Trung Quốc "thu lợi" 35 tỷ NDT/năm nhờ một loại thực phẩm đặc biệt: Được người Mỹ ''săn đón'' trong khi dân bản địa chẳng mặn mà
Trong quá khứ, loại thực phẩm này được xem là thức ăn xa xỉ ở đất nước tỷ dân, giá cao hơn nhiều so với giá thịt ngoài thị trường.
Trong những thập kỷ gần đây, nền kinh tế phát triển nhanh chóng, nhịp sống của con người ngày càng tăng nhanh, nhu cầu thị trường về các sản phẩm ăn liền không ngừng mở rộng nên thực phẩm đóng hộp được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, khi người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm và bắt đầu theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh thì doanh số từ thực phẩm đóng hộp trên thị trường bắt đầu giảm nhanh chóng.
Tuy nhiên, điều khiến mọi người ngạc nhiên đó là các thực phẩm đóng hộp có thể giúp đất nước tỷ dân thu về trung bình 35 tỷ NDT/năm nhờ xuất khẩu, trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất. Sau khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người bắt đầu tích trữ lương thực, đồ ăn nhanh, đồ hộp xuất hiện trong danh sách mua sắm của nhiều gia đình.
Năm 2020, doanh số bán thịt hộp ở Hoa Kỳ đã tăng 31%, doanh số bán rau đóng hộp và trái cây đóng hộp ở Đức tăng lần lượt 80% và 70%. Ngược lại, tại Trung Quốc, kể từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, doanh số bán thực phẩm đóng hộp vẫn ế ẩm, đồ hộp gần như không có chỗ đứng trong danh sách "thực đơn hằng ngày" của người dân nước này. Theo thống kê năm 2020, sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất đồ hộp ở Trung Quốc cũng giảm 7,9%.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao thực phẩm đóng hộp không được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nhưng lại cực "đắt khách" ở thị trường nước ngoài?
Trên thực tế, vào giai đoạn năm 1970 - 1980, đồ hộp được coi là thực phẩm xa xỉ, được lựa chọn để làm quà khi đến thăm người thân và bạn bè. Theo Sina, vào thời điểm đó, mức lương bình quân đầu người của cư dân Trung Quốc chỉ khoảng 30 NDT, trong khi giá thịt đóng hộp đã lên tới khoảng 1,2 NDT. Thậm chí, đơn giá đồ hộp những năm 1970, 1980 còn cao hơn nhiều so với giá thịt ngoài thị trường.
Thời điểm những năm 1970, tổng sản lượng thực phẩm đóng hộp của Trung Quốc đã đạt hơn 100.000 tấn, với nhiều loại sản phẩm bao gồm thịt, trái cây và rau quả, giá trị xuất khẩu cũng vượt quá 100 triệu NDT. Nhưng hầu hết chúng được bán ra nước ngoài, vì chỉ những người nước ngoài có thu nhập cao mới có thể mua được.
Khoảng năm 2000, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ ở Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Vào thời điểm này, nhiều gia đình Trung Quốc có đủ khả năng mua đồ hộp. Sản lượng đồ hộp không ngừng tăng lên, đến năm 2016, sự phát triển của ngành đồ hộp ở đất nước tỷ dân đạt đến đỉnh cao.
Trang Sina dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy tính đến năm 2021, tổng lượng thực phẩm đóng hộp xuất khẩu ra nước ngoài mỗi năm có thể đạt tối đa từ 3-4 triệu tấn, tạo ra lượng ngoại hối là 5,425 tỷ USD (hơn 35 tỷ NDT). Nước nhập khẩu thực phẩm đóng hộp lớn nhất của Trung Quốc chính là Hoa Kỳ, chiếm 43% - gần một nửa thị trường.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ thức ăn đóng hộp tại Trung Quốc nhiều năm gần đây đang giảm nhanh. Cụ thể, năm 2020, sản lượng ngành thực phẩm đóng hộp giảm dần do dịch bệnh. Riêng trong tháng 12, tổng sản lượng đồ hộp đạt 813.000 tấn, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Nguyên nhân của điều này được cho là do quan niệm của người Trung Quốc về loại thực phẩm này.
Cũng theo Sina, khảo sát thị trường cho thấy 80% số người được phỏng vấn đều cho rằng đồ hộp không tốt cho sức khỏe, chúng chứa chất bảo quản, thuộc hàng đồ ăn vặt công nghiệp,... Họ tin rằng chỉ có nguyên liệu tươi mới tốt cho sức khỏe, các loại thực phẩm tươi sống cũng có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc không còn mặn mà với thực phẩm đóng hộp.
Ngược lại, người châu Âu và người Mỹ yêu thích và nhận ra giá trị dinh dưỡng của thực phẩm đóng hộp. Trong những năm qua, đồ hộp đã trở thành một loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người châu Âu và châu Mỹ. Không chỉ vì thói quen mà còn vì nhu cầu bởi ở những khu vực này, rau tươi đôi khi đắt hơn nhiều so với đồ hộp, điều này hoàn toàn ngược lại với Trung Quốc.
Cụ ông 80 tuổi làm giàu từ 'đồ giả': Giúp cả làng ăn nên làm ra, một năm kiếm về hơn 500 tỷ đồng nhờ hàng nhái