Tuyển thủ Karate Trang Cẩm Lành: Tài năng, sắc đẹp và tri thức
(Thethaovanhoa.vn)- Tròn 7 năm theo nghiệp võ, cô gái xinh đẹp đến từ vùng đất Sen hồng Đồng Tháp giờ đã là một trong những tuyển thủ đầy triển vọng của đội tuyển Karatedo Việt Nam. Phần thưởng cho Cẩm Lành hiện tại là VĐV được đầu từ trọng điểm trong năm 2017.
- Võ sỹ Việt Nam giành HCV lịch sử tại giải karatedo vô địch thế giới
- Karatedo có mặt ở Olympic 2020: Thêm cơ hội huy chương cho Việt Nam
- Karatedo thành môn thi đấu chính thức tại Olympic 2020
Con nhà nòi
Sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống thể thao, Cẩm Lành đã có mơ ước trở thành 1 VĐV thể thao tử thuở nhỏ. Khi đó, cha của Lành, ông Trần Văn Ôn, từng là tuyển thủ bóng đá Đồng Tháp, một thời kề vai sát cánh cùng các danh thủ làm rạng danh bóng đá Đồng Tháp như: Công Minh, Công Nhậm, Văn Trãi, Quốc Cường…
Cứ mỗi buổi chiều, Lành được cha dẫn đến các sân bóng để theo dõi cha mình thi đấu. Tiếng hò reo cổ vũ của khán giả hay những phút vinh quang mà cha và đồng đội đạt được là những hình ảnh được ghi sâu đậm vào tâm trí của cô gái gốc Hồng Ngự.
Mãi cho đến năm 2009, khi đang còn ghế nhà trường, trong một lần các tuyển trạch viên của Trường năng khiếu tỉnh Đồng Tháp về huyện vùng biên của tỉnh tuyển sinh môn karatedo, Cẩm Lành đã được các thầy ở trung tâm tuyển thẳng về trường mà không cần phải qua bài thi tố chất như các học sinh khác.
Đơn giản, với con mắt tinh tường của các HLV, Cẩm Lành đầy đủ khả năng phát triển như dáng người thon gọn, cao ráo và nhanh nhẹn. Cẩm Lành là sự lựa chọn lý tưởng để trở thành VĐV karatedo chuyên nghiệp. Ước mơ thuở bé giờ bỗng chốc lại trở nên gần hơn bao giờ hết với Cẩm Lành. Và cái gật đầu của chính người cha cũng có máu thể thao trong mình, Cẩm Lành thực hiện được ước mơ của mình.
Sau 5 năm tập luyện, chiếc HCB lịch sử tại giải trẻ thế giới năm 2015 ở nội dung đối kháng chứng minh Cẩm Lành không sai khi đeo đuổi môn võ karate. Đó là chưa kể, Cẩm Lành đã gặt hái thành công vô số ở các giải trẻ trong nước cùng khu vực. Gần đây nhất là tấm HCB ở nội dung đối kháng hạng cân 55kg Lành giành được tại SEA Games 29. Cẩm Lành chỉ để thua trước võ sĩ Skyakilla Salni của nước chủ nhà Malaysia (từng đoạt HCV tại Asian Games)
Cẩm Lành nói: “Karetedo giúp em học được sự kiên nhẫn và nỗ lực vượt khó khăn. Quan điểm sống của em là tự lập, không dựa dẫm vào ai cả. Làm bao nhiêu thì hưởng thụ bấy nhiêu và em vẫn thích tự tay mình làm ra mọi thứ và giúp đỡ gia đình. Phải trải nghiệm thì mới biết quý thứ mình đã có. Chỉ như vậy thì em mới trưởng thành. Hơn hết, thành công chính từ sự đam mê của mình là điều mà em hạnh phúc nhất”
Thương cha mẹ vất vả đầu tắt mặt tối, vì sau khi giã từ sự nghiệp, người cha của Lành phải ngược xuôi tìm kế mưu sinh để nuôi lấy gia đình cùng 2 đứa con gái. Ông Ôn làm đủ nghề, từ cộng tác viên ngân hàng, cho đến phụ nuôi cá, rồi đến quanh quấn vườn nhà. Cẩm Lành tâm sự cô sẽ nỗ lực hết sức, cùng với người em gái cũng là một VĐV trẻ karatedo của Đồng Tháp sẽ cố gắng đạt thành tích tốt nhất giúp cha mẹ bớt khổ.
“Từ lúc lên tuyển quốc gia cho đến bây giờ, em vẫn luôn nhớ nhà. Dù lắm lúc em còn mong sao được tập ở Đồng Tháp cho gần gia đình nhưng em cố gắng gạt bỏ suy nghĩ đó. Có được lên tuyển quốc gia thì tương lai mới khá được, sau này mới có thể giúp ba mẹ bớt vất vả được”, Lành nói.
Trăn trở với nghề
Với những VĐV thể thao đỉnh cao, đằng sau những tấm huy chương mang vinh quang về cho đất nước là những giọt nước mắt và sự hy sinh thầm lặng. Nỗi trăn trở định hướng tương lai lại khiến các VĐV thể thao không thể không đắn đo. Cẩm Lành cũng không có ngoại lệ, theo như Lành chia sẻ, hiện nay mỗi tháng Lành nhận được 2,5 triệu từ đơn vị chủ quản.
Cũng vừa là VĐV thuộc biên chế đội tuyển nên thu nhập của Lành khá hơn với các đồng đội còn lại . Nhưng nó cũng chỉ đủ để Lành trang trải cuộc sống, tiết kiệm cho bản thân ở tuổi 21, gửi về phụ gia đình. Cô gái vừa bước chân vào giảng đường Đại học đang phải tạm gác lại chuyện học.
Cẩm Lành chia sẻ đang phân vân giữa chuyện tiếp tục theo học năm nhất tại đại học TDTT TP.HCM hay tạm gác lại niềm đam mê, trong khi Lành phải thường xuyên tập trung đội tuyển ở Hà Nội. Với mỗi ngày tập 2 buổi sáng – chiều, nếu Lành muốn tiếp tục theo học ở cơ sở của trường tại Hà Nội thì phải di chuyển mỗi tối đi và về là 80km. Còn nếu bảo lưu kết quả học tập suốt 1 thời gian dài sẽ không dễ.
Cẩm Lành nói: “Hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất nên mục tiêu trước mắt là ra trường với tấm bằng đại học trong tay. Em nghĩ là dù có làm gì thì ngoài đam mê ra mình phải có kiến thức, sự hiểu biết về lĩnh vực đó và quan trọng hết là sự ổn định của cuộc sống sau này.
Và bản thân em cũng không muốn mình phải cảm thấy hối tiếc. Dù rằng, với karatedo niềm đam mê trong em vẫn còn như ngày nào. Em may mắn được thi đấu và tham dự khá nhiều giải trong màu áo đội tuyển quốc gia, nên cũng có thêm chút tiền thưởng, chứ các VĐV khác hầu hết chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi từ đơn vị chủ quản.
Với 2,5 triệu đồng, VĐV vẫn chưa thể “sống khỏe” bằng nghề, nhiều người phải lấy nghề tay trái để nuôi niềm đam mê hoặc từ bỏ, cũng có khi không còn gắn bó với đơn vị chủ quản địa phương, dù rằng bản thân vẫn muốn cống hiến cho tỉnh nhà”.
Quốc Tài