loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm 4/12 vừa qua, Nguyễn Thúc Thùy Tiên (23 tuổi) đã mang lại niềm tự hào cho Việt Nam trên “đấu trường” sắc đẹp quốc tế khi cô đăng quang tại cuộc thi Miss Grand International 2021 (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) ở Bangkok (Thái Lan).
Nhìn lại hành trình của Thùy Tiên tại Miss Grand International 2021 - Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 có thể thấy người đẹp 9X hoàn toàn xứng đáng với vương miện cao quý.
Cần nói thêm, Nguyễn Thúc Thùy Tiên là người đẹp Việt Nam đầu tiên giành vương miện tại cuộc thi này. Và, hãy cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tìm hiểu kỹ hơn về Miss Grand International, cuộc thi thuộc nhóm “Big 6” của những đấu trường sắc đẹp danh giá nhất thế giới.
Thông điệp “Ngừng chiến tranh và bạo lực”
Miss Grand International là cuộc thi sắc đẹp quốc tế thường niên dành cho phụ nữ do ông Nawat Itsaragrisil thành lập vào năm 2013. Ông Itsaragrisil là nhà sản xuất kiêm người dẫn chương trình truyền hình Thái Lan, từng là nhà sản xuất của cuộc thi sắc đẹp Miss Thailand World cho BEC-Tero (chủ sở hữu của mạng truyền hình Channel 3) trong 7 năm cho đến năm 2012.
Sau khi kết thúc vai trò của mình với BEC-Tero, Nawat đã thành lập cuộc thi Miss Grand Thailand vào giữa năm 2013 cũng như đăng ký công ty tư nhân, Miss Grand International Co., Ltd. vào ngày 6/11/2013 để chịu trách nhiệm quản lý các cuộc thi của ông, bao gồm cuộc thi quốc gia nói trên và cuộc thi quốc tế mới được thành lập, Miss Grand International được ra mắt vào cùng năm vào ngày 19/11.
Trong lần tổ chức đầu tiên năm 2013 này, Miss Grand International diễn ra tại Bangkok với 73 quốc gia tham gia và người đẹp Janelee Chaparro của Puerto Rico đã đoạt vương miên Hoa hậu. 3 cuộc thi đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan dưới sự bảo trợ của chính phủ nước này và được truyền hình trên toàn thế giới. Các lần tổ chức tiếp theo diễn ra ở nước ngoài và được phát qua các kênh truyền hình địa phương cùng các nền tảng truyền thông xã hội.
Về bản chất, cuộc thi chủ yếu khai thác các thông điệp liên quan tới vấn đề nhân đạo, thúc đẩy hòa bình và chống lại tất cả các loại xung đột thông qua chiến dịch “Ngừng chiến tranh và bạo lực”. Các hoa hậu sẽ có cả năm để làm người phát ngôn của tổ chức cũng như tham gia vào các sự kiện từ thiện liên quan đến các chiến dịch, chẳng hạn hợp tác với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn để gây quỹ hỗ trợ nhân đạo, thăm và tặng nhu yếu phẩm cho những người trong các trại tị nạn, là diễn giả khách mời tại các sự kiện liên quan… Chưa kể, người chiến thắng cuộc thi, cùng với các á hậu, thường đóng vai trò là nhà vận động của Tổng cục Du lịch Thái Lan, nhằm thúc đẩy ngành du lịch của đất nước này.
Năm 2019, cuộc thi được tổ chức tại Venezuela trong bối cảnh quốc gia này đang khủng hoảng chính trị, do vậy một số ứng cử viên đã rút khỏi cuộc thi do lo ngại về an ninh. Sau đó vào năm 2020, cuộc thi cũng được lên kế hoạch tổ chức tại Venezuela nhưng do đại dịch Covid-19 nên sự kiện đã bị hoãn lại đến năm 2021 và chuyển địa điểm đến Bangkok.
Dù dù không được coi là một cuộc thi sắc đẹp phổ biến ở châu Âu và châu Phi nhưng nhiều quốc gia đã tổ chức cuộc thi này trong nhiều năm liên tiếp (để chọn lấy đại diện cho vòng chung kết) như Albania, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Nam Phi. Riêng tại Tây Ban Nha, Italy và một số quốc gia ở châu Á, cuộc thi cấp quốc gia còn có những cuộc thi sơ bộ ở cấp tỉnh, bang, khu vực…
Nằm trong Big 6 cuộc thi sắc đẹp thế giới
Tuy mới được tổ chức lần đầu tiên vào 2013 nhưng với uy tín và quy mô tổ chức lớn, Miss Grand International đã được xếp vào Big 6 - 6 cuộc thi Hoa hậu lớn nhất thế giới. Cụ thể, các cuộc thi còn lại trong Big 6 gồm Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth), Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) được gọi chung là Big 6.
|
Các hạng mục thi cơ bản
Các hoạt động trước thềm cuộc thi Miss Grand International thường bao gồm 3 sự kiện chính là phần thi áo tắm, phần trình diễn trang phục dân tộc và phần thi sơ khảo. Phần thi áo tắm được tổ chức tại một địa điểm riêng biệt để xác định người chiến thắng giải Áo tắm đẹp nhất, trong khi trang phục dân tộc và vòng sơ khảo của mỗi cuộc thi thường được tổ chức tại cùng một địa điểm với vòng chung kết. Tất cả các sự kiện nói trên đều được phát trực tiếp qua trang Facebook và kênh YouTube của cuộc thi.
Ở vòng sơ khảo, tất cả các thí sinh sẽ thi trang phục áo tắm và dạ hội trước hội đồng giám khảo sơ khảo. Mỗi vòng của phần thi sơ khảo và phần thi áo tắm sẽ xác định người chiến thắng các giải Trang phục dạ hội đẹp nhất và Trang phục áo tắm đẹp nhất (công bố ở cuối cuộc thi, cùng các giải Trang phục dân tộc đẹp nhất và Hoa hậu). Hơn nữa, điểm số từ cuộc thi sơ khảo, cùng với phần phỏng vấn kín và phần thi áo tắm, cũng là cơ sở xác định Top 20 của cuộc thi.
Vòng chung kết cuộc thi thường được phát sóng trên toàn thế giới thông qua kênh truyền hình miễn phí và các nền tảng mạng xã hội của cuộc thi. Tuy nhiên, giải “Quốc gia của Năm” lần đầu tiên được đưa vào hạng mục của cuộc thi hồi năm 2020. Giải này được khán giả bình chọn trên mạng xã hội và thí sinh của quốc gia giành chiến thắng trong hạng mục này sẽ tự động lọt vào danh sách Top 10 người đẹp lọt vào vòng chung kết, bất kể điểm số trước đó. Sau đó, cả 10 thí sinh lọt vào vòng bán kết sẽ tranh tài trong trang phục dạ hội và phát biểu về chủ đề “Ngừng chiến tranh và bạo lực”.
Sau vòng thi hùng biện và trang phục dạ hội, ban giám khảo sẽ chọn ra Top 5 để tranh tài trong phần hỏi đáp, trong đó tất cả các thí sinh sẽ được hỏi cùng một câu hỏi về tình hình toàn cầu đang diễn ra. Ban giám khảo sẽ chọn người chiến thắng dựa trên câu trả lời của họ và tất cả số điểm tích được trước đó.
Vương miện hoa hậu được thay đổi 3 năm/lần
Theo truyền thống của cuộc thi này, vương miện hoa hậu được thay đổi 3 năm/lần. Tất cả các phiên bản của vương miện được làm bằng vàng và đồng thau, trang trí bên ngoài bằng kim cương và ngọc lục bảo. Phiên bản đầu tiên của nó được công ty thiết kế đồ trang sức God Diamond của Thái Lan thiết kế và được sử dụng cho 3 cuộc thi đầu tiên. Tuy nhiên, sau xung đột bản quyền giữa nhà tổ chức cuộc thi và công ty thiết kế này, nhà tổ chức đã quyết định thay đổi vương miện vào năm 2016 và kéo dài tới 2018.
Phiên bản mới nhất của vương miện vàng (vừa được trao cho Thùy Tiên) được sử dụng từ năm 2019. Đây là sản phẩm của George Wittels,nhà thiết kế trang sức người Venezuela từng thiết kế vương miện cho nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế như Miss Venezuela, Miss Bahamas Teenager, Miss Tacloban và Miss Supranational (Hoa hậu Siêu quốc gia).
Kể từ năm 2014, nhà tổ chức cũng đã tặng 40.000 USD tiền mặt cho người đẹp đoạt vương miện vì đã dành 1 năm làm người phát ngôn của tổ chức trong chiến dịch của mình. Sau khi trao lại vương miện cho người kế vị, người tiền nhiệm ngay lập tức được cung cấp một bản sao vương miện như một phần thưởng danh dự, bản sao thường do cùng một nhà thiết kế chế tác.
Hành trình vượt qua 69 đối thủ
Để đăng quang ngôi vị Miss Grand International 2021, Thùy Tiên đã vượt qua 69 người đẹp đại diện các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cô luôn thể hiện thần thái tự tin và rạng rỡ loạt vòng thi từ bikini, trang phục dạ hội và hùng biện. Đặc biệt, khả năng sử dụng trôi chảy cả tiếng Anh và tiếng Thái của Thùy Tiên.
Riêng trong phần thi ứng xử, sau khi lọt vào Top 5, câu hỏi chung cho các người đẹp: "Thế giới hiện còn nhiều vấn đề gây nhức nhối như kinh tế, nhân quyền. Bạn sẽ chọn ai để trao đổi về vấn đề này?". Thay vì chọn cách đối thoại với các nguyên thủ hoặc các chính trị gia như các thí sinh còn lại, đại diện Việt Nam cho biết cô muốn trò chuyện cùng người sáng chế ra vaccine phòng chống Covid-19 AstraZeneca.
"Nếu có cơ hội trò chuyện với người tôi ngưỡng mộ, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới người đã sáng chế ra vaccine AstraZeneca. Cô ấy không cần số tiền thưởng dành cho bằng sáng chế. Tôi muốn nói với cô ấy rằng tôi vô cùng biết ơn. Đôi khi chúng ta làm việc tốt mà không cần tới sự ghi công” - Thủy Tiên nói.
|
Việt Lâm (tổng hợp)
loading...