Trẻ thở bằng miệng và thở bằng mũi khi lớn lên sẽ có sự khác biệt lớn về ngoại hình: Cha mẹ không kịp uốn nắn sẽ khiến con lớn lên mặc cảm, tự ti
Thói quen thở bằng miệng vô tình sẽ khiến cấu trúc khuôn mặt của trẻ bị thay đổi, dáng đi cũng bị ảnh hưởng theo.
Con gái của chị Vương (Trung Quốc) thường có thói quen thở bằng miệng khi ngủ. Vì thấy con ngủ rất dễ thương nên chị cũng không quá để tâm. Đến khi cháu bé lên 6 tuổi, chị mới bắt đầu nhận ra những ảnh hưởng xấu từ thói quen này của con gái.
Theo đó, con chị thường chảy nước dãi khi ngủ nên chị phải giặt vỏ gối cho con mỗi ngày. Hơn nữa, chị cũng nhận ra gương mặt của con cũng có nhiều thay đổi so với ngày bé. Cụ thể, bé có miệng hẹp hơn và hàm răng chìa ra ngoài. Nhận thấy điều này ảnh hưởng rất nhiều đến ngoại hình của con gái, chị Vương quyết định đưa con gái mình đến bệnh viện để kiểm tra và tìm hướng điều chỉnh cách thở cho con.
Không chỉ riêng câu chuyện của chị Vương, rất nhiều cặp bố mẹ khác có con cái có thói quen thở bằng miệng không chỉ trong lúc ngủ mà cả lúc sinh hoạt bình thường. Nhiều người cho rằng thở bằng mũi hay bằng miệng thực ra là như nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc trẻ thở bằng miệng theo thói quen thành mãn tính kéo dài se gây các ảnh hưởng xấu và có thể báo hiệu cho một vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe. Theo đó, những đứa trẻ thở bằng miệng và bằng mũi khi lớn lên cũng sẽ có sự khác biệt lớn về ngoại hình.
Dưới đây là những điểm khác biệt cơ bản, bố mẹ nên lưu ý:
1. Kết cấu khuôn mặt thay đổi
Theo các nghiên cứu, thói quen thở bằng miệng trong thời gian dài có thể khiến kết cấu gương mặt bị biến dạng, trở nên dài hơn và không cân đối. Theo đó, hoạt động thở quyết định vị trí của xương hàm, lưỡi.
Thông thường, chúng ta thở bằng mũi nên khi thay đổi cách thở sẽ khiến xương hàm và răng bị biến đổi theo. Khi thở bằng miệng, lưỡi bình thường được đặt ở vòm miệng sẽ bị hạ thấp xuống và đẩy ra trước để không khí có thể đi qua. Từ đó những đặc điểm của gương mặt cũng thay đổi theo. Trẻ thở bằng miệng trong thời gian dài, khuôn mặt sẽ có xu hướng dài ra và hẹp đi, môi trên bị kéo lên cao và hàm dưới giữ ở tư thế mở.
2. Răng mọc lộn xộn, gặp các vấn đề về răng miệng
Trẻ khi còn nhỏ có hệ xương răng chưa được hoàn thiện hoàn thiện nên việc thở bằng miệng cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển răng của trẻ. Xương hàm trên bị thu hẹp lại một hoặc hai bên, răng khấp khểnh, khớp cắn lệch lạc, chiếc cằm cũng nhỏ đi khiến các răng cửa không chạm nhau và thường cười hở lợi.
Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thói quen dùng miệng thay vì dùng mũi để thở sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe răng miệng của trẻ. Thở bằng miệng sẽ khiến miệng và môi trẻ bị khô. Nước bọt không thể rửa trôi vi khuẩn sống tự nhiên trong miệng nên chúng sẽ sinh sôi và phát triển. Từ đó, có thể gây hôi miệng, sâu răng và các vấn đề về nướu. Các chuyên gia cũng cho rằng thở bằng miệng thường gây ra viêm nướu, đặc trưng là nướu bị đỏ hoặc sưng.
3. Thay đổi dáng đi
Thở bằng miệng là thói quen rất xấu và gây nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Nhiều người cho rằng việc thở bằng miệng và dáng đi thì không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, hành động thở bằng miệng sẽ khiến cho trẻ vô thức chúi đầu về phía trước. Lâu dài sẽ khiến vai bị chùng xuống, dáng đi vì thế cũng thay đổi, trở nên xấu hơn.
4. Trẻ khó ngủ hơn
Bên cạnh sự ảnh hưởng liên quan đến thẩm mỹ khuôn mặt, việc thở bằng miệng còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Những đứa trẻ thở bằng miệng thường không ngủ ngon vào ban đêm. Thói quen này còn không tốt cho phổi vì không có thời gian hấp thụ oxy, dẫn đến ngực và cột sống bị biến dạng.
Giấc ngủ có ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần, sự phát triển não bộ của trẻ. Vì vậy nên khi chất lượng giấc ngủ bị giảm sút có thể tác động xấu đến sự phát triển thể chất và những giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng của trẻ nhỏ. Do đó, khi phát hiện con thở bằng miệng thì các bậc phụ huynh nên nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời uốn nắn, kẻo ảnh hưởng đến ngoại hình và sự phát triển của trẻ.