U22 Việt Nam: 'Hái vàng' ở Manila
(Thethaovanhoa.vn) - 12 năm trước, cựu Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ, đã nói rằng: “Bây giờ không lấy vàng bóng đá nam SEA Games thì còn đợi đến bao giờ”.
Ông Hỷ, một quan chức thể thao ngoại đạo với bóng đá nhưng lại khá mát tay, có lý do để giao chỉ tiêu vàng cho thầy trò HLV Alfred Riedl khi ấy. Lý là bởi, các ĐTQG dưới thời HLV người Áo đã phá vỡ hàng loạt cột mốc trong năm 2007: Vào đến tứ kết AFC Asian Cup, khi Việt Nam với tư cách là đồng chủ nhà VCK, cùng đội tuyển Olympic Việt Nam đi đến vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008. Phần lớn dàn tinh binh này đều ở độ tuổi tham dự SEA Games 24.
Và ngoài ra, sau đại án Bacolod 2005, cơn bão tiêu cực đã gần như bị quét sạch, nên người hâm mộ hoàn toàn tin tưởng không có vấn đề gì về “tư tưởng” nữa.
Nhưng rồi chuyện gì đã xảy ra ở Korat?! Chúng ta may mắn vượt qua vòng bảng, sau trận đấu toát mồ hôi hột với Lào, lại càng may mắn nữa khi bất ngờ giành ngôi nhất bảng đấu có cả Singapore và Malaysia và chỉ phải gặp Myanmar ở bán kết, tức là né được chủ nhà Thái Lan. Nhưng, bi kịch xảy ra sau trận thua Myanmar, HLV Riedl cởi bỏ áo mũ, về nước sớm. Tàn quân U23 Việt Nam bước vào trận tranh HCĐ trong hoảng loạn, gặp lại Singapore và bị “những chú sư tử non” nã vào lưới 5 bàn không gỡ.
2 năm sau, SEA Games 2009 tại Vientiane, tình huống còn bi đát hơn ở trận tái đấu Malaysia tại chung kết. Lúc này, bóng đá Việt Nam đã là vua của Đông Nam Á, sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của thầy trò Henrique Calisto, lại vừa thắng Malaysia 3-1 ở vòng bảng. Nhưng cú quăng chân của trung vệ Mai Xuân Hợp, cái bả vai bị xệ của Tấn Trường và hình ảnh ám ảnh đến tận bây giờ là pha bóp cổ Tấn Trường sau trận đấu của ông Calisto.
Nền bóng đá Việt Nam từng rất nhiều lần gần chiếc HCV SEA Games. Nhưng bằng cách này hay theo cách khác, chúng ta đều gục ngã. Liệu lần này có khác?!
Các đội bóng dưới thời HLV Park Hang Seo rõ là đáng tin cậy hơn về độ trong trẻo, sạch sẽ. Họ cũng đã và đang chơi có mảng miếng hơn so với các thế hệ trước, khó bị đánh bại hơn nhờ một hệ thống vận hành rất ít có kẽ hở. Ông Park cũng đã chứng minh biệt tài của mình, từ đánh trận lẻ đến đánh cả một cuộc chiến đường dài. Song suy cho cùng, nếu chiếc HCV SEA Games dễ lấy thế, thì nền bóng đá xứ sở đâu cần phải đợi đến gần 30 năm, kể từ sau hội nhập trở lại?!
Bóng đá không tồn tại khái niệm “bất chiến tự nhiên thành”. Môn bóng đá nam SEA Games mang những đặc thù rất dị biệt, đặc biệt kể từ khi được giới hạn độ tuổi tham dự của cầu thủ xuống dưới 23 và giờ là U22 + 2. Thể thức thi đấu về cơ bản không có gì thay đổi so với 20-30 năm trước, nhưng điều lệ cứ xoành xoạch, rất khó đỡ. Và về cơ bản, bóng đá trẻ thường thiếu tính ổn định, nên rất khó để đoán trước điều gì.
HLV Park Hang Seo chỉ mang đến Philippines 2 tiền đạo thực thụ là Tiến Linh và Đức Chinh. Trong tình huống kiểu “tang gia bối rối”, trung vệ Thành Chung cũng có thể được đôn lên đá trung phong và khá son. Chờ xem HLV Park Hang Seo và cộng sự bày binh bố trận và xoay chuyển càn khôn, bởi nói như HLV người Hàn, ông mới chỉ thực sự có một chức vô địch với bóng đá Việt Nam trong 2 năm qua. Đấy là chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018. Bảo nhiều thì chưa hẳn, nhưng nói là ít cũng không sai.
Vậy còn chờ gì nữa các chàng trai của ông Park?! Khó, nhưng không phải không thể, cũng không dễ như đồ trong túi, thế mới cần quyết tâm. Nếu đổi màu được tấm huy chương môn bóng đá nam SEA Games, ông Park sẽ bước vào ngôi đền của huyền thoại được xây sẵn cho chính ông vậy.
Tùy Phong