Trường tiểu học ở Mỹ phải đóng cửa do gia tăng các ca mắc bệnh hô hấp cấp và Covid
Một trường tiểu học phải tạm thời đóng cửa do số ca mắc bệnh hô hấp gia tăng ở cả học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Trường học đóng cửa vì mối đe doạ từ virus
Theo ABC News, mới đây, trường Tiểu học Christ the King (bang Kansas, Mỹ) thông báo sẽ tạm đóng cửa trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 9/11 do nhiều học sinh, nhân viên nhà trường mắc các bệnh hô hấp, trong đó có bệnh cúm và RSV – virus hợp bào hô hấp.
"Với số lượng lớn giáo viên, học sinh và nhân viên nhà trường dương tính với cúm A và RSV, chúng tôi sẽ tiến hành khử trùng toàn trường", đại diện nhà trường cho hay. Được biết, nhà trường ghi nhận 250 học sinh mắc bệnh, trong đó khoảng 50-60 em đã khỏi, ngoài ra còn có 7/21 giáo viên bị cúm, RSV hoặc COVID-19.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt giáo viên cũng góp phần đưa đến quyết định tạm thời đóng cửa trường học. Bà Cathy Fithian – Hiệu trưởng trường Tiểu học Christ the King chia sẻ với KMBC: “Nếu không thể bố trí nhân viên làm việc tại trường và có giáo viên đứng lớp, trường học sẽ không thể hoạt động được”.
Trung tâm y tế khu vực Overland Park (thành phố Kansas) cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng 100% số bệnh nhân đến khoa cấp cứu nhi khoa kể từ khi trường học bắt đầu xuất hiện các ca bệnh theo mùa như viêm tiểu phế quản - một căn bệnh phổ biến gây ra bởi RSV và cúm.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ), bắt đầu từ tháng 9, miền Trung Tây (bao gồm Kansas và Missouri) ghi nhận sự gia tăng các trường hợp nhiễm RSV.
Trên toàn nước Mỹ, số ca nhiễm RSV tăng từ 2.191 trường hợp (ngày 3/9) lên 13.759 trường hợp (ngày 29/10).
Các bác sĩ đã cảnh báo người Mỹ có thể phải đối mặt cùng lúc 3 đại dịch trong năm nay, khi các ca nhiễm RSV gia tăng cùng sự lây lan của Covid-19 và bệnh cúm vào mùa thu, mùa đông.
Theo các chuyên gia y tế cộng đồng, trẻ em hiện có khả năng bị phơi nhiễm với virus khi các biện pháp hạn chế dịch bệnh như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… hầu hết đã được gỡ bỏ.
Không chỉ trường Tiểu học Christ the King ở Kansas, bệnh dịch còn ảnh hưởng tới các học khu tại một số bang khác của Mỹ. Ở bang Kentucky, tất cả trường công lập quận Fayette đều đóng cửa vào ngày 7/11 do “bệnh lan rộng trong học sinh và nhân viên”.
Cùng ngày, các trường công lập quận Jackson (bang North Carolina) cũng đóng cửa vì “bệnh dịch và những lo lắng về nhân sự”. Trong khi đó, vào tuần này, các trường công lập ở quận Marshall (bang Alabama) trông vắng vẻ do trường hợp học sinh, nhân viên mắc cúm gia tăng.
Lý do RSV nguy hiểm với nhóm trẻ nhất định
Tiến sĩ Kavita Patel, bác sĩ chăm sóc chính tại Mary's Center (một trung tâm y tế cộng đồng ở Maryland), cho biết: "Chúng tôi không thể dự đoán ai sẽ bị bệnh trầm trọng hơn, ngoài những người mắc các bệnh mạn tính. Trẻ sinh non và trẻ bị hen suyễn là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh RSV cao hơn".
Tiến sĩ Anita Patel, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Washington, D.C., nhận định trẻ càng nhỏ càng dễ bị viêm nhiễm kèm theo nhiễm RSV.
Theo bà Anita Patel, trẻ sơ sinh được sinh ra với đường thở nhỏ nhất. Vì vậy, khi các loại virus như RSV làm viêm nhiễm đường hô hấp, trẻ sẽ khó thở. Virus làm tắc nghẽn mũi khiến các đường thở nhỏ càng khó nhận đủ oxy hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng bệnh của trẻ lần đầu tiên bị nhiễm RSV sẽ tồi tệ hơn so với những đứa trẻ từng bị nhiễm virus này. Thậm chí, trẻ lần đầu nhiễm RSV còn có nguy cơ bị nhiễm cùng lúc các loại virus khác.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ thông tin trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có tỷ lệ nhập viện vì RSV cao nhất. Khi trẻ lớn hơn, tỷ lệ nhập viện giảm xuống. Cụ thể, hàng năm, Học viện Nhi khoa Mỹ chỉ ghi nhận có 3% trong số hơn 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Mỹ nhiễm RSV phải nhập viện.
Tiến sĩ Kavita Patel cho biết, hiện không có vaccine hoặc thuốc kháng virus RSV. Tuy nhiên, những biện pháp bảo vệ trẻ khỏi Covid-19 vẫn có thể được áp dụng để giúp trẻ an toàn trước các loại virus khác.
Giám sát chặt chẽ chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại một trường Mầm non tại Ttái Bình