Tràng An và chuyện 'hậu danh hiệu'
(Thethaovanhoa.vn) - UBND tỉnh Ninh Bình vừa có kết luận cuối cùng về sai phạm tại công trình Tràng An cổ. Ngoài lỗi của chủ đầu tư, cả chục cơ quan quản lý của tỉnh này cũng được xác định là có trách nhiệm liên đới, bao gồm các Sở Tài nguyên & Môi trường, Giao thông vận tải, Du lịch, Văn hóa & Thể thao, Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng...
- Chùm ảnh: Tràng An cổ 'vắng như chùa Bà Đanh' vì không còn hoạt động đón du khách
- Thanh tra kết luận nhiều sai phạm trong hoạt động của Công ty cổ phần Du lịch Tràng An
- Công trình sai phạm tại danh thắng Tràng An được tháo dỡ với tốc độ... 'rùa bò'
Thẳng thắn, nhìn lại những "trục trặc" từng có trong công tác bảo tồn các di sản, đây là một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. Nghiêm trọng không chỉ ở danh sách hàng loạt cơ quan quản lý bị quy trách nhiệm, mà còn ở bản chất vụ việc: gần 2000 bậc thang kéo dài 1 km được xây mới ngay tại vùng lõi của một Di sản Thế giới tại Việt Nam.
***
4 năm trước, việc hồ sơ danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là niềm hân hoan xen lẫn bất ngờ của rất nhiều người.
Trước đó, ở thời điểm lập hồ sơ, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng của Tràng An là rất hãn hữu, khi trong vùng đệm của quần thể đã có sẵn 2 nhà máy xi măng. Một số thông tin cho biết: nếu phải hủy bỏ đồng khai thác có thời hạn 50 năm được kí trước đó, phía Ninh Bình sẽ phải bồi thường một khoản tiền khổng lồ.
Sau hàng loạt cuộc họp, phần đệm của Tràng An trong hồ sơ được thu hẹp lại để không chồng lấn lên khu vực có 2 nhà máy trên. Đồng thời, văn bản giải trình về câu chuyện này cũng được gửi lên UNESCO. Dù vậy, các chuyên gia làm hồ sơ cũng phải lao tâm khổ tứ tìm kế hoạch thuyết phục hội đồng chuyên môn của UNESCO khi bảo vệ. Bởi, việc một Di sản thế giới nằm quá gần ngành công nghiệp xi măng – vốn được coi là kẻ thù hàng đầu về ô nhiễm và phá hoại cảnh quan – là điều chắc chắn không được cổ vũ.
Lo lắng ấy là có cơ sở, khi ở vòng xét duyệt thứ hai, hồ sơ của Tràng An đã được các chuyên gia của UNESCO đề nghị lùi việc xem xét công nhận sang năm sau.
Để rồi, với quyết tâm, cũng như với các cam kết vững chắc về việc bảo vệ di sản sau danh hiệu, Tràng An cũng được UNESCO công nhận trong một phiên họp suốt 2 tiếng đồng hồ - kéo dài gấp 8 lần so với việc xét các di sản khác.
***
Nhắc lại chuyện cũ, để nói về một vấn đề cũng... rất cũ của các di sản Việt Nam: chúng ta giành danh hiệu đã khó, nhưng bảo tồn (và phát triển một cách hợp lý) những di sản ấy còn khó hơn gấp bội lần.
Nhưng, vấn đề Tràng An còn liên quan tới một câu chuyện khác. Thực tế, 4 năm trước, những nỗ lực tột bậc của tỉnh Ninh Bình đã được dư luận ghi nhận một cách khá lạc quan: đó là cột mốc đánh dấu việc một địa phương bắt đầu chuyển đổi từ công nghiệp "có khói" sang công nghiệp không khói, dựa trên tiềm năng du lịch, văn hóa của mình.
Để rồi, với sai phạm vừa xảy ra, thực tế đã chứng minh: việc phát triển du lịch dựa trên di sản – đặc biệt là một Di sản Thế giới – cũng không hề đơn giản. Đó là bài toán đòi hỏi kinh nghiệm, và cách tiếp cận khoa học để có thể vừa phát triển bền vững, vừa tận thu nguồn lợi kinh tế từ những gì đang có.
Sơn Tùng