Từ chuyện 'bún chửi' lên sóng CNN (kỳ 2): Khi 'thượng đế' dở khóc, dở cười
(Thethaovanhoa.vn) - Gõ từ khóa “bún chửi” trên công cụ tìm kiếm Google, ngay lập tức bạn nhận được khoảng gần 1 triệu kết quả. Thứ “đặc sản” này khiến dư luận sôi sục những ngày qua.
Bạn tôi, một nhà báo, kể câu chuyện “khó tin” khi chị đặt bàn mời bạn ăn tối ở một nhà hàng trên Ngõ Hàng Bột. Bữa gặp mặt sẽ cực hoàn hảo nếu phút chót không “phát sinh” thêm hai vị khách mời.
Khi 12 người có mặt ở nhà hàng, thì ông chủ quán nhất định “mời” hai người về. Lý do rất “chính đáng”: nhà hàng không chuẩn bị thực phẩm và không thể phục vụ chu đáo 12 khách thay vì 10 khách như đặt chỗ ban đầu.
Cô gái trẻ vẫn vui vẻ thưởng thức món bún sườn ở phố Ngô Sĩ Liên - Hà Nội. Ảnh: Hòa Nguyễn
Thế là 2 trong số 12 người này phải… ra về trong bẽ bàng.
Khi nghe chị bạn kể thế, nhiều người phản ứng: Sao 10 người còn lại không bỏ về luôn?
Câu hỏi đó, cũng chính là câu hỏi mà mấy ngày qua những người bức xúc với “bún chửi” đặt ra quanh chuyện: Miếng ăn hay miếng nhục? Với người Á đông nói chung và người Việt nói riêng, “miếng ăn” - “miếng nhục” đi liền với nhau vì họ trọng “cách cho” hơn “của cho” và trọng phần “lễ - nghĩa” hơn vật chất.
Nhưng thực tế, cái cách nhiều chủ nhà hàng biến “miếng ăn” thành “miếng nhục” không ít. Một nhà thiết kế kể, chị được bạn mời ăn trưa ở quán Q. (phố Nguyễn Hữu Huân – Hà Nội). Chị có mặt đúng giờ hẹn, nhưng nhân viên lễ tân vẫn yêu cầu chị phải chờ tới… 20 phút với lý do: chị phải đọc số điện thoại người đặt bàn!
Chưa hết, nhà hàng này có ông chủ nổi tiếng khó tính. Trước mặt khách, ông quát tháo, mắng mỏ nhân viên không tiếc lời. Một lần, chị bạn tôi quên đồ quay lại nhà hàng lấy thì chứng kiến ngay cảnh ông chủ văng tục chửi nhân viên nữ thậm tệ.
Sau vài lần, không ai bảo ai, không ai trong số thực khách này muốn quay lại cái nhà hàng “lạ đời” này nữa.
2. Hôm trước, trên trang cá nhân, nhà thơ Phan Huyền Thư kể chuyện chị và chồng đã bật dậy và đi như chạy khỏi một hàng phở khi bắt gặp cảnh tượng “một em giúp việc ngồi rửa bát, xóc cái rổ đũa xoàn xoạt, nước chảy lênh láng, đang gân cổ cãi lại bà chủ” và em nhân viên khác thì “đặt cạch bát phở xuống trước mặt mình, nước sóng sánh lênh láng trên mặt bàn, tong tong xuống đất”.
Chị bảo: “Người tự trọng không ăn bún chửi, cháo quát. Mình chẳng tin đó là sản phẩm của Hà Nội, nó chỉ tồn tại như cái mụn lở loét xấu xí trên cơ thể già nua, hom hem vì đã quá tổn thương tinh thần của Hà Nội mà thôi”.
3. Dù không ít “thượng đế” rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”, nhưng “bún chửi”, “cháo quát” vẫn đắt hàng. Theo ghi nhận của phóng viên báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhờ “hiệu ứng” của phóng sự trên CNN và cuộc tranh luận chưa có hồi kết, quán “bún chửi” của chị Thảo ở phố Ngô Sĩ Liên đông khách gấp đôi trước kia.
Một độc giả của báo điện tử Thể thao & Văn hóa đã bình luận trong loạt bài viết xung quanh “bún chửi”: “Trong thơ nhạc, Hà Nội "thơm với hương hoa sữa", nhưng ở địa phương khác "hoa sữa bị đốn hạ hàng loạt" vì mùi hôi do nó gây ra!”… Câu trả lời về việc nên cổ súy hay tẩy chay những hành vi “lệch chuẩn” này sẽ có trong số báo sau của Thể thao & Văn hóa.
(Còn nữa)
Hoàng Mai Anh
Thể thao & Văn hóa