Từ chuyện Quang Hải muốn xuất ngoại
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, câu chuyện đi - ở của ngôi sao lớn bậc nhất BĐVN trong dăm năm qua - Quang Hải, đã tốn rất nhiều giấy mực. Thực ra, nếu ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp đạt tầm cao, sự việc sẽ hết sức bình thường. Nhưng ở ta thì… bất thường!
Cú vô lê bằng cái chân trái ở góc cực khó, ghi bàn thắng duy nhất cho đội nhà của Hải “con” chiều qua, xứng tầm một siêu phẩm chúng ta thường thấy ở bóng đá châu Âu. Điều gì xảy ra nếu lúc đó, không phải là sân Hà Nội, mà là ở một thánh địa nổi tiếng nào đó trên thế giới? Tự hào, ngây ngất, dĩ nhiên.
Rất nhiều ý kiến ủng hộ việc Quang Hải xuất ngoại chơi bóng. Bởi theo giới chuyên môn nhận xét, Quang Hải hội đủ khả năng cho chuyện xuất ngoại. Điều đó, không chỉ tốt cho bản thân Quang Hải, còn cho cả nền bóng đá nước nhà.
Nhìn dưới góc độ tích cực, được vươn ra “biển lớn” sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy hết tất thảy những phẩm chất của Quang Hải, khi tranh tài trong một môi trường xung quanh là đồng đội trình độ cao. Lúc đó, mọi người chờ đợi Quang Hải sẽ vượt được giới hạn mà nhiều cầu thủ Việt chưa làm được. Những Huỳnh Đức, Việt Thắng, Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu…, đều không đạt được mơ ước cá nhân cũng như kỳ vọng của người hâm mộ.
Kể cả khi HLV Park Hang Seo lo lắng việc Quang Hải ra nước ngoài chơi bóng sẽ ảnh hưởng cho ĐTQG, nhưng ông không thể gợi ý Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần có những tham vấn, đưa các nội dung (liên quan tới việc thi đấu cho các cấp độ đội tuyển Việt Nam) vào hợp đồng tới của Quang Hải. Nếu thế, các ĐTQG lớn trên thế giới đều ảnh hưởng? AFF Cup và SEA Games không nằm trong hệ thống giải đấu của FIFA, cũng không phải quá quan trọng với nền bóng đá thế giới, nhất là Quang Hải thi đấu xuất sắc ở CLB nước ngoài, thì hình ảnh BĐVN càng giá trị hơn việc anh về thi đấu ở giải “ao làng”.
Thế nên, nếu Quang Hải xuất ngoại và các đội tuyển Việt Nam thiếu vắng cầu thủ này ở các giải đấu khu vực, dù thiệt thòi nhưng chúng ta phải chấp nhận, nếu muốn giấc mơ xuất khẩu cầu thủ có hướng đi tích cực. Hãy nhìn câu chuyện ở một góc độ bao quát hơn và đa chiều hơn. Thậm chí, từ những chia sẻ của ông Park cũng đã chỉ ra những tư duy bó hẹp dẫn đến những trì trệ của bóng đá nước nhà, trong tiến trình hội nhập lâu nay. Một khi đã có những suy nghĩ như thế, cho thấy căn bệnh thành tích vẫn còn trầm kha.
Đến đây, cần phải khai phóng tư duy cổ vũ cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Đấy mới phù hợp với sự phát triển của bóng đá hiện đại. Để xây dựng, phát triển một nền bóng đá mạnh, các ĐTQG mạnh cần các giải pháp đồng bộ. Khâu đào tạo trẻ chất lượng cao, CLB hoạt động chuyên nghiệp; cơ sở vật chất tốt, năng lực tài chính đạt yêu cầu; hệ thống các giải đấu trong nước mạnh. Đặc biệt, có nhiều cầu thủ được ra nước ngoài chơi bóng ở những giải đấu đẳng cấp cao. Tóm lại, nếu Quang Hải hay nhiều cầu thủ nữa thành danh ở các CLB nước ngoài bằng chính năng lực của mình, đó là “hồng phúc” cho BĐVN. Chẳng việc gì phải lo khi sự thiếu hụt nhân sự ở các ĐTQG, như nhiều người nghĩ.
Từ đây, bóng đá Việt cũng cần nhìn lại cách thức tổ chức hệ thống thi đấu trong nước. Ví dụ như sân chơi V-League, nên thay đổi thời gian tổ chức theo thông lệ quốc tế và hệ thống FIFA, phù hợp điều kiện ngày càng hội nhập sâu rộng. Hoặc, các ĐTQG không tập trung quá dài trước mỗi giải đấu. Ai đời, V-League mới đá 4 vòng đã nghỉ 4 tháng, một mùa giải nghỉ 4 lần. Điều này là phản khoa học, thiếu chuyên nghiệp, không coi trọng quyền lợi của các CLB. Đó là những nghịch lý đang tồn tại ở bóng đá nước nhà.
Từ câu chuyện của Quang Hải, đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần thay đổi tư duy để chuyên nghiệp hơn cho con đường phát triển, hội nhập.
Trần Tuấn