Từ lớp lớp thế hệ 'nhà Hà Nội học'…
Trong chưa đầy 2 thập niên vừa qua, đã có hàng chục gương mặt có những cống hiến nổi bật cho Hà Nội được vinh danh ở Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Đáng nói, trong số đó có khá nhiều người vẫn còn rất sung sức. Với những tác phẩm, công trình giá trị về Hà Nội liên tục ra mắt, họ được kỳ vọng, thậm chí được coi là những "nhà Hà Nội học" thế hệ mới.
Để có hình dung tương đối khái quát về về những thế hệ "nhà Hà Nội học" trong lịch sử, Thể thao và Văn hóa đã ghi lại chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (Giải Bùi Xuân Phái 2012 cho 2 tác phẩm Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội) và Nguyễn Trương Quý (Giải Bùi Xuân Phái 2019 cho Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca).
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: "Chưa bao giờ số người viết về Hà Nội nhiều như ngày nay"
"Nhà Hà Nội học" là người nghiên cứu về Hà Nội, có các công trình nghiên cứu, khảo cứu lịch sử, văn hóa, đời sống, xã hội đã công bố hoặc xuất bản thành sách. Người "thuộc lòng" Hà Nội cũng được gọi là "nhà Hà Nội học".
Thời Pháp thuộc, một người Pháp được gọi là "nhà Việt Nam học" và "nhà Hà Nội học" là Gustave Dumoutier (1850-1904). Ông thông thạo Hán ngữ và chữ Quốc ngữ. Ông sang Việt Nam ngày 4/4/1886 làm trợ lý văn hóa kiêm phiên dịch Tiếng Hoa và Việt cho Tổng trú sứ Paul Bert. Ông viết nhiều bài về văn hóa Việt Nam theo tư duy khoa học Phương Tây.
Về Hà Nội, từ năm 1887 đến 1889, G. Dumoutier viết một loạt bài khảo cứu và sách về Hà Nội gồm: Những ngôi chùa ở Hà Nội, Chùa Quán Sứ; Văn Miếu, Đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội; Nghiên cứu về khảo cổ học và văn minh học tại chùa Trấn Vũ (Le grand Bouddha de Hanoi); Tiểu luận về người Bắc Kỳ (Essai sur les Tonkinois); Đền Hai Bà (Le temple des deux Dames)… Những bài khảo cứu này được đăng trên các báo xuất bản ở Pháp và Hà Nội. Những ai nghiên cứu, khảo cứu về Hà Nội thế kỷ 19, 20 không thể không đọc hoặc trích dẫn sách của ông.
Trước năm 1954, có rất nhiều trí thức Nho học, Tây học viết về Thăng Long - Hà Nội, nổi bật có Vũ Bằng, Thạch Lam. Sau 1954, số tác giả nghiên cứu về Thăng Long-Hà Nội nhiều hơn, giải quyết nhiều vấn đề khó, tiêu biểu có: Hoàng Đạo Thúy, Tô Hoài, Trần Quốc Vượng, Vũ Tuân Sán, Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Thừa Hỷ, …
Chưa bao giờ số người viết về Hà Nội nhiều như ngày nay. Các bài viết được đăng báo, trên facebook hay các trang của các hội nhóm. Nhưng nghiên cứu về Hà Nội thì rất ít, có lẽ không ai muốn làm cái việc không ra tiền, mất thời gian, đau đầu, có khi chỉ vì lỗi nhỏ cũng bị dư luận chỉ trích phủ nhận cả cuốn sách. Theo tôi biết, hiện có Nguyễn Trương Quý, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Việt Cường…
Về dự định, hiện tại tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn khảo cứu Làng làng, phố phố, Hà Nội khoảng 100.000 chữ. Xa hơn tôi muốn viết cuốn Lịch sử Hà Nội từ 1954-2008.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: "Hà Nội luôn sẵn có người nghiên cứu"
Thú thực là càng đào xới đề tài Hà Nội, càng thấy câu chuyện "Hà Nội học" cần đặt ra nghiêm túc như một lĩnh vực nghiên cứu có các khung lý thuyết liên ngành. Tuy nhiên, điều tôi bận tâm là phần trung tâm của lĩnh vực này liên quan đến các mảng khảo cứu văn hóa nghệ thuật vẫn cần được chú trọng như nét hấp dẫn chính chứ không phải sách vở điển chế hóa khô cứng.
Danh hiệu "nhà Hà Nội học" do đó cũng đòi hỏi những cách tiếp cận mềm dẻo hơn, song chắc chắn là cần đưa ra được một số phương pháp nghiên cứu có ý nghĩa lâu dài, đóng góp vào kho tri thức văn hóa về Hà Nội. Bản thân tôi thì thấy thực tế khắc nghiệt hơn là một vài danh hiệu hay danh xưng, đi kèm chúng là những kỳ vọng và đòi hỏi, đôi khi cũng ẩn chứa thách thức nguy hiểm nữa. Chẳng hạn, người ta kỳ vọng một kiểu nhà bách khoa thư, một giáo sư biết tuốt, mà kỳ thực không thể ai cứ nghiên cứu về Hà Nội là có đủ thông tin để giải đáp, cắt nghĩa hay bàn luận, nhất là một vùng đất có biết bao người cũng đang "khai quật" bấy lâu nay.
Theo tôi quan sát, có vẻ ưu thế xưa nay của giới khảo cứu về Hà Nội thiên về những người làm sử học. Các mảng về khảo cứu văn hóa hay nghệ thuật thường nhẹ ký hơn khi đặt trong tổng thể ngành đó. Ngành sử dường như đã tiến được những bước dài trong việc định ra một "hệ sinh thái" cơ sở dữ liệu về Hà Nội, liên thông với khảo cổ học, văn bản học nghiên cứu trước tác, văn bia, phong tục, địa chí… Hầu hết những khảo cứu hay phát hiện về Hà Nội ở nhiều lĩnh vực có cơ sở từ các thông tin của văn bản sử.
Tôi không phải là người đọc nhiều nên chỉ có thể nói một cách chủ quan, chẳng hạn tôi nghĩ danh xưng tiêu biểu có thể thuộc về thế hệ các nhà nghiên cứu kế cận di sản trường Viễn Đông Bác Cổ hay các nhà văn nhà báo thời Pháp thuộc, và cũng có thể nói tới những người như Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Uẩn… Nếu GS Trần Quốc Vượng có vai trò tạo ra một diễn ngôn nổi bật về vị thế Thăng Long - Hà Nội, làm được việc ý nghĩa là tạo ra cầu nối giữa "nghìn xưa văn hiến" với các vấn đề hiện đại, thì cụ Nguyễn Văn Uẩn lại cho thấy sản phẩm của một nhà nghiên cứu không thuộc một cơ quan nào lại có thể đạt được tầm vóc địa chí chất lượng như vậy như bộ Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, đến giờ vẫn khó có bộ nào vượt qua.
Một số tác giả tôi khá thích thú với tác phẩm khảo cứu về địa chí vùng ven Thăng Long như Đỗ Thỉnh, Bùi Thiết. Các nhà văn, nhà giáo như Tô Hoài, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Vinh Phúc đóng vai trò những nhà truyền thông, nhà phát ngôn quan trọng cho bồi đắp một biểu tượng Hà Nội. Ngay như tác giả nước ngoài thì Philippe Papin cũng rất xứng đáng cho danh hiệu "nhà Hà Nội học". Điều quan trọng nhất là họ đem lại một phong vị hấp dẫn để đọc về Hà Nội mà tôi gọi là "khẩu khí Hà Nội".
Dĩ nhiên, với tư cách một thủ đô chính trị, văn hóa và trung tâm kinh tế, Hà Nội luôn sẵn có người nghiên cứu về nó. Đề tài Hà Nội thường hiện diện trong các luận văn, luận án hay công trình nghiên cứu khoa học nhiều ngành, do đó lực lượng các nhà nghiên cứu ở các viện, trường đại học là nguồn lực mạnh.
Tuy nhiên, điều quan trọng là dấu ấn bộc lộ yếu tố mỹ cảm trong nghiên cứu về Hà Nội, thứ thường liên thông với các sáng tác văn học nghệ thuật hay các thực hành văn hóa ở mảnh đất này. Bên cạnh những người chuyên tâm biên khảo đúng nghĩa như nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, những nhà nghiên cứu của giới kiến trúc như PGS Nguyễn Quốc Thông, giới sử như PGS Nguyễn Thừa Hỷ, người nước ngoài như GS William Logan đã đem lại những khung khổ chất lượng về nhận diện hình thái đô thị qua chiều dài lịch sử.
Bao giờ cũng vậy, khảo cứu về Hà Nội thường đòi hỏi trải nghiệm và vốn sống, thêm nữa là càng ngày các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đặt ra yêu cầu cao hơn cho người nghiên cứu, nên ưu thế vẫn thuộc về lứa trên dưới 40 tuổi. Tôi nhận thấy dòng sáng tác duy trì mảng các sách ký (tản văn, tạp bút) viết về phong cách sống thị dân của Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà hoặc theo các mảng phong tục đan xen thời bao cấp và hiện tại như Vũ Công Chiến, Trung Sỹ…, vẫn có người đọc.
Tuy vậy, mảng khảo cứu tư liệu cũ, nhất là thời tiền chiến và trước 1954 nổi lên trong xu hướng hoài cổ Đông Dương, gây được chú ý do công bố những tư liệu giúp minh định các khoảng trống thông tin, chẳng hạn các tác phẩm của nhà sưu tập Tạ Thu Phong. Tôi cũng đang để ý một số bạn trẻ làm các dự án kể chuyện về Hà Nội, họ bắt đầu có ý thức định nghĩa Hà Nội ở những mảng hành vi văn hóa, đi tìm cơ chế tạo dựng các thực hành đó. Thực tế thì ngay những mảng khảo cứu về các nhóm phái xuất bản, văn học ở Hà Nội giai đoạn trước của Lại Nguyên Ân, Phùng Ngọc Kiên hay Đoàn Ánh Dương cũng hoàn toàn có thể nhận diện như sản phẩm "Hà Nội học".
Về cá nhân tôi, chọn Hà Nội, tất nhiên trước tiên là vì thích tìm hiểu, vì muốn trả lời những câu hỏi nào đó trên con đường khám phá Hà Nội. Bản thân mình đã theo đuổi việc viết nên đề tài Hà Nội vốn đã sẵn nhiều thứ để khai thác, không chỉ ở mảng khảo cứu mà còn ở truyện ngắn hay các tản văn.
Để tôi có thể trở thành "nhà Hà Nội học", nói nghiêm túc thì không thể định vị được, vì nghiên cứu về Hà Nội không thể chỉ thuần túy vì có chữ Hà Nội ở đấy. Nó phải bắt đầu từ những vấn đề, những câu hỏi được đặt ra theo từng lĩnh vực riêng biệt. Đi trọn những phân mảnh ấy mới làm nên một cái thư mục, hoặc cao xa hơn là lý thuyết về Hà Nội. Đồng thời đề tài Hà Nội không đến với chúng ta như một kiểu ngành học để có được bằng cấp chứng chỉ. Những người viết về Hà Nội thường vì thích mà viết chứ nói thực cũng chẳng ai dám bảo tôi sẽ thành "nhà Hà Nội học" cả. Tất nhiên mọi người quý mến có gọi bằng danh hiệu đó thì cũng mang tính động viên nhiều hơn.
Về dự định, tôi sẽ cố gắng ra tập truyện mới và có thể một cuốn khảo cứu về Hà Nội dành cho đối tượng thiếu nhi. Còn rất nhiều mảng nhỏ ở Hà Nội vẫn cần được nghiên cứu, chẳng hạn âm nhạc giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, tiếp nối hai cuốn du khảo Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc (giai đoạn thập niên 1940 qua hành trình âm nhạc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Văn Cao) và Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (giai đoạn thập niên 1950 qua câu chuyện sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn). Tôi cũng ấp ủ đề tài về địa chí các hội đoàn văn hóa trong thế kỷ 20 của Hà Nội.
Ngoài ra, tôi cũng muốn dành thời gian cho việc vẽ tranh sơn dầu, vốn đã là một việc tiến hành từ nhiều năm.
"Điều quan trọng nhất là họ đem lại một phong vị hấp dẫn để đọc về Hà Nội mà tôi gọi là "khẩu khí Hà Nội" - nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý.