Từ việc xe kéo của Thái hậu Từ Minh hồi hương: Cần chính sách tốt để tìm lại cổ vật lưu lạc
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
* Sau hơn 100 năm lưu lạc, cuối cùng chiếc xe kéo của mẹ vua Thanh Thái đã hồi hương. Ông có thể nói chi tiết về giá trị và quá trình lưu lạc của chiếc xe này?
- Chiếc xe kéo tay bằng gỗ khảm xà cừ công phu vốn do vua Thành Thái đặt các thợ mộc giỏi nhất của làng Kinh Lược, Hà Nội làm cho thân mẫu của mình để dạo chơi trong cung. Phần thân xe, tay vịn, ghế ngồi được trang trí công phu bằng cách khảm xà cừ các bức tranh, hoa lá, chữ thọ cách điệu theo phong cách cung đình Huế. Chiếc ghế trên xe được bọc nỉ với phong cách rất thịnh hành thời bấy giờ.
Năm 1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp phế truất và đưa đi an trí tại Vũng Tàu. Một số đồ ngự dụng vốn gắn bó thân thiết của ông đã được đem đi bán hay cầm cố. Ngày 18/10/1907, chiếc long sàng và chiếc xe kéo của nhà vua đã được định giá 400 đồng và bán cho ông Prosper Jourdan, viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ bản xứ của hoàng đế. Khi về nước, Prosper Jourdan đã đưa những báu vật này về Pháp và lưu giữ trong gia đình...
Tất cả tưởng như chìm vào quên lãng nếu không có sự kiện ngày 13/6/2014, tại thành phố Tour cách Paris ngót 200km, nhà bán đấu giá Rouillac, với sự ủy nhiệm của gia đình Prosper Jourdan đã đem bán đấu giá hai món cổ vật này.
* Được biết, để chiến thắng trong cuộc đấu giá này, chúng ta đã phải trải qua những giờ phút hết sức gay cấn?
- Khi ấy, tôi đang ở Huế. Chị Thu Hà là Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mở điện thoại trực tuyến để tôi theo dõi toàn bộ cuộc đấu giá. Tôi cũng xin phép Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Cao và Giám đốc sở Tài chính là nếu có tình huống gì thì có thể điện bất cứ lúc nào, kể cả đêm. Phiên đấu giá bắt đầu từ hơn 10 giờ đêm, theo giờ Việt Nam.
Giá khởi điểm của chiếc xe là 1.000 EURO và chiếc long sàng là 500 EURO. Chiếc long sàng được đấu giá trước nhưng đội giá lên đến hơn 100.000 EURO, vượt quá khả năng nên đành để tuột mất. Sau đó, chỉ còn lại một cổ vật là chiếc xe nên phía tỉnh quyết tâm giành được.
Khi giá lên 30.000 EURO, tôi đã thấy lo rồi vì mình chỉ được giao có 33.000 EURO thôi. Lúc lên giá 35.000 EURO, tôi phải điện xin phép Chủ tịch Nguyễn Văn Cao. Sau khi nghe tôi phân tích sẽ có nguồn tài trợ từ xã hội hóa khoảng 13.000- 15.000 EURO, tức là chúng ta có xấp xỉ 50.000 EURO nên Chủ tịch cũng quyết tâm mua.
Giá lên rất nhanh từ 35.000-36.000-38.000-39.000 và 40.000 euro. Đến mức 40.000 EURO là vô cùng lo lắng rồi vì ở Pháp phải cộng thêm 24% thuế. Cuối cùng, tôi cứ liều. Thậm chí, đến lúc 44.000 EURO vẫn có vài người theo. Lúc ấy, chị Hà hỏi có theo không, tôi hô giá 45.000 EURO và lặng đi gần 1 phút không thấy ai theo nữa thì mới thở phào.
Gay cấn nhất là ngay cả khi mình đã thắng trong đấu giá thì lại xuất hiện việc tranh chấp với bảo tàng Guimet (Pháp). Khi để tuột mất chiếc long sàng, bảo tàng cũng quyết tâm theo cái xe. Mình trả giá 45.000 EURO thì bảo tàng cũng trả giá như vậy nhưng lúc đó, họ lại không công bố việc ấy. Theo luật pháp của Pháp, phải ưu tiên cho nước sở tại, nên bảo tàng Guimet sẽ thắng.
Ngay sau đó, tôi điện cho chị Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, anh Nguyễn Thanh Sơn- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đề nghị hai Bộ can thiệp. Một mặt Bộ Ngoại giao gửi công hàm sang Pháp đề nghị bảo tàng Guimet không tranh chấp. Một mặt, đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch có công văn trao cho Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Công văn qua đi qua lại gần hai tháng, bảo tàng Guimet đã nhượng bộ chúng ta. Mất 10 tháng kể từ thời điểm đấu giá mới đưa được chiếc xe về Huế.
* Còn số phận chiếc long sàng thì sao, thưa ông?
- Rất may là một người Việt Nam, anh Tạ Văn Quang đã đấu giá được chiếc long sàng này. Anh ấy lại là họ hàng bên ngoại của vua Thành Thái.
* Đây là lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công cổ vật quốc gia trên sàn đấu giá quốc tế. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm cho những lần đấu giá tiếp theo. Và những chính sách của Việt Nam đã phù hợp để đưa cổ vật hồi hương chưa?
- Khi về Việt Nam, chiếc xe phải mất 10% thuế VAT nữa, mặc dù trước đó, tôi đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan cho miễn thuế nhập khẩu. Tức là Việt Nam còn rất bị động trong việc mang cổ vật quốc gia hồi hương.
Qua đây, tôi kiến nghị Việt Nam cần có những điều chỉnh về luật để tất cả cổ vật khi hồi hương sẽ không phải chịu các loại thuế, kể cả thuế nhập khẩu. Nhà nước phải tạo ra những chính sách để Việt Nam có thể chính thức tham gia đấu giá, một cách chính danh. Phải dành ngân sách để hàng năm nhà nước có thể mua các cổ vật, vì nhiều khi các cổ vật xuất hiện và được đem ra đấu giá bất ngờ.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hồng Thúy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa