'Trạm yêu thương' kể chuyện chàng trai khiếm thính mê vẽ từng được giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân vật chính của Trạm yêu thương tuần này là Trần Nam Long học sinh lớp 8 Khoa Khiếm thính, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương, bị câm điếc bẩm sinh và dị tật ở bàn chân, có năng khiếu nổi trội về hội họa.
Trần Nam Long cùng mẹ - chị Phùng Thị Hiếu xuất hiện trong không gian một triển lãm thu nhỏ của Trạm yêu thương với những bức tranh do chính tay Nam Long vẽ. Cuộc trò chuyện giữa MC Minh Hằng và khách mời đặc biệt hơn khi chị Hiếu là người “chuyển ngữ” giúp Nam Long giao tiếp và kể về hành trình theo đuổi ước mơ của mình.
Chị Hiếu nhớ lại thời điểm phát hiện con trai bị câm điếc thể nặng: "Năm Long 2 tuổi, khi đưa con đi khám bác sĩ, tôi như đứt từng khúc ruột khi biết tin con bị câm điếc thể nặng. Tôi khóc nhiều lắm, không biết sau này cuộc sống của con sẽ thế nào".
Tự nhủ rằng khó khăn nào cũng phải vượt qua, dù gia cảnh khó khăn nhưng chị Hiếu đã lặn lội tìm thầy chữa bệnh cho con rồi tìm thầy dạy con học vẽ. Chị đã theo học ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc để trò chuyện với con.
Không chỉ bị câm điếc, Nam Long còn dị tật bàn chân bẹt. Đến nay, Long đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật, tình trạng sức khỏe cũng được dần được cải thiện. Bù lại, theo lời kể của mẹ, Nam Long rất ngoan, chịu đựng giỏi, và có tài năng về hội họa.
Vì không nghe thấy gì nên Long rất tập trung những khi vẽ, dù ngồi ở bất kì đâu, chàng họa sĩ này cũng vẫn say mê với bức tranh của mình. Để con trai có cơ hội tiếp xúc với mọi người và hội họa, chị Hiếu đã đưa Long đến các buổi họp nhóm, các cuộc triển lãm, đồng thời cũng là dịp để chị tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật mà con mình theo đuổi.
Chia sẻ về đam mê của con, chị Hiếu vừa vui vừa tự hào. Chị vui vì hội họa giúp con trai được giao tiếp, cảm nhận cuộc sống theo một cách đặc biệt. Nam Long thích nhất là vẽ tranh về kiến trúc. Những ngôi nhà luôn có sức hút mãnh liệt với chàng trai 17 tuổi này.
Những bức tranh của Long đã được in sách và triển lãm cùng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội và đoạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức năm 2019.
Không chỉ vậy, Long còn được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Italia giới thiệu là đại diện của Việt Nam gửi 5 tác phẩm tham dự Triển lãm quốc tế các tác phẩm do người khuyết tật sáng tác.
- 'Trạm yêu thương': Nghị lực của nghệ sĩ sáo trúc khiếm thị Nguyễn Văn Linh
- Chàng trai cụt 2 tay lan tỏa nghị lực sống trong 'Trạm yêu thương'
- 'Trạm yêu thương': Chuyện người phụ nữ có 2 con mắc bệnh máu khó đông
Để có được trái ngọt đầu mùa trên con đường sống với ước mơ và đam mê hội họa, bên cạnh những nỗ lực của Nam Long luôn có sự đồng hành của người mẹ. Với Long, mẹ vừa là thầy dạy vẽ và cũng là một người bạn hiểu mình nhất.
Ngay khi hoàn thành bức vẽ chân dung về mẹ ngay trên sóng Trạm yêu thương, Nam Long đã dùng ngôn ngữ ký hiệu để nói rằng, mẹ bên ngoài đẹp hơn tranh rất nhiều.
Một mong ước của Nam Long là được đặt chân đến làng cổ Đường Lâm để vẽ một bức tranh về kiến trúc làng quê. Không chỉ giúp chàng họa sĩ trẻ thực hiện ước mơ này, Trạm yêu thương còn gửi tặng hai nhân vật một món quà đặc biệt, góp phần để Nam Long thực hiện ước mơ của con cũng là của mẹ: mở một triển lãm tranh.
Nhiều cung bậc cảm xúc về hành trình theo đuổi đam mê vẽ tranh của Trần Nam Long và nghị lực của người mẹ Phùng Thị Hiếu sẽ được bật mí trong Trạm yêu thương chủ đề Ước mơ của con là mẹ, phát sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 2/4 trên kênh VTV1.
Tiểu Phong. Ảnh: VTV