Trào lưu 'Tết này con không về': Đừng biến cha mẹ thành trò đùa!
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, từ một status trên Facebook đưa ra luật chơi thử phản ứng cha mẹ khi nhắn tin “Tết này con không về”, trong vòng chưa đầy một ngày, hàng ngàn người trẻ đã tham gia “thử thách” cha mẹ trong ngày Tết. Cũng trong luật chơi, bố mẹ gọi lại thì con cái viện lý do gì đó để không nghe máy.
1. Trào lưu này vẫn đang lan truyền với tốc độ chóng mặt. Những người trẻ đăng lên Facebook tin nhắn phản hồi của cha mẹ sau khi hay tin con không về ngày Tết. Các bậc phụ huynh có muôn vàn phản ứng với muôn vàn cảm xúc. Còn, những người con cùng chung một phản ứng: biểu tượng cảm xúc cười lăn lộn.
“Có chuyện gì vậy con? Nghe máy mẹ đi”! Con gửi lại biểu tượng cảm xúc cười lăn lộn. “Đừng dở hơi. Trêu mẹ kiểu gì thế?”. Các comment phản ứng bằng biểu tượng cảm xúc cười lăn lộn. “Lại nợ tiền gì à? Về mẹ cho tiền, đừng cho bố biết là được”. Con đưa hình lên Facebook kèm chú thích thể hiện comment cười lớn.
"Mẹ không hiểu thật đấy. Mẹ đau tim không chịu được nữa đâu”! Con cũng up ảnh lên mạng và để biểu tượng cảm xúc cười lớn. “Vậy mẹ để cho con mấy trăm ở đó ăn Tết cho vui nghe con”. Con comment trên Facebook: “Chơi ngu rồi, Tết mà cho mấy trăm ở lại Sài Gòn cạp đất mà ăn à?” cùng với biểu tượng cảm xúc cười lớn.
Những biểu tượng cảm xúc cười lớn lạnh lùng hiện lên trên màn hình máy tính sau mỗi comment đăng phản ứng sau khi “thử lòng” cha mẹ khiến nhiều người khó hiểu. Bởi đằng sau những câu hỏi cặn kẽ lý do con không về dịp Tết của cha mẹ là sự lo lắng, bồn chồn và cả nỗi buồn trong ngày Tết đoàn viên. Đó còn là tình thương vô bờ bến của cha mẹ khi con ăn Tết xa nhà.
Song, với con cái, những “cư dân mạng”, trò đùa vẫn là trò đùa thôi! Bất cứ phản ứng nào của cha mẹ, con cái đều chỉ coi như một phép thử: phép thử tình thương. Một phép thử góp vui cùng chúng bạn, rồi cười, rồi quên như bao trào lưu vô bổ khác lan truyền ngày này qua ngày.
2. Năm 2014, trào lưu dội nước đá lên đầu (Ice Bucket Challenge) đã đem lại 40 triệu đô la cho quỹ chống lại bệnh xơ cứng, teo cơ một bên (ALS). Hơn thế, trào lưu đã mang lại những lợi tức ngoài tiền là nâng cao ý thức về căn bệnh ALS trong cộng đồng.
Kế đó, ở Việt Nam, trào lưu nhắn tin cho chồng “Em yêu anh” (cũng một phép thử tình yêu) đem lại nhiều thông điệp về sự thiếu thốn những lời yêu thương trong cuộc sống thường nhật.
Nhưng, dần dần, các trào lưu như: đoán tên tuổi vợ/ chồng tương lai; bạn hợp với nghề gì; hay gần đây nhất là “Be like Bill”… ngày một trở nên vô bổ. Và giờ, đến trào lưu “Tết này con không về”, cuộc chơi ảo đã không còn là vô thưởng vô phạt trên cửa sổ Facebook. Nó đã chạm tới lằn ranh đạo đức giữa đùa vui và vô cảm.
Hẳn nhiên, sau khi biết con mình đang đùa, đa phần phụ huynh sẽ tắt máy, cho qua. Song, con cái có thể cười được không khi biết cảm xúc của cha mẹ trong khoảnh khắc nhận được tin con không về? Con cái vui nổi không khi biết đằng sau trò đùa về “phép thử tình thương” là những tổn thương có thật lúc cha mẹ hoang mang gọi điện con không nghe máy?
Người trẻ cần nhận được sự cởi mở từ cộng đồng với những ý tưởng mới, song người trẻ cũng nên bình tâm thấu cảm tâm trạng của cha mẹ mình, những người lớn tuổi. Cha mẹ luôn bao dung trước những lỗi lầm con vấp phải trong cuộc đời gập ghềnh. Nhưng, sau tiếng cười của con, cha mẹ cũng không thôi lo lắng với những đứa trẻ có lớn mà chẳng có khôn!
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa