U19 Việt Nam: Giữa lo lắng và bi quan
(Thethaovanhoa.vn) - Sau thất bại tại VCK U19 châu Á 2018, đã có ý kiến lo lắng về tiềm lực của lứa cầu thủ này khó đáp ứng yêu cầu tại SEA Games 2019. Nhưng, lo lắng đến mức bi quan thực sự chưa công bằng và thấu cảm.
- U19 Qatar 7-3 U19 Thái Lan: Sụp đổ ở hiệp phụ, U19 Thái Lan hụt vé dự U20 World Cup
- U19 Việt Nam thất bại có khi lại... tốt!
- HLV Lê Thụy Hải: 'Đá SEA Games 2021 bằng lứa U19 này khó thành công'
Lịch sử phát triển nền bóng đá luôn phải tạo ra tính kế thừa. Trong khoảng 15 năm đổ lại, có ít nhất 3 lứa cầu thủ từng tạo được tiếng vang trong hệ thống sân chơi bóng đá trẻ, để rồi bảo toàn được gần 90% quân số khi lên Tuyển quốc gia. Đấy là lứa U23 Việt Nam đá SEA Games 22 (năm 2003) trên sân nhà, lứa cầu thủ sinh năm 88-89 của Thành Lương, Trọng Hoàng và gần nhất là lứa U23 Việt Nam vừa trải qua VCK U23 châu Á 2018 và ASIAD 18.
Chưa kể, lứa U20 Việt Nam của Công Vinh năm 2003, đến SEA Games 2005, thì rụng rơi hết gần phân nửa những tinh túy sau vụ tiêu cực Bacolod.
Từ cấp độ đội tuyển trẻ quốc gia đến ĐTQG là một quãng đường dài, rất dài và đòi hỏi cầu thủ phải phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi, trong một môi trường - điều kiện phấn đấu lý tưởng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Cần phải tính đến xác xuất, khi môi trường bóng đá chuyên nghiệp sẽ tự đào thải và người ta thống kê rằng, từ cấp độ U18 - U23 quốc gia, khi lên đến ĐTQG còn giữ được 50% quân số đã là may.
Tỷ lệ chọi thấp cũng phần nào chứng minh nền bóng đá quá thiếu những lựa chọn. Hệ thống đào tạo trẻ ở Việt Nam tuy là đã được nâng cấp, cải thiện khá đáng kể cả về chất lẫn lượng, song so ra với các nước láng giềng, chúng ta vẫn chưa là gì cả. Không thể tự mãn với những thành công bước đầu như giai đoạn 2016 - 2018 được.
Môn bóng đá nam SEA Games 2019, với đại diện tham dự sẽ là đội tuyển U22 quốc gia, chứ không phải U19 hay U20 hiện tại. Và chắc chắn, nền bóng đá trẻ không chỉ có hơn 20 cầu thủ vừa trở về từ Indonesia. Hệ thống thi đấu quốc gia kể từ lúc này đến khi SEA Games 2019 khởi tranh, vẫn còn các VCK U19, rồi U20 quốc gia, thậm chí cả các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, để những nhà tuyển trạch viên có thể cậy vào đó mà tìm kiếm tài năng.
Bóng đá, với một đôi hệ thống giải đấu cụ thể, là cuộc chơi được mất, thành bại rất mong manh. Không thể chỉ vì một thất bại mà chúng ta nghĩ ngay đến "điềm xấu" cho cả nền bóng đá trẻ. Không một ai dám đảm bảo, lứa U19 Việt Nam vừa trải qua những trận đấu tệ hại ở VCK U19 châu Á 2018, sẽ chắc chắn có chân trong thành phần đội tuyển U22 Việt Nam, sau đây một năm. Vậy, sự lo lắng ấy há chẳng phải thừa thãi và không cần thiết?!
Những người làm chuyên môn đều hiểu rõ, bản chất của bóng đá trẻ là thiếu tính ổn định. May thì chúng ta được một đôi lứa cầu thủ tốt, từ đó có thể gặt hái được thành công ở mức độ nào đó, còn nếu không may, thì cũng không có gì phải ngạc nhiên cả. Mà kể ra, chiếc HCV SEA Games môn bóng đá nam không phải là danh hiệu mà nền bóng đá cần phải sở hữu bằng mọi giá, khi chúng ta đã có cơ hội tung hoành ở giải đấu cấp châu lục.
Vì cái lợi hay thành tích trước mắt mà bỏ đi các cơ hội lớn phát triển như từng có từ 2-3 năm nay, đấy không được xem là một đường hướng hay, thậm chí yếm thế. Sân chơi SEA Games, với không chỉ môn bóng đá nam, mà cả các môn thể thao đỉnh cao khác, đã dần không còn hợp thời nữa và tương lai gần, chắc chắn sẽ có thay đổi, để ra đời một sân chơi khu vực có cạnh tranh cao hơn.
Tùy Phong