U22 Đông Nam Á: Trông người mà nghĩ đến ta
(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa, Thủ đô Phnom Penh là địa điểm diễn ra một sự kiện bóng đá cấp khu vực - giải U22 Đông Nam Á 2019, với 8 đại diện bóng đá trẻ các quốc gia trong khu vực. 3 năm trước, xứ sở Angkor cũng đã từng tổ chức thành công giải U16 Đông Nam Á mở rộng, với hơn 10 đội bóng trong đó có U16 Australia - đội đã giành chức vô địch sau khi lội ngược dòng thắng U16 Việt Nam ở trận chung kết.
Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá U22 Đông Nam Á ngày 19/2: 15h30: U22 Philippines vs U22 Thái Lan (trực tiếp VTV5) https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv5.htm 18h30: U22 Việt Nam vs U22 Đông Timor (trực tiếp VTV6, VTV5) https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv5.htm Xem chi tiết lịch thi đấu giải U22 Đông Nam Á TẠI ĐÂY: |
Việc tổ chức một giải đấu bóng đá quốc tế chính thức với nhiều hơn 8 đội bóng, tại một địa điểm, có thể không phải là vấn đề với Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur hay Singapore và cả Phnom Penh của Campuchia, nhưng với Hà Nội hay TP.HCM thì hơi... căng. Không phải bởi chúng ta thiếu sân bóng đạt chuẩn, với sức chứa hơn chục ngàn khán giả (sân Thống Nhất hiện chỉ còn 16 ngàn ghế ngồi), mà là hệ thống sân tập (cũng phải đạt chuẩn) và sân thi đấu phụ, trong trường hợp các trận đấu cần thiết phải diễn ra cùng giờ.
Hà Nội có sân Hàng Đẫy và SVĐ quốc gia Mỹ Đình, cùng hệ thống sân tập thuộc VFF, cũng như sân phụ Mỹ Đình..., xem như tương đối ổn. Nhưng việc thuê mướn và lên kế hoạch với quyền lợi kèm theo... chưa bao giờ đơn giản cả. Đến ngay cả đội tuyển Việt Nam muốn chơi trên sân Mỹ Đình thì cũng phải xem xét, chứ đừng nói đội tuyển trẻ và hệ thống thi đấu trẻ. Hà Nội đã khó, thì đừng nói đến TP.HCM hay các địa phương khác. Sân bãi đạt chuẩn vẫn là vấn đề nhức nhối, dù đây là điều kiện cần tiên quyết để phát triển nền bóng đá và các giải đấu.
Trong khi đó tại Phnom Penh, như những ghì phóng viên Thể thao & Văn hóa từng ghi nhận, họ có hệ thống các sân tập tuyệt vời. Không phải do Liên đoàn bóng đá Campuchia sở hữu, hay các Học viện bóng đá - các CLB sở hữu, mà là các trường trung học và đại học sở hữu. Các sân bóng 11 người này có mặt cỏ khá đẹp, và số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của hơn 10 đội bóng dự giải tham gia tập luyện cùng một lúc. SVĐ Olympic ở Phnôm Pênh với sức chứa đến hơn 50 ngàn khán giả chỉ phục vụ thi đấu và tập nhẹ trước các trận đấu diễn ra.
Bóng đá Campuchia chỉ có một xuất phát điểm tương đối thấp, các yếu tố về lịch sử cũng như con người, khó có thể so với những quốc gia láng giềng. Nhưng cơ sở hạ tầng để phát triển bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ và bóng đá học đường thực sự đáng mơ ước với Việt Nam. Ở Việt Nam, thử đếm xem bao nhiêu trường trung học và đại học có sân bóng 11 người?
Tốc độ đô thị hoá chóng mặt khiến sân bãi trở thành vấn đề rất lớn với các trường học, cũng như bóng đá phong trào. Chính điều này đã cản trở sự phát triển của bóng đá học đường vốn rất tiềm năng tại Việt Nam. Mà nói đâu xa, đến ngay các CLB chuyên nghiệp Việt Nam vài năm trước, một số vẫn thi đấu trên mặt cỏ bị ví như đám ruộng cày dở. Hỏi sao có thể có thứ bóng đá chất lượng, để ít nhất có thể chào bán. Xa hơn, nếu nền bóng đá không ý thức một cách rõ ràng trong phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược ở tầm vĩ mô, chúng ta hoàn toàn có thể bị bỏ lại.
Tại sao và như thế nào, các CLB hàng đầu thế giới không chọn Việt Nam làm điểm đến cho các tour du đấu mùa Hè? Vì chúng ta không đủ lượng fan để đáp ứng nhu cầu phát triển thị phần của họ? Không phải, bởi chúng ta thiếu các SVĐ sức chứa lớn và thiếu cả chiến lược. Lại hỏi thêm, bao lâu rồi Việt Nam chưa tổ chức một giải bóng đá quốc tế tầm cỡ? Lần cuối cùng là AFC Asian Cup 2007. Và nếu AFF không thay đổi thể thức thi đấu kiểu mới, cũng chưa chắc Việt Nam từng hơn một lần được biết đến như những người chủ nhà hoặc đồng chủ nhà.
Tùy Phong