Từ Mỹ Sơn thánh địa đến Bormida hoang đường...
(Thethaovanhoa.vn) - “Làm nhà báo văn nghệ sướng quá ta, toàn thấy đi mấy chỗ văn hoá cao, gặp những người nổi tiếng, nghe nhạc xem phim ngắm thời trang...”. 90% có lẽ đúng là như vậy.
- Trùng tu thánh địa Mỹ Sơn: Khai quật đến đâu trùng tu đến đó
- Sốc với cảnh khách thăm quan ‘đục khoét’ di sản thế giới Mỹ Sơn
- Tìm lời giải mới cho thánh địa Mỹ Sơn
1. Khoảng năm 1995, là “lính mới” của TTXVN và cộng tác viên “vòng gửi xe” của báo Thể thao & Văn hóa, tôi có chuyến đi thực tế đầu tiên ở Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc đó chưa “khắc xuất” và một trong những địa chỉ tôi lên kế hoạch đặt chân tới là Mỹ Sơn, thánh địa Chăm pa cổ, vẫn được so sánh với các trung tâm văn hoá tâm linh quan trọng khác của vùng Đông Nam Á như Auytthaya (Thái Lan), Borobudur (Indonesia) hay Angkor Wat (Campuchia).
Từ Tam Kỳ tới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên hơn 50 cây số, nhà báo Ngô Anh Văn, lúc bấy giờ ở Phân xã Quảng Nam, xách chiếc Cub 50 cũ, rủ thêm một đồng nghiệp báo Quảng Nam, thế là ba anh em lên đường. Đường miền Trung vốn dĩ đã... xấu, hồi đó đường vào Duy Phú xấu khủng, xe cứ nhảy chồm chồm, ê mông thì tới. Thánh địa Mỹ Sơn nằm lọt trong thung lũng có đường kính tới 2 cây số, được bao quanh bởi núi, hồi đó vắng hoe, một hai toà tháp đang bắt đầu được trùng tu theo dự án của kiến trúc sư Ba Lan nổi tiếng Kazik (Kazimierz Kwiatkowski).
Xong công việc tìm hiểu, phỏng vấn với địa phương, thì trời cũng chập choạng. Với hai “con xe cùn”, đường lại xấu và gần như không có đèn đường buổi tới, ba anh em quyết định ở lại, sáng mai về sớm. Nhưng đến lúc đấy mới tá hoả ra rằng cả xã chả có cái khách sạn, nhà trọ nào.
Thế là tối ấy ba anh em tá túc tại hội trường Ủy ban xã, một cái phòng rộng, lỏng chỏng bàn ghế giường tủ và để có ánh sáng thì tất cả các cửa phải mở toang để dùng nhờ mấy ngọn đèn ngoài hiên. Lúc ấy nghĩ, giá biết trước, thì đã chuẩn bị đồ xin ngủ lại một đêm trong thung lũng bên chân tháp đá!
Sau chuyến ấy, về viết vài bài, trong đó có Mỹ Sơn - Thánh địa buồn. Thực ra giờ cũng không còn nhớ hồi đó viết gì, nhưng báo ra chừng một tuần, thì nhận điện thoại của anh Văn. Anh bảo: Ông Phúc (ông Nguyễn Xuân Phúc, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam) hỏi anh “ai viết bài này?”, rồi lại bảo “nhưng mà nó viết đúng”. Nghe xong thở cái phù, cả anh Văn (chắc thế) và tôi.
4 năm sau thì Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Từ đó tới nay, nhiều nguồn tiền đã được chi cho những dự án phục chế khẩn cấp Thánh địa Mỹ Sơn, trong đó có một khoản tài trợ lên tới 800 ngàn USD của chính phủ Ý và sau này là các nguồn vốn từ Nhật Bản cũng như từ Bộ VH,TT&DL Việt Nam. Tôi còn trở lại Mỹ Sơn một lần nữa, trong Ngày hội Di sản Quảng Nam, con đường đau khổ ngày trước giờ chỉ còn trong ký ức.
2. Nhưng tôi vẫn còn nhiều duyên nợ với Quảng Nam. Năm 2009, khi thực hiện dự án “Báo động từ vốn di sản” trên báo Thể thao & Văn hóa tập trung vào những “báu vật di sản sống”- các nghệ nhân dân gian, tôi trở lại vùng đất này, bắt đầu từ việc tìm gặp nghệ nhân điêu khắc Cờ Tu, rồi tiếp tục lên vùng Tây Nguyên theo dấu những người hát Khan còn sống…
Qua nhiều đầu mối liên lạc, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được địa chỉ của Ker Tik, nghệ nhân điêu khắc còn sót lại trong cộng đồng người Cờ Tu, tuy nhiên lần này Cub 50 vô dụng. Người của huyện Tây Giang bảo chúng tôi nên có mặt tại UBND trước 8 giờ sáng, xe của huyện sẽ đưa chúng tôi vào xã và chúng tôi phải trở ra trước 3 giờ chiều nếu không muốn qua đêm ở một nơi mà đến hội trường cũng không bói đâu ra, vì đang mùa mưa, khoảng 3 giờ chiều sẽ có mưa, mà khi đã mưa thì giao thông vào xã sẽ hoàn toàn tê liệt.
Tôi chưa thể hình dung ra sự “tê liệt” ấy như thế nào, cho tới khi tận mắt chứng kiến chiếc xe tải chở gạo cứu trợ cho bà con ngay từ sáng sớm đã quay tít bánh trong đám sình lầy mà người ta gọi đó là đường! Bữa ấy, nếu không có chiếc U oát với bác tài thần thánh của huyện thì chúng tôi chắc là ngồi khóc giữa đường như anh lái xe tải chở gạo!
Hồi hộp, căng thẳng, chân cẳng quần áo lấm lem bùn đất…đến tận phút chót vẫn không hết căng thẳng vì tìm tới nhà nghệ nhân thì nghệ nhân…đi rẫy rồi, hỏi bao giờ về, bảo không biết, có khi về trong ngày, có khi mấy ngày mới về, điện thoại thì đến sóng cũng chả có!!! May sao cuối cùng cũng có người tìm, điệu được ông Ker Tik ấy về nhà! Và may nữa lại được ông dẫn chỉ cho xem những tác phẩm điêu khắc hồn nhiên, phóng túng và thật sự là rất đẹp trong ngồi nhà Gươl của làng mà ông thực hiện hoàn toàn bản năng, theo một lời chỉ dẫn nào đó “từ trên trời”.
Buồn cười nhất là, sau đó chúng tôi có tới thăm ngôi nhà Gươl dựng mới ngoài huyện, nơi người ta mời ông Ker Tik tới, bảo ông làm những gì tương tự ông làm ở nhà Gươl của làng, theo chủ đề “hiện đại”, thì ôi thôi, nó hỏng toàn phần, vụng về, cứng quèo! Văn hoá dân gian là vậy, nó không phải là kỹ năng, là kỹ thuật, mà nó là nghệ thuật, và nghệ thuật ấy được sinh ra trong đời sống của nó. Cũng như cồng chiêng Tây Nguyên, UNESCO công nhận di sản cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứ đâu phải cho cồng chiêng đúc treo bán đầy ngoài lộ?
3. Thời chỉ có đi mới lấy được thông tin như thế đã trở thành “ngày xưa ơi”. Thỉnh thoảng tôi đùa với một vài đồng nghiệp: Giờ nhà báo tay to hơn chân. Vì tay bấm phím lướt mạng suốt ngày, tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin.v.v., tất cả đều online được hết cả, chứ dùng chân thì... thủ công lắm!
Ngày 7/5/2017, trong lúc lướt mạng thì thấy cái tin đang lan nhanh chóng mặt rằng có một “thị trấn ma” tặng cho bất cứ ai 2000 euro (hơn 50 triệu đồng) nếu đến sống ở đó, lý do rất dễ hiểu và rất dễ tin là thị trấn nhỏ hẻo lánh, người trẻ bỏ đi kiếm sống ở thành phố lớn, nên thị trấn giờ “hoang vắng”.v.v. Tin này được The Guardian đăng tải đầu tiên, xuất phát từ một status trên facebook của ông thị trưởng “thị trấn ma” này, sau đó được rất đông các trang báo khác dẫn lại, trong đó có cả báo tiếng Việt, với những hình ảnh minh hoạ sống động.
Tình cờ, thời điểm đó tôi lại ở khá gần Bormida, thị trấn nổi tiếng toàn thế giới chỉ sau một status ấy.
Cái máu tò mò nghề nghiệp nổi lên, tôi quyết định thử “check” xem thế nào. Và... choáng toàn phần. Khi người dân trong thị trấn thanh bình, hoa cỏ tưng bừng và nhà thờ rất to trên đồi ấy có phần bực tức nói với tôi rằng: That is not true - Đó không phải là sự thật!
Và trên tờ giấy A4 in tiếng Anh được chuẩn bị sẵn mà nhân viên Hội đồng thị trấn đưa ngay khi tôi cất lời hỏi về câu chuyện 2000 euro, nói rõ đúng là Daniele, ông thị trưởng đã viết status về ý tưởng tặng 2000 euro. Nhưng đó mới chỉ là ý tưởng, và nếu được thực hiện, nó chỉ dành cho người dân Liguria (vùng Tây Bắc Ý). Nhưng báo chí đã vẽ nó thành một câu chuyện khác, tới mức ngay khi tờ The Guardian đăng tin, Daniele đã nhận được khoảng 17.000 đăng ký từ khắp nơi trên thế giới, cả trên điện thoại lẫn facebook, nhiều tới nỗi ông phải khoá cả điện thoại lẫn facebook vì không trả lời nổi!
Không phải chiếc Cub 50, cũng không phải chiếc U-oát, tháng 5/2017 tôi đến thị trấn Bormida trên một chiếc xe hơi đời mới, điện thoại iphone, bản đồ định vị toàn cầu, laptop, máy quay... Chỉ có một thứ không thay đổi với người làm báo, đó là những thông tin chính xác và trung thực, thì 10 năm, 20 năm trước..., hay 10, 20 năm sau chắc là vẫn thế.
Phạm Thị Thu Thủy
35 năm TT&VH