Tranh chấp bản quyền xung quanh tên gọi cuộc thi 'Hoa hậu Hòa bình Việt Nam'
Tên gọi cuộc thi nhan sắc Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đang vướng tranh chấp bản quyền giữa hai đơn vị là Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng.
Chiều 6/6, Công ty Minh Khang tổ chức họp báo công bố bản quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022. Sự kiện được livestream (phát trực tiếp) trên trang Fanpage Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương) - đại diện Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 của Công ty Minh Khang - khẳng định đơn vị này tổ chức song song cả hai cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (ở Đà Nẵng năm 2022) và Hoa khôi Hòa bình Việt Nam (ở Quảng Nam năm 2023).
Bà Thanh Thùy cũng đưa ra những quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành từ tháng 1/2021 đến đầu tháng 5/2022 công nhận quyền sở hữu trí tuệ với 6 nhãn hiệu kèm hình (logo): Miss Peace Vietnam (2 quyết định), Miss Peace Intanational, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Hoa khôi Hòa bình Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy cũng đưa ra giấy chứng nhận đăng ký bản quyết tác giả do Cục Bản quyền tác giả chứng nhận bà là tác giả kịch bản chương trình cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Công ty Minh Khang cũng có văn bản của UBND TP Đà Nẵng ngày 29/3 chấp thuận cho công ty này chỉnh sửa tên gọi cuộc thi là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, thời gian tổ chức bán kết ngày 3/9 và chung kết ngày 11/9 tại TP Đà Nẵng.
Bà Thùy cũng cho rằng Miss Grand International mà Sen Vàng chuyển ngữ thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam thì dường như không thật chuẩn nghĩa.
Bà Thanh Thùy cho biết công ty Minh Khang đã gửi đơn lên Bộ Thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội và TP HCM phản ánh việc nếu Sen Vàng cũng tổ chức cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Minh Khang.
Bà Thanh Thùy cũng thông tin thêm, cuộc thi của Minh Khang khác cuộc thi của Sen Vàng từ tiêu chí, các nội dung thi, hay khẳng định các thí sinh không phải đóng chi phí nào khi tham dự cuộc thi.
Theo bà Thanh Thùy, Hoa hậu H’Hen Niê đã đồng ý làm đại sứ cho cuộc thi, đồng thời là giám khảo. 4 giám khảo khác gồm nhạc sĩ Huy Tuấn, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, diễn viên Yến Chi (đóng Hoa hậu Nam Phương trong phim Ngọn nến hoàng cung) và nghệ nhân tài trợ vương miện hoa hậu.
Ngay lập tức, phía Sen Vàng đã chính thức có phản hồi. Theo đó, bà Phạm Kim Dung thông báo trên trang cá nhân: "Chúng tôi phản đối Công ty Minh Khang dùng tên gọi của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Kính mong các cơ quan quản lý văn hóa xem xét về việc cấp phép này. Đây là một cuộc thi quốc tế và tên của cuộc thi đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 384154.
Và tại Việt Nam, Công ty Cổ phần giải trí Sen Vàng là đơn vị hợp tác độc quyền với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam".
Bà Phạm Kim Dung kêu gọi "hãy sáng tạo chứ đừng nên vay mượn chất xám và đi tuyên bố nó là của mình" và "đừng để hình ảnh Việt Nam bị xấu đi vì những hành vi này".
Cũng theo bà Phạm Kim Dung, cuộc thi Miss Grand International là cuộc thi bắt đầu từ đất nước Thái Lan từ năm 2013 và Việt Nam đã cử đại diện tham dự cuộc thi này với tên gọi Hoa hậu Hòa bình, từ năm 2013 đến năm 2016 công ty Elite chọn thí sinh và đưa đi thi, từ năm 2017 đến nay và sau này là công ty Cổ phần giải trí Sen Vàng.
"Chúng tôi đã sở hữu tên gọi này từ trong thực tế đến pháp lý hiện nay" - bà Phạm Kim Dung khẳng định và mong rằng "các cơ quan quản lý văn hóa có liên quan xem xét vấn đề của công ty Minh Khang, đã vi phạm nghiêm trọng tên gọi của cuộc thi".
"Bên cạnh việc xâm phạm tên gọi tại Việt Nam thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chuyên nghiệp khi làm việc với quốc tế, đây là một cuộc thi của quốc tế và họ đã có sở hữu trí tuệ" - bà Dung đồng thời cung cấp hình ảnh bản quyền được cấp từ Cục Bản quyền tác giả cho Kịch bản và Logo cuộc thi.
- Hoa hậu Thu Ngân ly hôn chồng doanh nhân sau 5 năm chung sống
- Ngoài hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Chủ tịch CLB Hà Nội từng suýt cưới ai?
- Khởi động vòng Sơ khảo Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022
Cách đây ít phút, Hoa hậu Hòa bình quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng lên tiếng trên trang cá nhân về điều này, cô viết dòng trạng thái: "Hãy trả lại công bằng cho cuộc thi mà Tiên đang đại diện".
Thùy Tiên nhắc lại tên cuộc thi mình vừa đăng quang là Miss Grand International - được dịch sang tiếng Việt và được khán giả Việt Nam gọi bằng cái tên Hoa hậu Hòa bình quốc tế, được thành lập từ năm 2013 tại đất nước Thái Lan, do Sen Vàng Entertainment đang nắm giữ bản quyền.
"Chiều nay đã có một đơn vị khác tuyên bố rằng việc Công ty Sen Vàng đăng ký tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vi phạm với bản quyền tên gọi của cuộc thi bên họ.
Tiên thật sự bức xúc vì điều này sẽ khiến cho nhiều người hiểu sai rằng Tiên bước ra từ cuộc thi của họ chứ không phải từ cuộc thi mà Cty Sen Vàng cũng như Sen Vàng Entertainment đang nắm giữ bản quyền".
"Chúng tôi cũng đã đón đoàn MGI về Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc danh chính ngôn thuận khẳng định bản quyền của cuộc thi tại Việt Nam. Tiên hy vọng rằng các bạn khán giả, những người luôn yêu mến Tiên, yêu mến cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam sẽ giúp Tiên lấy lại công bằng cho cuộc thi trong thời gian sớm nhất" - Thùy Tiên nhắn nhủ.
Bảo Anh