Triển lãm nghệ thuật mừng 100 năm cải lương
(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình Triển lãm hình ảnh, trưng bày hiện vật kết hợp đờn ca tài tử, ca ra bộ, trích đoạn cải lương qua các thời kỳ hình thành và phát triển của sân khấu cải lương (1918 - 2018) tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Quận 1, TPHCM) trong 3 ngày 17, 18 và 19/12 (3 suất/ngày) đã mở đầu chuỗi hoạt động chào mừng tuổi bách niên của loại hình nghệ thuật đặc sắc đất phương Nam tại TPHCM kéo dài đến tháng 1/2019.
Theo đó, tiền sảnh Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã trở thành không gian trưng bày hiện vật sân khấu, như: thùng hóa trang, các loại phục trang (mũ, áo bào, râu tóc…), đạo cụ sân khấu (cung, kiếm, giáo, thương…) và nghệ thuật sắp đặt tái hiện không gian văn hóa tại thời điểm ra đời sân khấu cải lương với các ban nhạc đờn ca tài tử, các nhóm ca ra bộ, các nhóm cải lương đầu tiên với những tiết mục thể hiện tiến trình phát triển loại hình.
Không gian lầu 3 dành cho triển lãm ảnh chân dung 100 nghệ sĩ cải lương tiêu biểu qua các thời kỳ của họa sĩ Trương Văn Ý - bộ tranh được họa sĩ vẽ trong nhiều năm với tấm lòng dành cho nghệ thuật cải lương và những người nghệ sĩ mình yêu mến. Cùng chương trình giới thiệu và minh họa bước phát triển từ đờn ca tài tử, qua ca ra bộ và đến nghệ thuật cải lương cho khán giả.
Đặc biệt, sân khấu lầu 2 là phần trưng bày hậu trường sân khấu cho khán giả thấy được các công đoạn hình thành tác phẩm cải lương, và phần biểu diễn các trích đoạn giới thiệu những kỹ xảo sân khấu thể hiện sự sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ (như: kỹ thuật kéo dây bay, đánh chưởng, bắn tên...).
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết trước đây dù phương tiện kỹ thuật không hiện đại nhưng kỹ thuật sân khấu rất phát triển - thể hiện được tâm huyết, sự mày mò sáng tạo của người kỹ thuật viên, công nhân sân khấu đã mang đến cho vở diễn những hiệu ứng đáng kinh ngạc (cảnh mây trôi, nước chảy, phép màu… sống động như thật), những bối cảnh lung linh, cuốn hút được khán giả, làm người ta say mê sân khấu.
- Ra mắt 'Rạng ngọc Côn Sơn': Vở cải lương huyền thoại của gần 40 năm trước
- Kết thúc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Thừa 'đào, kép' trẻ, thiếu soạn giả, đạo diễn
Dù đã cố gắng, nhưng hôm nay, chúng ta chỉ mới tái hiện được khoảng 60 - 70% hiệu ứng trên sân khấu cải lương thời thịnh vượng. Đây là điều đáng tiếc khi nhiều mảng miếng, kỹ xảo làm nên sức hấp dẫn của sân khấu xưa dần mai một mà những kỹ thuật hiện đại hôm nay không dễ thay thế được!
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, sau dịp kỷ niệm này, chương trình sẽ được tiếp tục duy trì như mô hình sân khấu du lịch phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu về TP.HCM, góp thêm sản phẩm phát triển du lịch TP và quảng bá rộng rãi nghệ thuật dân tộc đến người dân và du khách.
Ninh Lộc