Tuyển Việt Nam tiền hung hậu kiết?
(Thethaovanhoa.vn) - Trong 4 lượt trận đầu tiên, bảng B, đội tuyển Việt Nam chỉ chơi trận duy nhất trên sân nhà vào ngày 7/9. Đấy là khi chúng ta tiếp Australia.
Trước đó, theo lịch thi đấu ấn định, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ có chuyến làm khách đầy khó khăn trước Saudi Arabia (2/9). Đây là đội bóng giàu kinh nghiệm thực chiến bậc nhất châu Á, tại các VCK FIFA World Cup. Sau tiếp Australia ở lượt trận thứ 2, chúng ta sẽ đi Trung Quốc, rồi Oman, rồi quay về đón Nhật Bản, kết thúc lượt đi vào ngày 11/11.
Trận đấu đầu tiên lượt về, cũng chính là tái chiến Saudi Arabia tại Mỹ Đình và đúng ngày 1/1 Tết Nguyên đán, đội tuyển Việt Nam gặp lại Trung Quốc.
Xét về lịch thi đấu, vẻ như thầy trò HLV Park Hang Seo không có được sự thuận lợi. Nhưng người xưa vẫn có câu, tiền hung hậu kiết. Chúng ta kỳ vọng có thể đứng vững trong các trận đấu đầu tiên trên sân đối phương, song đồng thời cũng có thể kiếm điểm trước Australia tại Mỹ Đình. Khó, nhưng không phải không thể.
Ngày 5/9/2014, phút thứ 88, Công Phượng đã làm bùng nổ cầu trường Mỹ Đình với bàn thắng tuyệt mỹ, xé tung mành lưới U19 Australia, đem lại chiến thắng cách biệt tối thiểu cho U19 Việt Nam, tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng. Pha solo giữa vòng vây 7-8 cầu thủ đối phương, trước khi găm mu rất có lực, người ta gọi đó là khoảnh khắc của một thiên tài.
Một bộ phận đáng kể các cầu thủ ngày đó, hiện vẫn đang khoác áo ĐTQG, ví như Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Thanh, Quang Hải... Hơi tiếc, khi Công Phượng không tập trung đợt này.
Trước Australia, ít nhất là bóng đá trẻ, các đội tuyển trẻ Việt Nam luôn chơi rất tưng bừng. Hai năm sau kỷ niệm đẹp tại Mỹ Đình, đội tuyển U16 Việt Nam dưới thời HLV Đinh Thế Nam cũng đã chơi trên chân U16 Australia trong trận chung kết giải U16 Đông Nam Á, trên SVĐ Olympic tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Có chút tiếc nuối khi chúng ta đã thua sau loạt sút luân lưu, dù đã dẫn 2-0, rồi 3-2 ở cuối hiệp 2.
Trước đó tại vòng bảng, U16 Việt Nam thậm chí đã thắng dễ 3-0 trước chính đối thủ này. Lần gần nhất 2 đội tuyển trẻ U19 Việt Nam và U19 Australia gặp nhau, đấy là giải năm 2019 và chúng ta để thua 1-2.
Bóng đá trẻ vốn thiếu tính ổn định và nó không phải thước đo sát sườn, với năng lực của một nền bóng đá, mà đầu ra là ĐTQG. Trước một Australia từng vào đến vòng 16 đội tại FIFA World Cup 2006, và tham dự đều đặn 3 VCK World Cup gần nhất, Việt Nam có vẻ hơi khiêm tốn về tầm vóc. Nhưng sự thật là, bóng đá xứ chuột túi chỉ có nhiều hơn cơ hội đến với các VCK World Cup, kể từ sau khi họ gia nhập AFC.
Các thế hệ cầu thủ tốt nhất của Australia, giờ đã giải nghệ, khiến sức mạnh của đội bóng này cũng giảm thiểu đi nhiều. Vào hiện tại, họ khó thể so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và thậm chí cả Qatar hay Saudi Arabia. Tức là trong số các đối thủ của đội tuyển Việt Nam, Australia chỉ nhỉnh hơn Trung Quốc và Oman chút đỉnh.
Chúng ta vẫn không thua tại Mỹ Đình, ngót gần 4 năm triều đại HLV Park Hang Seo, ở tất cả các cấp độ ĐTQG. Đấy là một cơ sở rõ ràng cho điểm tựa Mỹ Đình, song quan trọng hơn, chiến thuật chuẩn bị trên sân nhà của ông Park, gần như hoàn hảo. Việt Nam đã hòa Thái Lan và thắng cả UAE, với thế trận rất khả quan tại đây, Vòng đấu loại thứ 2, FIFA World Cup 2022. Mỹ Đình như vùng đất thiêng vậy.
Nhắc lại, toàn bộ các cột mốc cao nhất mà HLV Park Hang Seo đem lại cho bóng đá Việt Nam, các cấp độ ĐTQG, đều thuộc những "ca khó".Từ VCK U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, đến AFC Asian Cup 2019, rồi chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup 2022 lúc này, toàn là những đối thủ lớn, các bảng đấu khó. Trong một phác thảo về chiến thuật tiếp cận trận đấu, đội bóng bị đánh giá yếu hơn, thường là dễ chơi hơn.
Hệ thống phòng ngự và chiến thuật cho phòng ngự của đội tuyển Việt Nam, khá ưu việt. Cho đến trước khi gặp lại UAE, chúng ta chưa bao giờ để lọt lưới quá 1 bàn/trận và thậm chí còn giữ sạch lưới suốt một thời gian dài. Đấy là minh chứng.
Biết khó, nghĩa là chúng ta phải tìm các phương án để giải nó. Hãy tin rằng, HLV Park Hang Seo và học trò ông có thể, chúng ta có thể!
CCKM