Bình luận viên Quang Tùng: 'Hãy giữ ông Gong ở lại lâu dài'
Nhìn lại những màn thể hiện của đội U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á, BLV Ngô Quang Tùng tin rằng bóng đá trẻ Việt Nam đang đi đúng hướng, và mong sao các tài năng trẻ không bị bỏ sót.
Cảm ơn U23 Việt Nam!
BLV Ngô Quang Tùng cảm nhận ông không bất ngờ về kết quả, chỉ ngạc nhiên khi thấy các cầu thủ chơi quá tốt so với những nhận định ban đầu: “Mặc dù đã dừng bước tại tứ kết U23 châu Á 2022 nhưng không có gì phải thất vọng. U23 Việt Nam đã mang lại niềm tin, sự hứng khởi cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam với lối chơi hiện đại, cuốn hút. Quan trọng hơn, các cầu thủ trẻ đã cho thấy sự trưởng thành qua giải đấu. Họ biết cách nắm bắt cơ hội để khẳng định bản thân, tạo ra sự bật vọt kinh ngạc.
Thực tế trước giải đấu, không ít hoài nghi nhưng cái cách U23 Việt Nam thể hiện đã cho thấy sự thăng tiến về trình độ, thể hiện lối đá tự tin, khoáng đạt, bài bản và rất kỷ luật. Tôi có nhiều dự cảm tốt đẹp về thế hệ cầu thủ này dưới bàn tay nhào nặn của HLV Gong Oh Kyun. Với tất cả những gì đã và đang có, bóng đá trẻ nước nhà vẫn đang đi đúng hướng.
U23 Việt Nam tạo ra động lực cho ĐTQG
* Anh vừa đề cập đến những nét tươi mới cùng sự khoáng đạt trong lối chơi của U23 Việt Nam, vậy đâu là những điểm nhấn?
- Đấy là cách đá áp đặt, tạo áp lực cao trong tấn công. Ông Gong dùng đội hình nào đi chăng nữa vẫn luôn trong tâm thế muốn lấy tấn công làm chủ đạo. Sơ đồ 4-3-3 rồi hoán chuyển 4-1-4-1 hoặc 4-4-1-1 vẫn luôn hướng học trò lao lên phía trước. Về cơ bản, ông Gong xây dựng lối đá với những kế thừa từ ông Park từ sự vững chắc của tuyến phòng ngự. Tuy nhiên khi tấn công, cự ly đội hình, số lượng con người đủ để tạo ra số đông, tạo áp lực lớn. Tấn công của ông Gong là cách tấn công chủ động. Những đường chuyền từ 2 cánh vào trong đều có ý đồ, địa chỉ chứ không vu vơ. Ông Gong muốn các học trò khi chơi chủ động như thế sẽ tạo ra được sự hứng khởi, duy trì được mạch chơi, nhịp điệu chơi bóng xuyên suốt. Nếu chơi bóng với cảm hứng như vậy, cầu thủ không chán, không mệt mỏi, đó cũng là một cái hay. Tôi nghĩ VFF nên giữ ông Gong ở lại lâu dài.
* Ông Gong xây dựng lối chơi ở U23 Việt Nam với hàng thủ 2 trung vệ, ông Park trong trận đấu mới nhất của ĐTQG cũng đã thử nghiệm sơ đồ chiến thuật như thế. Theo anh, từ chi tiết đó, có phải đã gợi mở những nét mới, tính kết nối, kế thừa, liên thông giữa cấp độ trẻ và ĐTQG?
- Tôi cho rằng đó cũng là một gợi mở rất hay, nhiều thú vị. ĐTQG đá đội hình 3-5-2 với 3 trung vệ, U23 Việt Nam chơi với sơ đồ 4-3-3 gồm 2 trung vệ thực ra không phải là phát kiến của các HLV. Việc 2 hay 3 trung vệ không quá quan trọng, điều cốt lõi ở chỗ các HLV, các đội bóng có sự thích ứng với con người, với lối chơi ra sao để tạo ra sự hợp lý. Các cầu thủ cần làm quen với nhiều sơ đồ chiến thuật và phải thích ứng nhanh.
Với mỗi đội tuyển, với con người và với diễn biến thực tế, mỗi HLV sẽ xây dựng cách chơi phù hợp cho mình mà thôi. Cũng cần biết rằng đội hình cũng chỉ mang tính chất tương đối. Quan trọng triết lý chơi, tâm thế chơi, cách tiếp cận trận đấu thế nào. Đồng thời sẽ ứng biến với thực tế ra sao cho phù hợp. Bởi đơn giản muốn tìm kiếm bàn thắng thì anh phải dâng đội hình, anh lao lên tấn công dồn dập chứ. Hoặc ngược lại, khi đã có lợi thế dẫn bàn, lối đá phòng ngự - phản công sẽ được áp dụng.
Nhiều năm qua, HLV Park Hang Seo đã xây dựng lối chơi sở trường phòng ngự - phản công ở các cấp độ đội tuyển Việt Nam. Nhưng gần đây nhất ở trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với Afghanistan, ông Park đã thể nghiệm sơ đồ 2 trung vệ ở hàng thủ. Ông Park cũng hiểu rằng có thể thời điểm này cần phải thay đổi. Thay đổi để làm mới chính mình, thay đổi để phù hợp với con người cũng như xu hướng hiện nay. Tôi nói đến xu hướng vì không chỉ U23 Việt Nam, các đội bóng trong nước gần đây cũng đã chơi với 2 trung vệ. CLB Hà Nội ở V- League là ví dụ điển hình.
Như vậy ĐTQG, đội U23 Việt Nam và các CLB sẽ có sự liên thông, chia sẻ thông tin với nhau. Tôi nghĩ HLV Gong Oh Kyun có sự liên thông nhất định với HLV Park Hang Seo chứ không phải tùy hứng làm, cho dù ông Park khẳng định không can thiệp về chuyên môn với đội U23.
Mỗi HLV sẽ có cá tính riêng của mình cùng triết lý chơi bóng riêng. Tuy nhiên, với công việc, họ cũng sẽ biết thức thời, làm mới để ứng biến và phù hợp. Hơn thế, các cầu thủ cần làm quen với nhiều sơ đồ chiến thuật và phải thích ứng nhanh. Bởi như thế sẽ tạo ra được sự đa dạng trong cách chơi và cầu thủ cũng phải nỗ lực để bắt nhịp được những thay đổi như thế.
Cầu thủ trẻ cần được trao cơ hội
* Với sự trưởng thành của người trẻ chắc hẳn sẽ tạo nên động lực mới, tính cạnh tranh lành mạnh ở ĐTQG thời gian đến, anh nhìn nhận điều này thế nào?
- Tôi nghĩ sẽ có nhiều cầu thủ U23 Việt Nam được gọi lên ĐTQG trong những lần tập trung sắp đến. Nhưng không phải cứ gọi lên là có suất chính thức đâu. Cầu thủ trẻ cần được trao cơ hội, cần được “ăn cơm” Tuyển, còn có trụ nổi hay không, đá được hay không lại nằm ở vấn đề khác. Trình độ, kinh nghiệm, đẳng cấp có thể các em đã có nhưng còn ở chuyện hòa nhập thế hệ nữa. Rất hiếm chuyện cầu thủ trẻ lên đá được ngay. Nhiều lúc còn phụ thuộc may rủi, nắm bắt thời cơ nữa. Bóng đá là môn tập thể, chỉ nỗ lực bản thân chưa hoàn toàn đủ.
Hơn nữa, khi cầu thủ trẻ được bổ sung, cài cắm lên ĐTQG sẽ tốt cho cả những nhân tố trụ cột trên tuyển. Bản thân ĐTQG cũng đang cần một chất xúc tác, để thúc đẩy lớp đàn anh phấn đấu nhiều hơn. Đấy là động lực cạnh tranh. ĐTQG cũng có thêm những sự lựa chọn, không chỉ về vấn đề nhân sự mà còn là lối chơi.
Để các em có thể đá được trên ĐTQG cần một chiến lược sử dụng nhân sự, quan trọng nhất phụ thuộc vào HLV trưởng. Tôi có cảm giác 2 HLV Park Hang Seo và Gong Oh Kyun cùng các cộng sự là ê-kíp Hàn Quốc nói chung đang “manh nha” xu hướng chuyển đổi, sẽ thay đổi một chút về cách chơi, như lứa U23 Việt Nam vừa đá. Đấy có thể là một cách tiếp cận mới cho bóng đá Việt Nam, theo tiêu chuẩn châu Á, rồi sau đấy mới tính đến tầm cao hơn.
U23 Việt Nam là một tập thể tốt, nhưng khi ta “chẻ” từng cá nhân ra thì thấy cũng chưa hẳn như thế. Các em đang làm tốt ở U23 Việt Nam, giờ muốn tiếp tục làm tốt ở những cấp độ khác thì phải cho các em được chăm sóc, rèn luyện. Phải có sự bồi dưỡng các em và cho các em rèn luyện, song song với nhau. Đưa các em lên Tuyển hay ở cấp CLB phải đồng đều. Quan trọng bây giờ về CLB, các em có được sử dụng hay không, có ra sân thường xuyên không?. Câu chuyện này vẫn để lại rất nhiều suy nghĩ về cơ hội của người trẻ.
* Đúng như anh nói, các cầu thủ trẻ cần tìm được chỗ đứng ở V-League, hạng Nhất để trưởng thành. Theo anh, liệu cơ hội của họ thế nào khi trở về CLB?
- Khi các cầu thủ chơi được ở ĐTQG, sẽ tạo ra một góc nhìn và niềm cảm hứng cho các đội bóng ở V-League. Nói cách khác, nếu các HLV ở CLB nhìn thấy cầu thủ của mình chơi tốt ở đội tuyển thì họ cũng sẽ mạnh dạn thay đổi và tin dùng.
Như vậy, khi đang có một hiệu ứng tích cực, sẽ giúp các đội bóng tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ. Tuy nhiên điều này cần thời gian. Đơn giản bởi yếu tố về thành tích ở các CLB vẫn trông chờ nhiều vào cầu thủ ngoại. Các vị trí quan trọng ở phía trên rất khó cho cầu thủ nội. Đây là một quá trình kiên trì của nhiều đội bóng. Tôi tin là các đội bóng sẽ thay đổi dần cách làm của mình. Tuy nhiên, không thể ngày một ngày hai, bởi đa phần các đội bóng khác, đến thời điểm này vẫn phải trông chờ rất nhiều vào cầu thủ ngoại. Đó là vấn đề của bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên, rất khó áp đặt việc CLB phải dùng cầu thủ trẻ, bởi áp lực thành tích luôn khiến các HLV "chùn tay". Sự thay đổi này không thể gượng ép, mà cần diễn ra tự nhiên, khi cầu thủ không ngừng nỗ lực thể hiện, còn các đội bóng cũng nhận thấy tầm quan trọng của ươm mầm và phát triển cầu thủ trẻ.
* Xin được cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)