Tranh cãi ở Premier League: Tại sao chỉ có quốc ca Pháp?
(Thethaovanhoa.vn) - Ở vòng 13 Premier League, các trận đấu sẽ cử lên bài quốc ca Pháp “La Marseillaise” như một cách chia sẻ với vụ khủng bố Paris, nhưng tại sao mấy tuần trước, người ta đã không nghe thấy quốc ca Nga?
- Rùng mình với căn phòng những tên khủng bố Paris dùng làm nơi cố thủ
- Một tuần sau khủng bố, Paris thắp nến, chơi nhạc tưởng niệm các nạn nhân
- KHÓ TIN: Nghi phạm khủng bố Paris bị chính IS săn lùng ráo riết
- PSG ra mẫu áo đặc biệt tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố Paris
- Premier League và Bundesliga sẽ thắt chặt an ninh sau khủng bố tại Paris
Tại sao giải Ngoại hạng Anh thấy cần phải chia sẻ với nước Pháp trong khi vụ máy bay Nga bị khủng bố và các máy bay Malaysia gặp nạn không được đối xử tương tự, dù số người thiệt mạng lớn hơn?
Quốc ca Nga đã không có chỗ trong thời điểm mở màn những trận đấu Premier League, hay quốc ca Tunisia, Nigeria, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thế, dù các quốc gia này đều phải trải qua những thảm kịch đau đớn không kém gì vụ khủng bố Paris.
Cả 10 CLB Premier League chơi sân nhà cuối tuần này đều sẽ cử lên bài quốc ca Pháp, từ Vicarage Road tới Etihad, từ Stamford Bridge tới Goodison Park, La Marseillaise sẽ rền vang để tưởng niệm những nạn nhân của các vụ tấn công tại Paris 7 ngày trước.
Đó là một cử chỉ cảm động của Premier League, để thể hiện sự đoàn kết với nước láng giềng Pháp và có lẽ là với cả 31 cầu thủ Pháp đang chơi ở giải đấu hạng cao nhất nước Anh.
Nhưng những câu hỏi được đặt ra cũng là dễ hiểu. Ngoài sự so sánh, chẳng phải trước đó bóng đá Anh đã bày tỏ điều tương tự ở sân Wembley tối thứ Ba, trong một bối cảnh phù hợp hơn nhiều, giữa các ĐTQG, khi mà các CĐV chủ nhà cũng đã ca vang La Marseillaise, dù họ tới từ đâu trên nước Anh, dù họ là CĐV của Chelsea hay Everton, Manchester United hay Liverpool.
Tại sao Premier League thấy cần phải lặp lại một điều tương tự, nhất là khi đó chỉ là một giải đấu của các CLB và trong năm nay, những vụ rơi máy bay của Nga và Malaysia còn khiến nhiều người chết hơn?
Không ai có thể phủ nhận sự chia sẻ cần thiết với Paris, nhưng bóng đá đang tự biến mình thành một sân khấu của những tuyên bố bị chính trị hóa một cách không cần thiết. Việc các CĐV Anh ca vang bài La Marseillaise ở Wembley là một khoảnh khắc đáng nhớ, nhưng ngay cả điều đó cũng đã xúc động và thật tình hơn nhiều nếu như 80.000 người cùng hát vang bài quốc ca của đối thủ ở SVĐ quốc gia là một sự kiện đột ngột, tới bất chợt và không xếp đặt trước.
Nhưng các CĐV của “Tam sư” đã không có cơ hội làm điều đó, bởi vào lúc trận đấu diễn ra, việc cùng nhau hát quốc ca Pháp là điều đã có trong kế hoạch. Tương tự là những bản La Marseillaise trên các sân cỏ ở Anh tuần này.
Hãy tưởng tượng thay vì một sự sắp đặt gượng gạo như thế, một đám đông các CĐV ở một sân có nhiều cầu thủ Pháp, The Hawthorns (nơi West Brom tiếp Arsenal) chẳng hạn, bỗng nhiên một nhóm các khán giả đột ngột quyết định hát vang bài La Marseillaise sau một bàn thắng của Olivier Giroud?
Nhưng bằng cách biến sự tưởng niệm thành một hành động nhân tạo, Premier League cũng đã biến bài hát thành một kiểu Happy New Year của ABBA cứ tới năm mới là phát, thay vì một sự chia sẻ thật sự ý nghĩa, thuộc về cảm xúc và mang đậm tình người.
Đó là chưa kể một câu hỏi lớn với những người tổ chức giải Ngoại hạng: Họ sẽ làm gì sau cuộc khủng bố lớn tiếp theo (tất nhiên, không ai mong điều đó xảy ra)? Lẽ ra hãy cứ để bóng đá là bóng đá, để các CĐV và cầu thủ đưa ra những tuyên bố của họ, dù nhỏ, dù lớn, đó là cảm xúc thật, thay vì sự xếp đặt thô thiển của những người làm công tác điều hành.
Trần Trọng (dịch)
Thể thao & Văn hóa