Trở lại Làng Vây Đường 9-Khe Sanh ngày lịch sử sau 50 năm
(Thethaovanhoa.vn) - Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bao gồm chuỗi các trận đánh nhằm thu hút lực lượng, phương tiện và vũ khí của địch tập trung lên khu vực biên giới Việt Nam-Lào, qua đó tạo điều kiện cho quân ta đánh địch ở các đô thị trên toàn miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968.
- Nhiều nhà báo liệt sĩ vẫn nằm lại nơi chiến trường
- Không một chiến trường nào vắng mặt phóng viên Thông tấn xã Việt Nam
Chiến dịch này còn giải phóng hoàn toàn được Hướng Hóa - huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.
Trở lại nơi "đã ra quân là đánh thắng"
Những người lính từng tham gia mặt trận Đường 9-Khe Sanh đã cùng nhau trở lại thăm chiến trường xưa sau 50 năm. Họ về đây để kể cho nhau nghe về những năm tháng hào hùng, để căn dặn thế hệ trẻ thêm tự hào về Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và cũng để thấy được sự "thay da đổi thịt" trên mảnh đất vốn chỉ có bom đạn và dây thép gai.
Trở lại Làng Vây, xã Tân Long, huyện miền núi Hướng Hóa sau 50 năm Bộ đội Tăng thiết giáp ra quân đánh trận đầu (7/2/1968 - 7/2/2018), Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nam - Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp cùng các đồng đội ôn lại truyền thống vẻ vang "đã ra quân là đánh thắng."
Bên Tượng đài xe tăng Làng Vây, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nam cho biết cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Tăng 198 đã tạo nên một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Binh chủng, xứng đáng với lời khen ngợi của Bộ Tổng Tư lệnh trong bức điện ngày 7/2/1968: “Bộ Tổng Tư lệnh nhiệt liệt biểu dương Binh chủng và đơn vị đã đánh thắng oanh liệt trận đầu, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của Bộ đội thiết giáp nói riêng và của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung “hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã”.
Làng Vây là cứ điểm tiền tiêu rất mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9-Khe Sanh của Mỹ ngụy. Đây là cửa ngõ bảo vệ cụm cứ điểm Tà Cơn, Sư đoàn 3 lính dù của Mỹ và nằm án ngữ vùng biên giới Việt-Lào. Cứ điểm này được Mỹ xây dựng kiên cố, có hệ thống hầm ngầm cùng hàng rào thép gai và các loại vật cản dày đặc.
Tại đây có 4 đại đội biệt kích ngụy chốt giữ với gần 600 tên và 30 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Đánh cứ điểm này, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Tăng thiết giáp, cụ thể là Tiểu đoàn tăng 198 phối hợp với các lực lượng, cùng tham gia.
Để giữ bí mật, các chiến sỹ xe tăng đã dùng tre nứa đan sọt, đổ đất đánh từng vầng cỏ tranh trồng và xếp lên xe để ngụy trang. Khi thay xích, các chiến sỹ dùng đế dép cao su đệm vào khi đóng, để giảm bớt tiếng ồn. Những sáng tạo này đã giúp bộ đội xe tăng giữ được bí mật và an toàn suốt 12 ngày đêm, mặc dù ở ngay sát căn cứ địch.
Theo cuốn Lịch sử Binh chủng Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam, trước khi ra trận, bộ đội xe tăng nêu quyết tâm “Kiên quyết đánh thắng trận đầu, một xe, một người cũng quyết đánh. Nếu phải chuyển sang đánh ban ngày cũng quyết đánh cho đến khi thắng lợi.”
Đêm ngày 6 rạng 7/2/1968, sau hơn 4 giờ chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bộ đội xe tăng đã phát huy cao độ vai trò đột kích, đột phá, thọc sâu chi viện cho bộ binh và các lực lượng khác, tiêu diệt và bắt sống gần 600 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị và làm chủ cứ điểm Làng Vây.
Chiến thắng ở Làng Vây giúp quân ta làm chủ đoạn đường từ Khe Sanh lên biên giới Việt-Lào, tạo bàn đạp vững chắc vây hãm cứ điểm Tà Cơn. Sau những thất bại liên tiếp ở hệ thống phòng ngự Huội San, Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa, đến đầu tháng 2/1968, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh nhẹ ở Đường 9, tập trung quân và hỏa lực chiếm đóng các điểm cao 550, 595, 573 nhằm bảo vệ cụm cứ điểm Tà Cơn.
Ở cụm cứ điểm Tà Cơn, địch lập sân bay chuyên dùng cho các loại máy bay trinh sát, lực lượng chiếm đóng có thủy quân lục chiến, xe tăng, thiết giáp. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, quân ta tấn công cứ điểm Tà Cơn với khẩu hiệu “biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của đế quốc Mỹ” và dùng chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt” để diệt hoàn toàn cứ điểm địch. Đến ngày 9/7/1968 quân ta chiếm được cứ điểm Tà Cơn, giải phóng hoàn toàn Khe Sanh - Hướng Hóa. Với chiến thắng này, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên miền Nam được giải phóng.
Đổi thay ở huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng
Trở lại Đường 9-Khe Sanh sau 50 năm, hơn 500 cựu chiến binh thuộc Ban Liên lạc cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên thuộc Quân khu 4 bồi hồi nhớ về một thời oanh liệt xen lẫn sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nơi này.
Ngày về thăm lại Sân bay Tà Cơn, cựu chiến binh Trần Văn Trung thuộc Sư đoàn 304, một trong những đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch Đường 9-Khe Sanh chăm chú nhìn từng hiện vật còn lại sau những trận chiến năm xưa.
Nơi này cũng mang đến cho ông sự bất ngờ. Cựu chiến binh Trần Văn Trung chia sẻ: "Trước khi về thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi có tìm hiểu thông tin về nơi này. Thế nhưng khi mắt thấy tai nghe, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước sự phát triển của mảnh đất này, khi đường giao thông được kiên cố, mở rộng vào tận các bản làng, nhà cửa của người dân xây dựng san sát, hàng quán, khu thương mại tấp nập người ra vào buôn bán."
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận phấn khởi nói: Địa phương "thay da đổi thịt" như ngày hôm nay là nhờ thực hiện chính sách đột phá về khuyến khích, ưu đãi đầu tư, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đầu tư vào công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương cũng phát huy tốt lợi thế Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối qua 13 tỉnh của 4 nước gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hàng dài xe ô tô tải chở đầy ắp hàng hóa nối nhau vận chuyển giữa nước bạn Lào và Việt Nam. Cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo không xa là Trung tâm thương mại Lao Bảo luôn nhộn nhịp người mua sắm. Nơi này đóng góp phần lớn trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trị giá trên 5.800 tỷ đồng của huyện miền núi Hướng Hóa.
Với hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Làng Vây, Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo; danh thắng Chênh Vênh cùng vẻ đẹp của thác Tà Puồng, thác Ồ Ồ, hang động Prai; bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô... huyện Hướng Hóa có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư dịch vụ, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái và trải nghiệm.
Hướng Hóa cũng đã trở thành "miền đất hứa" của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió. Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 do Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư, đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Nhà máy này có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, gồm 15 tua bin công suất 30 MW. Bên cạnh đó, Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 có tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, công suất 30 MW cũng đang được xây dựng. Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 công suất 30MW và Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 công suất 20 MW cũng đang chuẩn bị khởi công xây dựng.
Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, giờ đây Hướng Hóa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng doanh nghiệp liên kết với nông dân để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Dự án trồng cây mắcca do Công ty TNHH My Anh Khe Sanh có 100% vốn nước ngoài đầu tư với diện tích 1.500 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 37 triệu USD, đến nay đã trồng được 213 ha cây mắcca.
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao đang phát huy hiệu quả như: Trồng cây bời lời đỏ, trồng cây sa nhân tím làm dược liệu dưới tán rừng phục hồi... Huyện Hướng Hóa đã xây dựng được vùng chuyên canh các cây trồng chủ lực cho giá trị cao với trên 219 ha gồ tiêu, 1.075 ha cao su, vùng chuyên canh càphê trên 5.300 ha, chuyên canh chuối gần 4.100 ha...
Đi dọc Đường 9-Khe Sanh đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hôm nay, những dãy nhà khang trang, kiên cố trải dài hai bên đường. Người dân nơi đây không chỉ "ăn no mặc ấm" mà đã "ăn ngon mặc đẹp.
Ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỷ lệ trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ đã đạt 100%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi huy động đến trường đạt 99,8%; sóng truyền hình phủ đến 100% thôn, bản; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 92%...
TTXVN