Trung - Nhật căng thẳng vì vụ thảm sát Nam Kinh
(TT&VH) - Thành phố Nam Kinh đã tạm cắt quan hệ với thành phố kết nghĩa Nagoya, khi thị trưởng thành phố này công khai phủ nhận các tội ác mà quân đội Nhật gây ra tại Trung Quốc hồi năm 1937. Vụ việc đã khiến quan hệ ngoại giao Trung-Nhật căng thẳng.
Ngày 22/2, báo chí chính thống cũng như cộng đồng mạng của Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng phản đối hành động của thị trưởng thành phố Nagoya (Nhật Bản), ông Takashi Kawamura.
Vụ thảm sát nhỏ hay lớn?
Trong buổi đón tiếp đoàn đại biểu của thành phố kết nghĩa Nam Kinh tới thăm, ông Kawamura bày tỏ những nghi ngờ của ông về các vụ thảm sát dân thường diễn ra tại cố đô Nam Kinh của Trung Quốc, khi nó rơi vào tay quân đội Nhật Bản hồi năm 1937.
"Vụ thảm sát Nam Kinh" như cách gọi của người dân thành phố Nam Kinh, Trung Quốc, cũng giống như các hòn đảo Điếu Ngư/Senkaku, là tranh chấp lịch sử giữa hai nước và thường là nguồn gây bất ổn ngoại giao Trung - Nhật.
Từ lâu Bắc Kinh luôn yêu cầu Tokyo thừa nhận hoàn toàn các sự kiện này, trong khi phía Nhật nhiều lần đưa ra các xin lỗi chính thức, song cho rằng vụ thảm sát diễn ra với quy mô nhỏ hơn so với những con số mà phía Trung Quốc đưa ra. Về phần mình, ông Takashi Kawamura, thành viên đảng Dân chủ cầm quyền cho rằng "có vẻ như vụ thảm sát chưa từng xảy ra và quân đội Nhật Bản chỉ giới hạn ở các hành động chiến tranh thông thường".
Takashi Kawamura, thị trưởng thành phố Nagoya, người mới gây
sóng gió trong quan hệ Trung - Nhật
Quan điểm này được ông khẳng định trong cuộc họp báo diễn ra hôm 22/2: "Từ khi được bầu làm nghị sĩ, tôi từng nhiều lần nhắc lại quan điểm rằng vụ thảm sát hàng ngàn người chưa từng tồn tại. Chúng ta nên công khai đề cập đến vấn đề này, không do dự, thay vì cứ giữ im lặng".
Ông Kawamura thậm chí còn nhắc đến chuyến thăm của cha ông tới Nam Kinh năm 1938. "Ông ấy được người dân địa phương đón tiếp nhiệt tình, ông giải thích, nếu các vụ thảm sát diễn ra, chắc chắn người dân Trung Quốc không có được thịnh tình đó" - Kawamura nói.
Các phát biểu này ngay lập tức đã gây ra làn sóng tức giận, phản đối tại Trung Quốc cũng như trên cộng đồng mạng của nước này. Trong khi Nhật coi vụ "thảm sát Nam Kinh" có quy mô nhỏ thì Trung Quốc và đại đa số sử gia quốc tế coi đây là vụ thảm sát dân thường "chưa từng có", với 300.000 nạn nhân đã bỏ mạng trong vòng 6 tuần.
Tiếp tục "đấu khẩu"
Ngay sau khi các tuyên bố trên được đưa ra, thành phố Nam Kinh đã đề nghị tạm ngừng quan hệ kết với thành phố Nagoya, vốn đã kết nghĩa từ năm 1978. Ngày 22/2, Chính phủ Trung Quốc cũng ra thông báo cho biết ủng hộ quyết định này và chính thức gửi thư kiến nghị tới chính phủ Nhật Bản, đặc biệt khi các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm bình thường hoá quan hệ.
Những hình ảnh còn lưu lại về vụ thảm sát Nam Kinh
Báo chí Trung Quốc cũng như cộng đồng mạng phản ứng dữ dội trước sự việc trên. Không ít người dân Nam Kinh cảm thấy "xấu hổ" vì sự kết nghĩa này trong khi một số khác cho rằng cần cắt đứt ngay lập tức quan hệ ngoại giao và chỉ tái thiết lập khi ông Kawamura từ chức.
Thị trưởng thành phố Nagoya trở thành tâm điểm của hàng chục ngàn chỉ trích thậm tệ, bài diễn văn của ông bị coi là "sự sỉ nhục quá đáng" đối với người dân Trung Quốc. Một cư dân mạng của Weibo đề nghị ông Takashi Kawamura nên có chuyến thăm tới đài tưởng niệm các vụ thảm sát ở Nam Kinh. Trong khi ông giám đốc khu tưởng niệm cho rằng Kawamura "thiếu tôn trọng lịch sử và đặt quan hệ hai nước vào tình trạng nguy hiểm".
Một số chính trị gia Nhật Bản cho rằng phát biểu của thị trưởng thành phố Nagoya chỉ phản ánh một quan điểm mang tính cá nhân chứ không bao hàm quan điểm của nước Nhật Bản trong vấn đề này. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Osamu Fujimura cho hay "Đó là vấn đề cần phải được giải quyết giữa hai thành phố Nagoya và Nam Kinh".
Trong khi vụ việc chưa có dấu hiệu dịu đi, ngày 25/2, hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin, Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara đã ủng hộ các tuyên bố của người đồng cấp. Ông Ishihara, vốn nổi tiếng là người hiếm khi sảy miệng khẳng định "những điều ông Kawamura nói là chính xác, tôi sẵn sàng bảo vệ quan điểm đó", khiến căng thẳng càng thêm trầm trọng.
Ngọc Nhàn (Theo AFP, Tân Hoa Xã)