Trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi: 'Trọng tài cũng có thể bán độ'
(Thethaovanhoa.vn) - Đằng sau scandal dàn xếp tỉ số của giới cầu thủ V-League, liệu có sự giúp sức của giới cầm còi? Trước câu hỏi thẳng thắn của Thể thao & Văn hóa, Trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi khẳng định, trọng tài cũng có khả năng bán độ.
* Cầu thủ V-League liên tiếp gây ra những scandal dàn xếp tỉ số làm rúng động nền bóng đá nước nhà, là “vua” của những ông “vua” tại giải đấu này, ông có suy nghĩ gì?
- Cũng là tất yếu, bởi có một thực tế là mặt bằng chung về trình độ văn hóa của cầu thủ Việt thấp hơn mặt bằng chung của xã hội. Khi trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém, sự hiểu biết trở nên hạn chế khiến họ không thể định hình được những việc làm sai trái.
Tất nhiên, hệ lụy này xuất phát từ khâu đào tạo trẻ, tức môi trường giáo dục các cầu thủ ở lứa tuổi U10, U11 trở lên có nhiều vấn đề bất cập. Dường như ngay từ nhỏ lò đào tạo trẻ các đội chỉ chú trọng phát triển tài năng chứ không quan tâm, hoặc ít quan tân đến việc để cầu thủ bồi bổ kiến thức văn hóa. Bây giờ, tre già nên rất khó uốn. Một bộ phận cầu thủ cá độ, dàn xếp tỉ số, phản ứng, cư xử thiếu chuyên nghiệp trên sân là phổ biến.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự phổ biến của các trang mạng, những vòi bạch tuộc cá độ hiện nay.
* Cầu thủ dàn xếp tỉ số một cách dễ dàng như thế, theo ông liệu có sự giúp sức của trọng tài hay không?
- Tất cả những bộ phận liên quan đến trận đấu đều có khả năng dính líu đến tệ nạn dàn xếp tỉ số, trọng tài cũng không phải là ngoại lệ. Trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Đồng Nai, cầu thủ đã dàn xếp tỉ số một cách lộ liễu, dễ dàng, song phải thú thực nếu không có cơ quan điều tra tất cả đã bị đánh lừa và cho rằng đó là một trận cầu hay.
Cho đến lúc này trọng tài hoàn toàn vô can ở trận đấu đó, xem kỹ trận đấu họ cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không có dấu hiệu trong việc giúp sức nhóm cầu thủ Đồng Nai làm độ. Tuy nhiên, mọi thứ đều rất khó lường, vòi bạch tuộc cá độ có thể nhắm đến bất kỳ ai, và nếu không thật sự tỉnh táo, họ rất dễ bị lôi kéo.
So với cầu thủ thì trọng tài khó bị lôi kéo hơn, bởi chí ít trọng tài đều là những người có học hành tử tế. Mặt khác, dân cá độ họ cũng tinh vi lắm, thường chúng chỉ nhắm đến những đối tượng có khả năng hoàn thành nhiệm vụ cao, những cầu thủ nắm vai trò chủ chốt trong đội.
Đánh tài sửu, cầu thủ dễ xoay chuyển kết quả, chứ trọng tài có ăn gan trời cũng không dám “ghi bàn” thay cầu thủ của các đội bóng để điều khiển theo tỉ lệ của nhà cái.
* Vậy Ban Trọng tài có biện pháp nào để ngăn ngừa sự sa ngã của các trọng tài?
- Tôi nghĩ đấy là trách nhiệm của nền bóng đá, của BTC giải chứ không riêng gì Ban Trọng tài.
Còn về phần chúng tôi, cứ đầu và giữa mùa giải các trọng tài đều được đi học lớp tập huấn điều lệ, quy định của giải. Trong đó, BTC cũng mời cơ quan điều tra của Bộ Công an C45 đến để phổ biến các kiến thức về pháp luật, kỹ năng ngăn ngừa, phòng chống tiêu cực trong bóng đá. Như ở giữa mùa giải 2014, lớp tập huấn trọng tài diễn ra tại Đà Nẵng, Đại tá Lê Văn Tam đại diện C45 đã có buổi nói chuyện khá bổ ích cho giới trọng tài.
Trọng tài cũng phải học chính trị, thì sao cầu thủ lại không? Tôi nghĩ giới cầu thủ Việt cũng cần được trang bị những kiến thức, bài giảng về chính trị, về pháp luật vào đầu mỗi mùa giải. Thế nên theo tôi, các CLB nên mời thầy về dạy cho cầu thủ của mình, ít nhất trong vòng 1 tuần lễ, trong thời gian thích hợp nhất.
Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa