Từ đá bóng đến làm báo
(Thethaovanhoa.vn) - Một VĐV, hoặc một cầu thủ chuyển sang làm báo thể thao có lẽ chẳng có gì quá đặc biệt. Nhưng một cựu danh thủ chuyển sang phóng viên rồi trở thành Tổng biên tập một tờ báo lớn, thì quả là hiếm. Người mà Thể thao & Văn hóa giới thiệu trong số báo đặc biệt này, đó là cựu danh thủ Thể Công, Vũ Mạnh Hải.
Gian nan sau khi giã từ sân cỏ
Sau 16 năm tập luyện và thi đấu trong màu áo đội bóng đá Thể Công (1965-1981), tôi nghỉ thi đấu và được cử đi học HLV tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh. Quyết định của cấp trên phù hợp với nguyện vọng của tôi sau khi đá bóng: Trở thành HLV bóng đá như một số cầu thủ đàn anh.
Tôi hăm hở đi học, vượt qua mọi khó khăn gian khổ của đời sống đang cực kỳ khó khăn của thời bao cấp sau khi chống Mỹ để rồi sau 3 năm sau, năm 1984 tôi chính thức tốt nghiệp. Nhưng trước khi về lại Thể Công huấn luyện lớp Bóng đá trẻ mới được tuyển chọn, tôi tạm thời được điều về Cục Quân Huấn làm trợ lý Phòng TDTT Quân đội bắt đầu một công việc mới mà cũ: Theo dõi, nghiên cứu các đội bóng đá Quân đội, giúp Thủ trưởng phòng chỉ đạo phong trào bóng đá toàn quân lúc này khá phát triển khi có tới 4 đội mạnh hàng năm dự giải VĐQG và 5 đội dự giải hạng Nhất.
Sau thời gian này, tôi được cử về đơn vị cũ để chuẩn bị tiếp nhận, huấn luyện lớp bóng đá trẻ nhập ngũ năm ấy (lớp Thể Công 1984) thì một hôm Thiếu tướng Ngô Hùng, Cục trưởng Cục Quân huấn cho, ông bảo: “Tướng Lư Giang, Tư lệnh Quân khu Thủ đô muốn Thể Công cử một HLV sang huấn luyện đội chuẩn bị mùa giải 1985 và xin đích danh đồng chí. Cục đã trao đổi với Thủ trưởng Đoàn, đề nghị đồng chí nhận nhiệm vụ mới, về làm HLV trưởng Đội Quân khu Thủ đô!”
Trong thâm tâm tôi không muốn rời Thể Công nơi tôi đã gắn bó quen thuộc cũng là nơi chắp cánh cho tài năng của mìnhvà các đồng đội phát triển. Vả lại sau đời cầu thủ tôi muốn tiếp tục gắn bó với Thể Công trong vai trò HLV, tiếp tục tạo nên những thế hệ tài năng mới. Mặt khác, Thể Công là đội bóng đại diện cho cả Quân đội nên ở lại làm HLV sẽ là sự bảo đảm tương lai của tôi cho đến cuối đời.
Nhưng là quân nhân, lệnh là lệnh, không phải chuyện đùa, nhất là sau khi được cấp trên động viên, phân tích và đặc biệt khi đã là Đảng viên, sỹ quan quân đội thì “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”!
Và quả thật, khó khăn đến với tôi ngay lập tức ngay từ mùa giải đầu tiên khi Quân khu Thủ đô đang trong quá trình trẻ hóa, chất lượng đội hình, điều kiện cơ sở vật chất, ăn ở, sân bãi tập luyện, phương tiện đi lại…của đội bóng rất thiếu thốn, và phải nói là cực kỳ hạn chế. May mắn cho tôi sau hơn 2 mùa giải làm HLV trưởng, đội bóng vẫn giữ được vị trí, không bị xuống hạng!
Tôi đã trở thành nhà báo như thế đấy
Tương như đã an bài với số phận của một nhà cầm quân của một đội bóng nghèo khó thì năm 1987, một biến cố xảy đến đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống và sự nghiệp của tôi: Do khó khăn chung của cả nước về kinh tế sau chiến tranh, việc giảm biên chế tại các đơn vị bộ đội diễn ra quyết liệt.
Về TDTT, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể toàn bộ các đội bóng Quân đội, chỉ giữ lại duy nhất đội bóng đá Thể Công. Các đội Quân khu muốn tồn tại phải tự lo, không được Bộ hỗ trợ một khoản kinh phí cơ bản như trước. Và cá nhân tôi, đại úy Vũ Mạnh Hải cũng nhận 2 đề nghị "sét đánh ngang tai" - Một là đi học tiếng Đức ngay và luôn, cấp tốc làm đội trưởng một đội xuất khẩu lao động tại CHDC Đức, Hai là về hưu một cục! Tôi bàng hoàng lo lắng và trở lại Cục Quân Huấn, xin được trở lại Đoàn Thể Công thì được trả lời rằng đã hết biên chế!
Cuộc đấu tranh để tìm lối thoát cho cuộc sống mới khiến gia đình tôi bất ổn. Chồng là quân nhân, vợ là công an, cả hai đều trong lực lượng vũ trang và 2 con trai lại nhỏ nên thời điểm đó rất khó khăn. Cuối cùng vợ tôi bảo: “Thôi thì vì tương lai các con, anh cứ ở nhà, nếu có đi huấn luyện đội bóng nào thì gần nhà thôi, chúng mình sống gần bên nhau là được cho dù có nghèo!” Tôi đồng ý và chấp nhận phương án về hưu. Đại úy về hưu chưa đến 40 tuổi, nghe mà buồn!
Thế nhưng như một định mệnh, tôi đã đến với một nghề báo một cách bất ngờ, còn hơn những bất ngờ trên sân cỏ!
Đó là vào cuối năm 1987, qua sự giới thiệu của một người hàng xóm, tôi được gặp a Tú Hào, Tổng Biên tập tờ báo Thể dục thể thao. Báo khi đó cũng cần người viết chuyên sâu bóng đá và anh Hào cũng đặt vấn đề luôn: "Báo mình là báo chuyên ngành nên văn vẻ, chữ nghĩa cũng không cần quá cao đâu. Bắt đầu từ Chủ nhật này, Giải bóng đá Giải phóng Thủ Đô diễn ra ở sân Hàng Đẫy, Hải xem rồi viết một bài bình luận kiêm cả tường thuật sau đó cho bọn mình xem. Được không?”.
Tất nhiên, đây là bài báo không được đăng vì tôi còn nhớ, mình chỉ viết được chừng 2 trang giấy cả tường thuật xen lẫn bình luận mà mất cả đêm vì sửa đi sửa lại nát hết cả mấy tờ giấy mới xong, trong khi đó tối hôm ấy bài bình luận về trận đấu chiều đã lên trang rồi. Nhưng rồi, chỉ mấy ngày sau, tôi nhận được thông tin từ tòa soạn báo tin mình được nhận. Tôi đã chính thức được gia nhập đội ngũ các nhà báo thể thao Việt Nam từ đó, mùa Xuân Năm 1988!
Tự hào về nghề báo thể thao
Như một bước ngoặt thần kỳ, tôi lại được sống cùng nỗi đam mê bóng đá của tôi, lại được được gần bóng đá, lại được thường xuyên hít thở cái không khí bóng đá đã quá quen thuộc trong cuộc đời mình nhưng hiểu rõ hơn về nó với cách tiếp cận mới. Tôi quan sát từ xa dến gần, tiếp xúc đa dạng hơn với những con người, HLV, nhà quản lý, cầu thủ, các cổ động viên…
Và cả với những “con bạc” khát nước sống vì bóng đá. Tôi hiểu bóng đá sâu hơn bằng sự trải nghiệm của đời cầu thủ và bây giờ cây bút cuốn sổ, băng ghi âm, những tấm hình của mình….
Có thể nói nghề báo đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều trong cuộc sống. Nghề nghiệp mới đã cho tôi trải qua những thăng trầm mới đầy gian nan nhưng cũng có lúc hạnh phúc và sung sướng: Có những lúc tưởng như phải giã từ nghiệp báo sau vụ kỷ luật đình đám sau chuyến công tác từ SEA Games vì một bài viết có phần ngây thơ về chính trị; Nghề báo cũng cho tôi bao niềm hạnh phúc khi bài báo của mình được bạn đọc tự photocopy ra thành nhiều bản truyền cho nhau nhằm đấu tranh vì sự tồn tại của một đội bóng! Tôi nghĩ đó là sự may mắn mà cuộc đời dành cho mình.
31 năm trôi qua “nhanh như vó câu qua cửa sổ”, ở tuổi gần 40 tôi bắt đầu chập chững bước vào nghề viết. Và cũng từ báo Thể dục thể thao, tôi đã được tham gia công tác tại thông tin tuyên truyền ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Thành công lớn nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm báo của tôi là cùng với nhà báo Hồ Nguyễn (báo Sài Gòn Giải Phóng) đồng sáng lập ra tờ báo Bóng đá, cơ quan ngôn luận của VFF! Chúng tôi tự hào về điều đó!
Vũ Mạnh Hải