Trưởng công an xã đá bay thau cá và khúc tâm tình gửi các tiến sĩ... thật!
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/10, video clip một người đàn ông được xác nhận là trưởng công an xã Quảng Điền, Krông Ana, Đăk Lăk dùng chân đá bay thau cá của người dân khi đi dẹp lòng lề đường, đang gây bất bình trong dư luận.
Xem clip ấy, tôi lại nghĩ tới một đề tài luận văn tiến sĩ từng gây "bão mạng": Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Tiếc cho vị tiến sĩ ấy. Nếu mở rộng để tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của cán bộ ủy ban nhân dân xã”, thì có khi luận văn lại có tính ứng dụng cao và không bị đàm tiếu.
Hóm hỉnh thế, để chúng ta lại cùng suy xét quanh một luận văn tiến sĩ đang gây ồn ào khác. Về bìa sách.
Đó là đề tài của một tân tiến sĩ, bảo vệ tại Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam” và“Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam"...
Tất nhiên, tân tiến sĩ (và một số chuyên gia trong nghề) lên tiếng tự bảo vệ về tính khoa học của đề tài. Kệ, dư luận vẫn thỏa sức bỉ bôi.
Đồng ý, việc giễu cợt một đề tài chỉ vì cái tên – chứ chưa đọc đầy đủ luận văn và tìm hiểu rõ về lĩnh vực này – có thể là hơi vội vàng. Trên báo Vietnamnet, TS Lê Hải Ninh, ĐH Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia MISiS- Moscow sau khi đọc toàn bộ nội dung luận án, nhận xét: có thể chất lượng của luận án này còn có chỗ phải bàn lại hoặc cần chỉnh sửa nhưng phải khẳng định rằng vấn đề nghiên cứu là rất cần thiết, có tính thời sự, tính thực tiễn chứ không phải "vớ vẩn".
Nhưng, cách dư luận phản ứng như vậy cũng dễ hiểu.
Thời gian qua, báo chí và Thanh tra Bộ GD&ĐT đã phanh phui, kết luận hiện tượng “lò sản xuất tiến sĩ” với quy mô, chất lượng ra sao, ai cũng đã rõ. Và nếu tìm hiểu luận văn của 24 nghìn tiến sĩ ở Việt Nam, chắc chắn, sẽ có không ít những đề tài, mà dù bỏ công đọc hết, người ta cũng phải... ngẩn người.
Đến đây, cần phải xin lỗi những tiến sĩ thật. Bởi, tin chắc, có không ít tiến sĩ chân chính, phải lao động trí tuệ cật lực mới có được tấm bằng, để rồi vô tình bị xã hội đánh giá thấp.
Thành ra, chính các vị quan chức đi học tiến sĩ để phổ cập bằng cấp, củng cố địa vị mới rất dễ tạo nên cơ chế danh không đi liền với thực, trong quy trình đào tạo tiến sĩ.
Có cung ắt phải có cầu, chỉ trách các tiến sĩ tốt nghiệp với đề tài "trên mây", hiệu quả thực tiễn thấp, là chưa đầy đủ.
***
Tôi có cô bạn thân hiện là giảng viên khoa Ngữ văn của một trường Đại học sư phạm ở miền Trung. Cô vừa lấy bằng tiến sĩ văn chương, sau 4 năm “đèn sách”. Hôm qua, khi đem câu chuyện “tiến sĩ giấy” ra trao đổi, cô đã nói như khóc, rằng 4 năm làm tiến sĩ của cô có một day dứt lớn nhất: chưa chu toàn được bổn phận một người vợ, người mẹ.
Lý do, vì suốt ngày phải tham gia việc giảng dạy, rồi lao đầu vào “nghiên cứu” khoa học. Việc xa nhà để đi học là chuyện thường xảy ra. Chịu đựng rất nhiều áp lực. Chuyện lấy bằng tiến sĩ quá gian truân. Để hoàn thành luận án, cô phải qua nhiều “ải”: tổ chuyên môn- hội đồng cơ sở- phản biện kín- hội đồng Nhà nước- chỉnh sửa và hoàn thiện. Tổng chi phí cho tấm bằng tiến sĩ của cô tầm 300 triệu đồng, nhưng cô coi đó không phải là áp lực cơ bản.
Áp lực muôn trùng là thế thế nhưng cô hạnh phúc vì tấm bằng thật của mình, được chồng con ủng hộ hết mực. Nhiều đồng nghiệp của cô cũng đi học, có người 9 năm vẫn không hoàn thiện để rồi bị nhận kỷ luật của đơn vị. Nhiều người có tiền nhưng vẫn phải bỏ dở giữa chừng vì không theo nổi. “Cũng có không ít trường hợp vợ chồng lục đục, li dị” là có thực, cô thở dài.
Chúng ta từng kêu trời số lượng tiến sĩ quá nhiều. Thực ra ở Mỹ, số tiến sĩ đông gấp 41 lần Việt Nam. Vấn đề, họ đào tạo tiến sĩ không phải để củng cố địa vị, tiến thân, mà cơ bản để phụng sự khoa học, và Tổ quốc.
Xem ra, chúng ta còn nợ các tiến sĩ thật và những nhà khoa học chân chính, một lời xin lỗi!
Hữu Quý