Từ Milan đến Monza: Cuộc phiêu lưu mới của Berlusconi
(Thethaovanhoa.vn) - Bạn sẽ đặt ra một câu hỏi, ngay khi biết Berlusconi mua lại đội bóng Monza: Một người đã giành được tất cả với Milan, đã lên đỉnh thế giới, đã được thừa nhận là một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của bóng đá hiện đại Italy và là gương mặt quen thuộc, có ảnh hưởng trên chính trường Italy suốt 1/4 thế kỷ qua, cần gì ở một CLB hạng dưới, khi đang trên đường sang tuổi 83?
Đưa Monza lên Serie A sau hai năm
Câu trả lời thật đơn giản, như chính Silvio đáng kính đã nói với báo chí vào một ngày tháng trước, khi tin tức loang nhanh khắp nơi cho biết, Berlusconi sẽ trở thành chủ sở hữu của Monza, đội bóng của thành phố ngoại ô nằm cách Milan chỉ 15 km: “Tôi làm thế hoàn toàn là vì niềm vui. Và ước mơ của tôi là đưa Monza lên hạng Serie A để đối đầu với Milan”.
Nhiều milanista chắc chắn sẽ phì cười với tuyên bố ấy. Monza đã tồn tại 106 năm trong lịch sử, nhưng chưa từng leo đến Serie A, chỉ một lần duy nhất mon men tiến đến hạng cao nhất của nước Ý ở mùa bóng 1969-70 dưới tay HLV tài ba Gigi Radice, còn lại chỉ là một gương mặt quen thuộc ở hạng D (nghiệp dư), Serie C2 (hạng 4) và Serie C1 (hạng 3). Làm thế nào mà đội bóng từng là sân sau của những Milan và Inter, đã từng sản sinh ra những Beccalossi, Massaro, Colombo, Costacurta, Di Biagio, Ganz, Casiraghi và Abbiati, có thể một ngày nào đó hoàn thành giấc mơ của Berlusconi?
Không ai biết, nhưng Berlusconi đã đặt ra thời hạn 2 năm, và ông hy vọng, dưới sự hỗ trợ của Adriano Galliani, cánh tay phải của ông ở Milan trong suốt 3 thập kỷ, điều này sẽ thành hiện thực, một hiện thực đẹp như mơ theo cái cách mà những người lãng mạn còn sót lại của calcio những năm 1980 như ông mơ ước. Hai năm sau khi Berlusconi khi bán lại Milan cho những ông chủ nước ngoài và bản thân Galliani cũng không còn được các ông chủ mới tin dùng trong kế hoạch tái thiết đội bóng, bộ đôi huyền thoại ấy đã sống ngoài bóng đá trong buồn chán. Galliani vẫn xem Milan, nhưng chẳng mấy khi bình luận gì trước báo chí. Berlusconi tiếp tục bận rộn trong chính trị. Cho đến khi Galliani, một người sinh ra ở Monza và từ nhỏ đã yêu mến đội bóng này, thuyết phục Berlusconi chi ra 3 triệu euro để sở hữu 100% cổ phần của Monza từ tay Nicola Colombo, con trai của Felice Colombo, từng là Chủ tịch Milan từ năm 1977 đến 1980.
Không phải trò đùa Cá tháng 4
Vụ mua bán ấy và việc sau đó Berlusconi và Galliani sở hữu Monza hóa ra không phải là trò đùa, vì tháng 9 không phải 4, và điều mà nước Ý thực sự đang làm lúc này là chờ đợi xem điều gì có thể xảy ra.
Berlusconi, người đã từng có tất cả với Milan trong 30 năm làm chủ đội bóng áo đỏ-đen, bây giờ sẽ phải quen với việc xem Monza thi đấu trên sân bóng mà những trận đông nhất trong lịch sử của họ cũng chỉ chừng 5 nghìn khán giả (dù sức chứa tối đa là 19 nghìn), và đối thủ của họ tại giải Serie C sẽ là những Triestina, Rieti hay Sambenedettese, những đội bóng hầu như không ai biết đến ngoài biên giới Italy.
Galliani, người đã từng đưa về San Siro những siêu sao hàng đầu thế giới, từ Van Basten cho đến Shevchenko hay Kaka, giờ đây, với tư cách là Tổng giám đốc của Monza, sẽ lập ra cả một kế hoạch rầm rộ nhằm chiêu mộ cầu thủ để hướng đến mục tiêu Serie A. Ông còn tính sẽ đưa Kaka về ban lãnh đạo của Monza. Nhưng số 22 bừng sáng một thời ở San Siro chưa nhận lời. Có lẽ anh còn đang phân vân nên quay về San Siro để làm việc cùng đồng đội cũ và người anh lớn của anh, Maldini, hay là đến với Berlusconi, người đã từng buộc phải bán anh cho Real Madrid vào năm 2009 chỉ vì không thể ngăn cản ý muốn của anh tới Bernabeu.
Một thế giới hoàn toàn khác
Đấy sẽ là một thế giới hoàn toàn khác với Berlusconi và Galliani. Đương nhiên rồi. Không, đây không phải San Siro, Milan và ánh sáng Serie A. Berlusconi cũng đến với Monza không phải bằng trực thăng hạ cánh xuống sân tập Arena của Milan sau khi đã mua được đội bóng này vào tháng 2/1986, mà chỉ bằng xe hơi.
Nhưng trận ra mắt của Berlusconi trên cương vị Chủ tịch Monza tối 14/10 ở SVĐ Britaneo, khi Monza gặp Triestina, cũng vẫn thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận Italy và thế giới. Các tờ báo và hãng truyền hình lớn nhất của Italy và Âu đều có mặt ở Monza để đưa tin về sự có mặt này, được cho là một kỷ nguyên mới đối với Monza và bản thân Berlusconi và Galliani, những người từng lên đỉnh cao đối với Milan, từng rút lui khi nhà Berlusconi không còn khả năng tài chính để duy trì sự lãnh đạo của mình ở đây nữa, bây giờ lại trở thành những ông già thích vui vẻ, những người mơ mộng về một ngày sẽ đưa một đội hạng 3 lên Serie A.
- Mourinho muốn M.U chi tiền mạnh tay cho 2 hậu vệ thành Milan ở kỳ CN mùa Đông
- Video clip bàn thắng AC Milan 3-1 Chievo: Show diễn của Gonzalo Higuain
- VIDEO AC Milan 3-1 Olympiacos: Higuain ghi bàn, Milan ngược dòng thành công
Ai biết được, liệu điều ấy có thể xảy ra. Chỉ biết rằng, khi Berlusconi mua Milan năm 1986, không mấy người tin ông thành công. Thế rồi, chuyện gì sau đó ta đã biết. Cũng ít ai biết rằng, trước Milan, từ 1963 đến 1975, với tư cách là chủ tập đoàn xây dựng và kinh doanh chung cư Edilnord, Berlusconi đã làm chủ (kiêm luôn cả HLV!) của đội bóng Torrescalla ở hạng nghiệp dư. Cho đến giờ, Berlusconi vẫn tự hào về thời kỳ ấy, và khoe khoang rằng ông đã cùng đội chơi một thứ bóng đá tuyệt vời và đầy lãng mạn với sơ đồ 4-3-3...
“Tôi muốn có một đội bóng không tóc dài, Những người cắt tóc của Monza, hãy biết đến tin này, bởi các anh sắp có đầy việc để làm: Berlusconi muốn Monza trở thành tập hợp của những cầu thủ trẻ trung người Italy, biết cách cư xử lịch sự và có học, không để râu ria, không được để tóc dài, không đeo khuyên tai và tuyệt đối không được có hình xăm. Đó là kế hoạch đầy tham vọng mà Berlusconi và Galliani đã đưa ra khi trở thành những ông chủ mới của Monza. Báo chí Ý viết rằng, họ cần đội bóng thể hiện những tư duy mới về hình ảnh, và những hình ảnh ấy cần phải thật đẹp đẽ, sạch sẽ và đàn ông. “Họ phải là những kiểu mẫu về hành xử trên sân”, Berlusconi nói trong một hội thảo ở Milan hồi đầu tháng 10. “Họ phải xin lỗi đối phương nếu phạm lỗi và cư xử với các trọng tài như là quý ông. Nếu họ được các cổ động viên xin chữ ký, họ phải viết đầy đủ tên và họ. Họ phải ăn mặc lịch sự và đàng hoàng. Tôi muốn họ phải khác với thế giới bóng đá hiện tại”. Đúng là thời mà Berlusconi mua Milan, các cầu thủ lành hơn bây giờ nhiều. Lúc ấy, họ ăn mặc, cư xử và để tóc tai cũng rất gọn gàng. Hiện chưa rõ các cầu thủ Monza phản ứng thế nào đối với các tuyên bố của ông chủ mới. Chỉ biết rằng, Simone Iacolano, cầu thủ đầu tiên được Monza đưa về dưới triều đại của Berlusconi không giấu giếm rằng trên người anh đầy hình xăm. “Tôi sẽ tìm cách giấu chúng đi”, anh trả lời phỏng vấn báo chí Italy. Monza hiện đứng thứ 2 trên BXH của hạng Serie C, khu vực bảng B. |
Anh Ngọc