Trung Quốc tố 2 chiến đấu cơ F-15 Nhật Bản 'gây ra mối đe doạ' với 6 máy bay chiến đấu, ném bom
(Thethaovanhoa.vn) - Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản ngày 10/12 đã cho xuất kích chiến đấu cơ nhằm đối phó 6 máy bay quân sự Trung Quốc trên eo biển ngăn cách giữa các đảo ở Okinawa.
Theo Văn phòng Tham mưu Liên quân của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, những máy bay Trung Quốc không vi phạm không phận Nhật Bản. Những máy bay quân sự của Trung Quốc gồm có 2 máy bay chiến đấu Su-30, 2 máy bay ném bom H-6 và 2 máy bay thu thập thông tin tình báo. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đang phân tích ý định của Trung Quốc.
Máy bay tiêm kích F-15 của Nhật Bản
Văn phòng trên cho hay 6 máy bay của Trung Quốc đã bay theo hướng Tây Nam từ Biển Hoa Đông và qua vùng trời thuộc eo biển Mikyako. Sau khi đến phía biển Thái Bình Dương của eo biển này, 2 chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay trở lại Biển Hoa Đông. Những chiếc máy bay còn lại đã đổi hướng sang đường bay phía Tây Nam và hướng tới eo biển Bashi giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.
Trước đó cùng ngày, Đài Loan cho biết các máy bay quân sự Bắc Kinh đã bay qua các tuyến đường thủy gần Đài Loan (Trung Quốc) như một phần trong cuộc diễn tập tầm xa.
Đây là những chuyến bay đầu tiên kiểu này của Trung Quốc kể từ sau cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy động thái này nhằm phản ứng lại cuộc điện đàm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 10/12 đã cáo buộc Nhật Bản gây nguy hiểm đối với các máy bay quân sự Trung Quốc khi chúng bay qua eo biển Miyako ở Okinawa, Tây Nam Nhật Bản trước đó cùng ngày.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết 2 máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã tiếp cận máy bay Trung Quốc và "gây ra mối đe dọa" với phía Trung Quốc.
Theo ông Dương, những máy bay quân sự Trung Quốc đang bay qua eo biển trên trong một nhiệm vụ huấn luyện thường kỳ như là phần trong kế hoạch hàng năm của không quân Trung Quốc, khẳng định rằng chúng không hướng tới bất kỳ quốc gia cụ thể nào.