Tuỳ bút: Nhân lên 'Những mùa Xuân nho nhỏ'
(Thethaovanhoa.vn) - Ai thích Tết nhất? Chắc chắn là trẻ con. Được nghỉ học, kỳ nghỉ dài nhất năm: 10 ngày, được ăn ngon, mặc đẹp, được thức khuya dậy muộn, được chiều chuộng hơn ngày thường và nhất là được mừng tuổi, đi chơi đây đó.
Niềm háo hức, hân hoan ấy của con trẻ khơi gợi, lan truyền, thúc giục người lớn lây cảm hứng tưởng đã bão hòa, trơ lỳ, nguội lạnh vì gánh nặng cuộc sống. Cảm xúc Tết từ chính việc được con, cháu chúng ta chờ đợi mong ngóng người lớn thực hiện những ý nguyện mà chúng có quyền được đáp ứng.
Cảm xúc Tết từ những ước mơ, giấc mơ trẻ thơ nhắc người lớn: Chúc và mơ không phải "thủ tục" xã giao thường lệ khi dịp Tết, mà là niềm vui cộng hưởng. Sự quá tải bận rộn chuẩn bị Tết thành chuỗi công việc tuần tự hằng năm không khiến chúng ta nản nhàm mà tự tước đoạt lạc quan, hy vọng, thổ lộ hay ẩn kín, về tương lai.
Tháng 1 năm 2019 là tháng Chạp năm Bính Tuất, tháng đầu năm mới toàn thế giới, là tháng chót nguyệt lịch năm cũ, tháng áp Tết Nguyên đán cổ truyền, tháng của mạch hoài niệm quá khứ còn đầy tâm tưởng nhiều nhất trong năm.
Nhớ dĩ vãng, nhớ ngày xưa, so sánh với ngày nay, không khỏi tiếc nhớ, tìm kiếm, mong tái hiện và hiện thực hóa bằng những gì cụ thể có thể làm hiển hiện không khí Tết kí ức.
Tôi và nhiều bậc cha mẹ, không riêng thế hệ cuối 7X, đầu 8X, những người tuổi thơ ở thời bao cấp, lo lắng vì trẻ em thời đại công nghệ 4.0 không được biết và trải nghiệm không khí Tết truyền thống.
Trẻ con hôm nay sướng hơn về vật chất, tiện nghi đời sống, sớm tiếp cận và sử dụng các thiết bị thông minh, nhưng ít không gian tự nhiên, ít gặp gỡ bạn bè và giao lưu, giao tiếp với xung quanh ngoài không gian trường học (bán trú) và trong nhà. Tính thời gian thức, thì các con ở trường nhiều hơn ở nhà. Nếu trẻ con không biết về các nghi thức, mỹ tục cổ truyền là do người lớn không làm, bỏ qua hoặc không ý thức cho trẻ chứng kiến, ngắm nhìn, trải nghiệm. Người lớn luôn có và thường viện đủ loại lý do bận rộn để ít quan tâm đến nhau, ít coi trọng bữa cơm gia đình và nhất là ưu tiên nhu cầu, tâm tư những đứa trẻ.
May thay, trường Mầm non Anh Quốc, nơi hai con tôi đang học, rất chú trọng giáo dục, truyền cảm xúc thẩm mỹ cho các con qua việc đưa các dịp Tết trong năm vào chương trình học.
Năm nay, khối Mẫu giáo của con gái 4 tuổi của tôi có nhiều tiết học về mùa Xuân và Tết, chú trọng vào tháng 1. Tuần 2, chủ đề Mùa Xuân đến rồi (từ 7 - 12/1), có buổi trò chuyện về mùa Xuân, bánh chưng bánh dày (8/1); Góc bán hàng: bán hàng Tết; góc nấu ăn: nấu món ăn ngày Tết (9/1) Tạo hình: vẽ hoa mùa Xuân (11/1).
Lớp Nhà trẻ của Híp, con trai nhỏ gần 2 tuổi của tôi cũng học theo giáo trình Tết. Tuần 1, chủ đề Hoa Tết. Ngày 4/1, bé tô màu tranh mâm ngũ quả. Tuần 2, chủ đề Lễ hội truyền thống. Ngày 7/1, con bi bô đọc Thơ chúc Tết. Ngày 8/1, Híp học bật ô, ném còn. Ngày 9/1, Híp làm tranh hoa đào bằng màu nước. Ngày 11/1: Híp mải mê vẽ bông hoa theo mẫu. Tuần 3, chủ đề Gia đình bé chuẩn bị đón Tết. Ngày 14/1: Các bé khám phá mâm ngũ quả. Ngày 16/1: Tiết học nhận biết thiên nhiên, học về hoa đào, hoa mai; nghe đọc thơ "Bé gọi mùa Xuân". Ngày 17/1, các bé tiếp tục đọc thơ Mùa Xuân; Vui lời chúc Tết. Ngày 18/1, Híp mang về nhà bức tranh Gia đình đón Tết do con tô màu.
Hội chợ quê của trường Anh Quốc mở từ 17 giờ chiều thứ bảy 19/1, nhưng chưa đến giờ, phụ huynh và bà con trong khu tập thể nô nức kéo đến chật kín trường và con đường trước cửa. Các cô giáo trong màu áo dài hồng cam bận rộn tíu tít.
Ý nghĩa của chợ Tết này là vừa giáo dục giới thiệu được cho các con vẽ mứt Tết, không khí Tết, lại dạy đọc kỹ năng giao tiếp, sẻ chia, khi trên bán hàng được giúp cho trẻ mồ côi đón Tết.
Ngay đầu tuần cuối cùng của năm cũ Bính Tuất, sau ngày ông Công ông Táo về trời, 28/1 (tức 24 Tết), toàn trường làm bánh chưng. Các cô đã rửa lá dong, tước lạt từ chiều hôm trước. Thịt lợn tươi lấy buổi sáng và đỗ xanh mới đồ, các bé được tập gói bánh theo cô và nhà trường luộc tặng mỗi trò một chiếc bánh nhỏ.
Năm nay, trường gói nhiều bánh hơn, cô hiệu trưởng Phạm Oanh còn chuẩn bị thêm nhiều mứt, bánh kẹo và gửi thông báo cho cha mẹ từ ngày 24/1, thông báo về việc ngày 29/1, toàn trường sẽ đi thăm trẻ em mồ côi, suy dinh dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, 106 Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cây đào phai treo bao lì xì đỏ và thiếp mừng năm mới đã bày từ trước rằm tháng Chạp ngay gian chính của trường. Hơn 40 đứa trẻ má hồng như hoa, áo dài xúng xính mong Tết khiến chúng tôi thấy ấm lòng, phấn chấn.
Với tôi, cảm hứng và nghị lực sống được tăng lên nhờ nỗ lực vì các con, vì niềm vui của bé. Đúng là các con là mùa Xuân của mẹ như lời bài hát của Trịnh Công Sơn.
Tuỳ bút của Vi Thùy Linh