TS Lê Thống Nhất: Đinh Hữu Dư sẽ 'sống mãi' qua những trang sách
(Thethaovanhoa.vn) - Sự việc Đinh Hữu Dư, phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái qua đời ngày 11/10 vừa qua trong khi tác nghiệp về tình hình mưa lũ đã khiến cho tất cả người thân, bạn bè và đồng nghiệp bàng hoàng và đau đớn.
- Lập 'Tủ sách Đinh Hữu Dư - viết tiếp ước mơ còn dang dở'
- Nhà báo Đinh Hữu Dư được truy tặng Bằng khen về phòng chống thiên tai
- Những bức ảnh quăng mình trong mưa lũ của phóng viên Đinh Hữu Dư
Chưa bao giờ cộng đồng lại rơi nước mắt nhiều như thế, kể cả với những người chưa gặp và không hề quen biết Đinh Hữu Dư như TS Lê Thống Nhất.
Ngoài làm thơ viếng Đinh Hữu Dư, TS Lê Thống Nhất đã tìm hiểu về cậu phóng viên trẻ và chia sẻ qua Diễn đàn BigSchool những tâm sự, những dự định của mình về Dư, trong đó có việc sẽ đứng ra tổ chức xuất bản tập thơ và bài viết của Giang Phong (bút danh của Đinh Hữu Dư) cùng các bài viết về anh.
Về lý do dẫn đến việc quyết định sẽ đứng ra tổ chức xuất bản sách cho Hữu Dư, TS Lê Thống Nhất chia sẻ:
- Sau ngày tang lễ Dư, tôi mới tìm ra trang facebook của bạn ấy với nick name là Giang Phong. Suốt mấy tiếng liền tôi đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác. Tôi chụp ảnh liên tục các tư liệu từ trang facebook này và phân ra làm 3 loại: Ảnh, Suy nghĩ và Thơ".
* Ngoài xúc động về sự ra đi của Dư, ngạc nhiên khi tìm hiểu về Dư qua facebook, còn lý do nào khác khiến ông đi đến việc sẽ in các tác phẩm của Dư thành sách?
- Trong các ý kiến chia sẻ dưới bài viết, tôi để ý tới ý kiến của thầy Ngô Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí, (Đại học Văn hóa Hà Nội): “Có lẽ Lê Thống Nhất đứng ra, hoặc Khoa Báo chí (Học viện Báo chí Tuyên truyền) đứng ra, in cho em (Đinh Hữu Dư) một tập thơ lấy trên facebook. Thơ Dư đầy day dứt, nhiều nỗi niềm thế sự, có tâm và trách nhiệm với đất nước, với cuộc đời... Xét riêng về nghệ thuật, thơ khá linh hoạt, nhuần nhuyễn, ám ảnh, không bị cũ”.
Thế là mình nhận ngay trách nhiệm này và kêu gọi mọi người hưởng ứng. Cuốn sách này không chỉ có thơ của Dư mà còn có những bài viết về Dư.
* Di cảo viết của Dư có nhiều không và cá nhân ông (cũng là người làm thơ) ông có nhận xét gì về những bài thơ của Dư?
- Trên facebook của Giang Phong có khoảng gần 20 bài thơ của Dư, nhưng tôi nghĩ bạn bè Dư sẽ còn giữ những bài thơ mà Dư chia sẻ riêng với bạn hữu. Mình đã giật mình khi đọc thơ của Dư vì sự day dứt về cuộc sống mà có những câu cứ như là nói về định mệnh, sự ra đi của Dư ở tuổi 29.
Tôi ấn tượng với những bài thơ của Dư viết - hầu như các bài đều không có tên bài thơ. Đó là tâm trạng của Dư được chia sẻ ở những khoảnh khắc của cuộc sống. Trưa 15/10/2017 tôi đã viết bài “Đã đau xót mất nhà báo Đinh Hữu Dư, nay lại đau thêm khi... đọc thơ em...” về những bài thơ của Dư và chia sẻ trên Diễn đàn BigSchool (đã có hơn 53.000 lượt đọc).
Lời thơ em như nói chính về sự ra đi của em. Đọc mà bàng hoàng, đau xót.
* Ông và bạn bè sau khi in sách của Dư có những dự định gì để những tác phẩm của Dư được lan tỏa?
- Rất nhiều bạn đã mong có một cuốn sách với những bài thơ của Dư và những bài viết về Dư. Bởi vậy lúc này tôi chưa nghĩ đến việc phát hành như thế nào. Nhưng câu chuyện của Dư đã xúc động bao người và đây là yếu tố để tôi tin vào sự lan tỏa tự nhiên của cuốn sách.
* Xin cảm ơn TS Lê Thống Nhất!
Phóng viên Đinh Hữu Dư từng mong muốn mở tủ sách miễn phí cho trẻ em vùng cao và Thông tấn xã Việt Nam cũng đã phát động Chương trình mang tên “Tủ sách Đinh Hữu Dư - Viết tiếp ước mơ còn dang dở”. Cuối tháng 10 này sách sẽ đến tay các em. |
Em ra đi để ngọc quý cho nghề! Chưa tròn tuổi ba mươi... Mất thật rồi! Một giây thôi! Lũ điên cuồng cuốn trôi những ước mơ Đồng nghiệp em lệ đẫm tiếc và thương Nghiệp của em là phải biết sống chung Là nối dài tầm nhìn cho bạn đọc thân yêu Hoa viếng em hương mãi mãi tỏa bay |
Phạm Huy (thực hiện)