Từ ném cà chua đến dán keo vào tác phẩm nghệ thuật: Làm sao để không bảo vệ môi trường một cách cực đoan?
Khí hậu đang nóng lên, nhưng có lẽ vẫn không nóng bằng lượng nhiệt từ những cuộc biểu tình gần đây của các nhà hoạt động môi trường.
Mới tuần trước, nhóm biểu tình từ Just Stop Oil (Bỉ) đã đổ keo lên bức tranh nổi tiếng “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của danh họa Johannes Vermeer để truyền tải thông điệp chống biến đổi khí hậu.
Vào ngày 14/10 vừa qua, nhóm Just Stop Oil (Anh) cũng gây bão dư luận khi ném sốt cà chua vào bức tranh “Hoa hướng dương” của Van Gogh. Thực tế, đây chỉ là hai trong số rất nhiều hoạt động biểu tình môi trường có liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật suốt một năm qua. Theo tờ Artnet, đã có hơn 10 cuộc “tấn công nghệ thuật” trong năm 2022, các sự kiện này đã diễn ra ở Ý, Đức, Úc và Anh.
Nhà xã hội học Dadan R. Fisher của Đại học Maryland (Mỹ), người đang nghiên cứu về các hoạt động gây rối trật tự, cho biết đây gọi là “đổi mới chiến lược” (tactical innovation) - đó là khi các cuộc diễu hành hay cách thức hoạt động xã hội thông thường không còn thu hút chú ý của truyền thông, phong trào sẽ tiến hóa lên những hình thức mới và buộc dư luận phải bàn tán về nó.
Nói về việc về ném đồ ăn hay phá hoại tác phẩm nghệ thuật có phải hành động hiệu quả để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu không? Fisher cho biết còn tùy vào cách bạn định nghĩa sự hiệu quả. “Loại chiến thuật mới này đặc biệt nhắm vào việc thu hút truyền thông và kéo cuộc bàn luận đi vào trọng tâm vấn đề”, Fisher nhận định.
Xét theo chức năng trên, rõ ràng các hoạt động gần đây đã đạt được mục đích, bởi các báo đài lớn đều đưa tin và mọi người trên mạng xã hội đều đổ dồn sự quan tâm vào vấn đề.
Điều mà những người biểu tình này mong đợi không phải việc chính phủ sẽ lập tức dẹp bỏ các nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang dùng năng lượng sạch, hay các chính trị gia sẽ đứng về phía họ, mà họ chỉ cần sự chú ý của đại chúng. Bởi chỉ cần mọi người quan tâm, họ sẽ bắt đầu lưu tâm, tranh luận và suy nghĩ kỹ hơn về thông điệp.
Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu của nhóm Extinction Rebellion, Anh từ lâu đã hoạt động với tôn chỉ “bất kỳ sự chú ý nào của dư luận cũng đều là điều tốt”, nghĩa là họ sẵn sàng sử dụng các chiến thuật hung hăng hoặc cực đoan hơn bình thường để có được "spotlight". Những hành động nguy hiểm không nhắm đến việc thay đổi tư duy của số đông, mà để vận động những người có sẵn sự quan tâm đến bảo vệ môi trường.
Vì sao lại là tác phẩm nghệ thuật?
Các đối tượng trên nhắm vào các tác phẩm nổi tiếng bậc nhất bởi chúng có tính nhận diện cao. Các bức tranh được coi là kiệt tác cần được bảo tồn, trân trọng vì có giá trị cao trong xã hội. Và điều quan trọng, chúng đang được đối xử khác hẳn với cách mà con người đối xử với môi trường.
Sự đối lập này thu hút những người biểu tình. Khi chọn phá hoại tác phẩm nghệ thuật, họ biết chắc mọi người sẽ đặt lên bàn cân so sánh. Sau sự kiện, tờ MSNBC nhận định, đây có lẽ là lúc ta được nhắc nhở rằng con người nên bảo vệ thế giới tự nhiên giống như cách ta đang bảo vệ vẻ đẹp nghệ thuật.
Một số nhà phân tích chính trị hoặc nghiên cứu về khí hậu lập luận rằng các hành vi theo chủ nghĩa cực đoan này có thể tác động và khuyến khích các nhóm hoạt động môi trường khác, nhưng theo nghiên cứu của trường Đại học Standford (Mỹ), hành động cực đoan dễ phản tác dụng bởi những người vốn đã ủng hộ sẽ cảm thấy bất mãn và không muốn thừa nhận mình là một phần của cộng đồng.
Tờ Atlantic chỉ ra, điều khiến phong trào đi sai hướng, ngoài các hành vi cực đoan, còn nằm ở việc chọn sai đối tượng. Các tác phẩm này được coi là di sản vô giá của loài người và trưng bày ở nơi công cộng để ai cũng được thưởng thức và chiêm ngưỡng, vì vậy khi ai đó làm tổn hại chúng, họ đang làm tổn thương cả một cộng đồng.
Theo tờ MSNBC, còn quá sớm để kết luận những hành động này có tác động đến thay đổi nhận thức về khí hậu về sau hay không.
Các nhà hoạt động xã hội tạo ra ảnh hưởng như thế nào?
Biểu tình theo các nhóm lớn không phải điều duy nhất mà những người hoạt động xã hội làm. Nếu muốn hoạt động xã hội hoặc hoạt động chính trị, họ vẫn có thể chọn cách tạo ra các chiến dịch online. Hơn 50% người Mỹ sử dụng mạng xã hội để tương tác với các nội dung liên quan đến ý tưởng chính trị hay chính sách xã hội, 32% trong số đó khuyến khích mọi người cùng hành động để giải quyết những vấn đề quan trọng.
Phong trào xã hội hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau, nhắm đến các đối tượng khác nhau. Hai mục tiêu lớn nhất là kêu gọi hành động từ chính phủ và thay đổi hành vi, cảm xúc của người dân thông qua nâng cao nhận thức. Các bước cụ thể là:
1. Hành động trực tiếp
Những người biểu tình thường có những yêu cầu rõ ràng về nhu cầu mình muốn được đáp ứng. Họ biết cần làm gì và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, không dễ để đo lường sự thành công của chiến dịch. Đôi khi, chính phủ quyết định thực hiện một chính sách vì nhiều lý do khác nhau chứ không chỉ dựa vào tiếng nói của một nhóm người.
Trong trường hợp không thể tác động đến những người có quyền hành quyết định, nhóm người sẽ tác động đến cấp nhỏ hơn và vẫn có tầm ảnh hưởng.
2. Thay đổi nhận thức của người dân
Xét trên nhiều phương diện, hoạt động xã hội chính là nỗ lực để giành được sự chú ý. Nếu nhiều người cùng biết đến đến một vấn đề, thì khả năng cao họ sẽ bắt đầu bàn luận, phân tích về vấn đề đó. Quan trọng là các chiến dịch này cần hướng đến quyền lợi cá nhân và cuộc sống hằng ngày của họ.
Đôi khi, chỉ bằng cách “nắn” lại câu chữ hay hình ảnh, tầm ảnh hưởng có thể vượt xa hơn mức mong đợi. Thời gian trước, các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu thường nói nhiều về việc bảo vệ cây, chống phá rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên. Họ cũng có thể dùng hình ảnh băng tan và những chú gấu Bắc Cực ốm đói để minh họa. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngôn ngữ của họ chuyển từ “bảo vệ thiên nhiên” sang “nhân quyền”, “sự công bằng xã hội”, hình ảnh minh họa có thể là những gia đình bị bão lũ cuốn trôi nhà cửa.
Vậy có các hình thức hoạt động nào khác văn minh hơn nhưng vẫn đạt hiệu quả không?
Tại Mỹ, các tổ chức vì môi trường có nhiều cách khác nhau để giúp đỡ xã hội. Ví dụ như Quỹ Bảo vệ Môi trường (Environmental Defense Fund) phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng để tìm ra sáng kiến có lợi cho sinh thái, đồng thời giúp công ty quản lý môi trường và cập nhật các vấn đề môi trường tốt hơn. Tổ chức Sierra thì tài trợ cho các chương trình từ thiện vì môi trường, thúc đẩy giáo dục và trao quyền cho cộng đồng để nâng cao ý thức.
Tổ chức có quy mô lớn hơn như National Park Foundation còn tìm cách gây quỹ để bảo tồn các vườn quốc gia. Họ khôi phục những con đường mòn, bảo vệ đất đai và nâng cao nhận thức về lịch sử người Mỹ gốc Phi. Nhìn chung, công việc của họ là kết nối mọi người với thiên nhiên.
Tại Việt Nam, các tổ chức vì môi trường cũng đang hoạt động sôi nổi, ví dụ như tổ chức CHANGE, ra đời vào năm 2013. Không cần làm gì quá quy mô, tổ chức chỉ bắt đầu với những chiến dịch nho nhỏ và phù hợp với người trẻ như triển lãm, tổ chức vẽ, hoạt động trại hè, xây dựng video nâng cao nhận thức.
Họ muốn bắt đầu với thế hệ trẻ, những người sẽ thay đổi xã hội về sau. Hay như tổ chức AFEO lại tổ chức hoạt động như đạp xe, trồng cây. Thậm chí nhóm còn hỗ trợ nhiều dự án phát triển cộng đồng và xây dựng các khóa tiếng Anh về chủ đề môi trường.
Thay vì những hành động cực đoan, các tổ chức này tìm những cách lành mạnh để gieo mầm xanh vào nhận thức của cộng đồng và xây dựng một môi trường đáng sống.
Hà Phát (Nguồn: Tổng hợp)