thể khôi phục lại niềm tự hào khu vực.
Đông Nam Á từng là quyền lực châu Á Đó là giai đoạn giữa thập niên 90 của thế kỷ trước khi đội bóng Ngân hàng nông nghiệp Thái Lan của ngôi sao Natipong Sritong-in đã vô địch AFC Champions League trong hai năm liên tiếp 1994 và 1995. Hai đội Đông Nam Á khác từng giành ngôi á quân là Selangor của Malaysia (1967) và BEC Tero Sasana của Thái Lan (2003). Ở cấp độ ĐTQG, dù chưa một lần vô địch, nhưng Đông Nam Á từng có Myanmar giành ngôi á quân châu Á năm 1968. Đội tuyển Miến Điện thậm chí còn giành HCV ASIAD 2 năm liên tiếp (1966, 1970). |
T.C
Theo Fox Sport Asia