U22 Việt Nam dự SEA Games 32: Vẫn phải kiên nhẫn
Đội bóng của ông thầy có biệt danh "Phù thủy trắng" chưa thắng trận nào kể từ ngày HLV PhilippeTroussier chính thức nắm quyền. U22 Việt Nam và HLV người Pháp đang rất kiên nhẫn dành thời gian cho nhau để hy vọng cho ra kết quả tốt nhất.
Việc thầy trò HLV Troussier thua 2 trận giao hữu liên tiếp trước thềm SEA Games 32 là điều khiến không ít người lo lắng. Dù cho đối thủ có là đội V-League như CLB TP.HCM hay đang chơi hạng Nhất như Bà Rịa-Vũng Tàu, đoàn quân của ông thầy người Pháp đều chịu chung kết cục.
U22 Việt Nam tập kín để tránh áp lực từ dư luận. Nhưng sự hoài nghi từ tập thể này chắc chắn không thể dập tắt, bởi thầy trò HLV Troussier sau những thất bại không để lại nhiều tín hiệu vui.
Trước giờ lên đường tới Campuchia, đội bóng của ông thầy người Pháp có vẻ đang loay hoay chọn ra những con người tốt nhất. 20/24 cầu thủ được lựa chọn sau cùng để đăng ký dự SEA Games 32 vẫn đang được cân nhắc kỹ lưỡng. Đó có thể là lý do U22 Việt Nam phải thử và rồi lại thua Bà Rịa-Vũng Tàu hôm 24/4.
Đây là kết quả không dễ chấp nhận với giới chuyên môn, và nhiều CĐV khi đối thủ là CLB của hạng Nhất. Họ không là những lựa chọn tốt nhất của nền bóng đá như HLV Troussier đang sở hữu. Việc không ghi được bàn nào vào lưới đội bóng của HLV Minh Phương cũng là vấn đề. U22 Việt Nam đang sở hữu tới 5 chân sút được đánh giá đa năng, nhưng họ chỉ có 2 bàn thắng sau 2 trận giao hữu.
Điều dễ cảm nhận nhất với người quan sát lúc này là đội hình U22 Việt Nam có vẻ chưa "thuộc bài". Ông Troussier áp dụng cách huấn luyện mới, khắc nghiệt, đòi hỏi khắt khe hơn ở các học trò. Và năng lực của họ không dễ đáp ứng được yêu cầu.
Bài toán thủ lĩnh là vấn đề khác của U22 Việt Nam, khi ông thầy 68 tuổi chắc hẳn chưa biết chọn ai làm nhạc trưởng trên sân. Lúc này, những ngôi sao lớn nhất, nhiều kinh nghiệm nhất như Tuấn Tài thì không có phong độ cao như năm ngoái. Văn Đô là cái tên sáng giá nhất, nhưng cầu thủ Công an Hà Nội không mang tố chất một thủ lĩnh. Những nhà vô địch SEA Games 31 khác như Duy Cương, Văn Chuẩn, Văn Tùng, Công Đến, Tiến Long thì có người đang gặp vấn đề về phong độ, chấn thương, có người lại không mang tư chất thủ lĩnh.
So với triều đại của HLV Park Hang Seo, U22 Việt Nam đáng gờm hơn với cách chơi "liệu cơm gắp mắm", chọn phòng ngự phản công làm sở trường. Thời ông Park, 2 biên rất quan trọng.
Còn với HLV Troussier, đội hình phải toàn diện mọi vị trí, đặc biệt ở giữa sân. Tuy nhiên, Công Đến có vẻ đang chấn thương và chưa có thể trạng tốt nhất. Người đá cặp với cầu thủ đang chơi ở giải hạng Nhất cho PVF-CAND này lại chưa rõ là ai.
Nếu so với thế hệ đi trước có những Hùng Dũng, Hoàng Đức, Quang Hải, Tuấn Anh ở tuyến giữa, có thể thấy cái khó trong đội hình của ông Troussier hiện tại. U22 Việt Nam không có thủ lĩnh, linh hồn dẫn dắt lối chơi.
Nếu chọn Văn Khang làm đội trưởng U22 Việt Nam hiện tại, nó vừa thuyết phục, vừa không. Một đội tuyển không thể phụ thuộc vào một ngôi sao, nhưng không có cá nhân nổi trội, khoảnh khắc xuất thần quyết định trận đấu cũng khó mà tạo ra.
Đến Campuchia, U22 Việt Nam có thuận lợi là độ khó thử thách sẽ được tăng dần đều. HLV Troussier sẽ tùy tình hình, tính toán để tìm ra một U22 Việt Nam hoàn hảo nhất trước khi chạm trán ứng viên nặng ký cho chức vô địch U22 Thái Lan ở lượt trận cuối. Thời gian không còn chờ đợi đoàn quân của ông thầy người Pháp.