Triết lý Lê Bích và cô búp bê Barbie 'sống thật'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày trước người ta “cô đơn trên mạng” (người Ba Lan viết cả một quyển sách tên như vậy kể về tình yêu qua mạng đau khổ nọ kia), ngày nay, muốn cô đơn đích thực cũng khó. Mở mạng ra là thấy mình chìm trong một đám đông “sống thật”.
Bởi hai anh chị trong cuốn tiểu thuyết Cô đơn trên mạng liên hệ với nhau bằng thư điện tử, một không gian mạng riêng tư. Còn ngày nay là Facebook, một không gian mạng đại chúng, nơi có một từ khóa vừa tuyệt vời vừa kinh khủng là “chia sẻ”.
Hầu như bất cứ việc gì người ta làm, Facebook đều la làng cho cả thiên hạ biết, từ việc đổi ảnh đại diện đến việc lớn rồi mà còn chơi game linh tinh, và nó gọi đó là “chia sẻ”. Thời nay không ai cô đơn trên mạng nữa, họ chỉ cô đơn khi ngồi không và không có điện thoại hoặc wifi để vào mạng thôi. Thay vào đó là hoang mang.
Họ hoang mang vì thấy cuộc đời của mình không được tươi đẹp như mọi người. Không nghịch tuyết ở Sa Pa mùa Đông, không vi vu mùa Thu ở Hội An, không độc hành lãng mạn trên những nẻo đường lên Mù Cang Chải, không có ai để nắm tay trong buổi tối đẹp trời…
Những bức ảnh được chỉnh bằng công nghệ tự động đều có nước màu huyền ảo sang chảnh như nhau. Cảm giác cô đơn còn đâu nữa khi trên từng nẻo đường ta vẫn dính lấy điện thoại để cập nhật hình ảnh của bản thân và xem đã có bao nhiêu like.
Lê Bích, nhân vật hư cấu nổi tiếng trên mạng kiêm tác giả cuốn sách tranh Đời cơ bản là buồn cười, viết trong bộ tranh về Facebook: “Nơi cả thế giới đều đèn hoa show off (phô diễn) tưng bừng như thể cuộc sống của ai cũng tốt đẹp lắm. Nơi ai cũng được cấp phép hành nghề cao quý, nhà phê bình, triết gia, nhà đạo đức, nhà gợi hứng, người mẫu ảnh, nhà nhân quyền, nhà thú quyền…”.
Và, “nơi một số người bốc phét rồi dần tin vào chính những điều mình bốc phét”. Những triết lý kiểu Lê Bích đang thịnh hành, tìm được sự đồng điệu từ chính những người mà các triết lý đó nói đến. Chúng nói đến tất cả nhưng cứ như là không nói ai. Có lẽ nhiều người đọc nghĩ “Chắc Lê Bích chừa mình ra”?
Vậy những người sống ảo có biết là mình đang sống ảo? Trong cùng thời gian đó, ở Mỹ, người ta truyền tay nhau một tài khoản Instagram đặc biệt. Đó là tài khoản của một cô búp bê tên là Socality Barbie (tất nhiên do người thật ẩn danh điều hành) lập ra để giễu nhại trào lưu “sống thật” (gắn thẻ #liveauthentic, nghĩa là sống thật) trên Instagram.
Tài khoản này lặp lại mọi thứ mà những người tự nhận “sống thật” đang làm: chụp ảnh được nắm tay từ phía sau, chụp ảnh một cuốn sách ra vẻ là đang đọc, chụp ảnh một chuyến đi chơi trong rừng, một chuyến đi biển, đứng trên đỉnh núi nhìn xa xăm… Mọi người nhìn vào và nhận ra, hóa ra những người “sống thật” chụp những bức ảnh y hệt nhau, thậm chí các hoạt động họ tham gia cũng tương tự nhau.
Vậy chúng ta đang sống không thật, hay vẫn sống thật nhưng lại “đèn hoa show off” những điều không thật trên mạng?
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần