Từ 'Hội thảo Kim chi' bỗng thương dưa làng Gừng
(Thethaovanhoa.vn) - Bây giờ hỏi người Hà Nội có biết làng Gừng ở đâu không, có khi ối người ngẩn mặt. Hỏi có biết làng Gừng nổi tiếng vì đâu không, có khi lại ngẩn mặt thêm lần nữa.
Ờ thì thế này, cứ giở cuốn Ẩm thực Thăng Long ra tìm là thấy. Sách ghi thế này: Gừng là tên nôm của làng Khương Hạ, nằm bên tả ngạn sông Tô, đối ngạn với làng Hạ Đình. Làng Gừng chuyên làm nghề muối dưa cà. Và trong số các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội đến giờ, nghề muối dưa cà ở làng Gừng vẫn tồn tại và phát triển.
Theo người làng kể, thì thời Pháp thuộc, quân đội Pháp vẫn đến mua hàng trăm vại dưa cà làng Gừng đưa lên tàu hỏa chở đi cấp cho các trại lính người bản xứ, và cả lính viễn chinh Pháp. Thời bao cấp, người làng Gừng còn làm nghĩa vụ dưa cà. Mỗi gia đình xã viên được chia mấy chiếc vại muối cà, đến ngày hẹn mang ra đình “cân” cho thương nghiệp. Dưa cà được đưa về các quầy rau quả, dự trữ để phân phối cho dân vào những ngày rau giáp vụ.
Lúc ấy hợp tác xã có cả xã viên làng Hạ Đình. Nhưng có điều lạ là dưa cà do xã viên bên Hạ Đình muối vẫn bị dưa khú cà thâm, còn dưa do người làng Gừng muối thì cà trắng phau, dưa vàng ươm, chắc, dai, chẳng bao giờ thâm, khú. Là vì người làng Gừng có bí quyết riêng. Đi khắp làng, nhà nào cũng hàng chục, hàng trăm vại lớn vại nhỏ... Người làng chẳng bao giờ bỏ nghề vì họ biết dẫu có thế nào, thì bữa cơm của người Việt, từ thôn quê đến thành thị, chẳng bao giờ thiếu món dưa cà.
Dưa cà là cái hồn quê Việt thấm trong từng bữa ăn, nào “anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”, nào “Công anh làm rể Chương Đài, ăn hết mười một mười hai vại cà...”. Nói gọn một câu là “tương cà gia bản”! Người Việt là không thiếu được dưa với cà.
Có biết vì sao bỗng dưng tôi nói chuyện dưa cà không? Một ông khách uống nước trà vỉa hè nói với bà chủ quán. Đây này, ông chìa ra tờ giấy mời:
“Thực hiện các hoạt động 60 năm giải phóng thủ đô, Sở VHTT&DL Hà Nội kết hợp cùng Viện Nghiên cứu kim chi quốc tế Hàn Quốc tổ chức hội thảo “Tính ưu việt của kim chi”. Tôi được mời đến hội thảo mà chẳng hiểu gì, chỉ thấy bảo nội dung hội thảo sẽ xoay quanh vấn đề về kỹ thuật, công nghệ sản xuất, tương lai của kim chi Hàn Quốc và một món ăn của Việt Nam. Nhưng chẳng hiểu món ăn Việt Nam là món nào, trong chương trình không thấy có. Chương trình chỉ ghi sau màn phát biểu khai mạc và chào mừng là tới nội dung thuyết trình về tính năng vượt trội của kim chi; tiệc nhẹ thưởng thức kim chi được năm doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu và kết thúc bằng việc... phát quà tặng kim chi cho đại biểu. Mang dưa cà Việt đến đấy không ổn, vì như thế, làm nhẹ vai trò của kim chi đi à?
Như thế, thì tôn vinh Hà Nội, tôn vinh làng nghề truyền thống của Hà Nội chắc phải tổ chức cuộc khác, bà chủ quán an ủi khách, không sao, gì chứ tổ chức hội thảo chẳng cái gì liên quan đến cái gì, người ta làm quanh năm ấy mà.
Nhưng bỗng dưng tôi thấy thương dưa làng Gừng, ông khách vẫn khăng khăng. Đáng được tôn vinh quá đi ấy chứ. Chẳng biết là trong cái “Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014” được tổ chức để chào mừng ngày giải phóng thủ đô” lần này, có làng Gừng không?
Hình như không!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần